Theo kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến cuối thập kỷ này, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% dân số trong vùng. 

Coi chừng mất 40% diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long vào 2020

Một Thế Giới | 24/02/2016, 04:58

Theo kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến cuối thập kỷ này, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% dân số trong vùng. 

Như báo điện tử Một Thế Giới đưa tin, nhiều tỉnh miền Tây đã ký quyết định công bố thiên tai. Nguyên nhân là hạn, mặn đã đe dọa nghiêm trọng sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Tuần trước, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre vừa ký ban hành quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh.
Đến thời điểm này, tổng diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016 đã bị thiệt hại trên 10.000 ha (phần lớn diện tích nằm ở huyện Ba Tri). Hàng trăm diện tích cây ăn trái ở các huyện như Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành… bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng nặng.
Hiện các sông chính ở Bến Tre đã có độ mặn 4‰ và đang xâm nhập sâu vào các nhánh sông nhỏ từ 45 - 60km. Việc sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng đến cả lĩnh vực du lịch do thiếu nước ngọt.
Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ triển khai khẩn cấp các điểm cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân tại các xã ven biển, đánh giá thiệt hại, hỗ trợ vốn kịp thời cho người dân nhằm giảm bớt khó khăn và có điều kiện tái sản xuất.
Còn ở Kiên Giang vào tuần trước, ông Mai Văn Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cũng ký quyết định công bố thiên tai gây thiệt hại sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2015 - 2016 và vụ mùa trên địa bàn tỉnh. Theo ngành nông nghiệp tỉnh này, con số thiệt hại trên đang tăng dần trước tình hình khô hạn diễn ra ngày càng gay gắt. 
Và đến chiều qua, 23.2, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh này vừa công bố thiên tai do mặn xâm nhập cấp độ 2 dựa trên kết quả kiểm tra nguồn nước tại huyện Tân Trụ và Thủ Thừa mới đây. 
Kết quả kiểm tra cho thấy, độ mặn 4 g/l trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt sâu khoảng 78 km và trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt sâu khoảng 72 km. Mặn xâm nhập làm gần 4.000 ha lúa, hoa màu trên toàn tỉnh bị thiệt hại, giảm năng suất. Ước tính, nếu thời gian tới không có mưa thì độ mặn sẽ còn tăng cao hơn và kéo dài đến tháng 6, tháng 7. Dự báo sẽ có gần 10.000 ha lúa và hoa màu tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ và Bến Lức bị thiếu nước trong thời gian tới.
Tại Sóc Trăng, đến nay có gần 5.800 ha lúa ở các huyện Long Phú, Kế Sách, Trần Đề… bị thiệt hại do hạn, mặn khiến nông dân mất trắng khoảng 40 tỷ đồng... Hiện nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 65km, cao hơn nhiều so với những năm trước.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, cấp độ 1. Đến thời điểm này, Tiền Giang có gần 1.000 ha lúa mất trắng, hơn 10.000ha lúa đang bị đe dọa, nguy cơ thiệt hại rất lớn. 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các thành ủy, tỉnh ủy ở ĐBSCL ra chỉ thị phòng chống hạn, mặn; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phải làm quyết liệt để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra; không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống…
Bên cạnh xâm mặn thì tình hình khô hanh cũng rất đáng báo động. Cũng chiều 23.2, Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình hình khô hạn ở các tỉnh ĐBSCL diễn ra gay gắt, nguy cơ cháy rừng đang hết sức căng thẳng.
Do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài… nên hầu hết diện tích rừng ở các tỉnh Long An, Cà Mau và An Giang đang bị khô kiệt, nguy cơ cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, toàn bộ diện tích rừng ở Đồng Tháp cũng đang khô, nguy cơ cháy cấp IV, cấp nguy hiểm.  Đáng lo ngại là nếu cháy rừng xảy ra, tốc độ lây lan sẽ rất nhanh và khó cứu chữa. Vì vậy, các tỉnh, các chủ rừng, người dân… cần tăng cường canh gác, đề phòng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy xảy ra.
“ĐBSCL đang chịu tác động kép do biến đổi khí hậu - nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác, sử dụng nước không bền vững ở thượng nguồn sông Mê Công. Nhiều nơi trong vùng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai” - ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định tại hội nghị “Quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, diễn ra ngày 23-2, tại Cần Thơ, do Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức.
Theo nhận định, xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng tới gần 700.000 ha/ tổng số 1,7 triệu ha đất nông nghiệp của cả vùng. Theo kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến cuối thập kỷ này, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% dân số trong vùng. Thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các địa phương trong vùng, triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng… 
Cao Phong (SGGP)          

P.V (bài viết có sử dụng thông tin từ SGGP và TTXVN)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
40 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coi chừng mất 40% diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long vào 2020