Sáng 24.6, UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự, 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ; công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Quang Cường | 24/06/2023, 11:40

Sáng 24.6, UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự, 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ; công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng; đại diện lãnh đạo Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL); đại diện lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh.

ky-niem-nguyen-huy-oanh-3.jpg
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương trao bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết, Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Nơi đây hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận như: ca trù, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là 3 di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hòa chung dòng chảy lịch sử dân tộc, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu - Hà Tĩnh ngày càng phát triển, có nhiều danh nhân tiêu biểu, đóng góp nhiều thành tựu trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, ngoại giao, lịch sử, địa lý, y học… Các thế hệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu luôn có sự kế tục, trao truyền, kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống, để lại nhiều di sản văn hóa rực rỡ cho đến ngày nay, đã và đang được bảo tồn phát huy.

le-ngoc-chau-ht.jpg
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại buổi lễ

Với sự tâm huyết, dày công, trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu và sự quan tâm của tỉnh, của Trung ương, tháng 6.2022, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu đã được vinh dự ghi vào danh sách di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP). Đây là bộ sưu tập gồm các sắc phong của triều Hậu Lê, triều Nguyễn, nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, họ Trần, họ Hoàng thuộc làng Trường Lưu.

Các văn bản này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên giấy dó và lụa trong quãng thời gian từ năm 1689 đến 1943. Những văn bản này hiện là những tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục, mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: “Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được ghi danh là di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây thực sự là vinh dự lớn của dòng họ Nguyễn Huy, của người dân làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh. Các tư liệu này mãi là nguồn tài sản vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế chúng ta”.

van-ban-han-nom-truong-luu-3.jpg
van-ban-han-nom-truong-luu-2.jpg
van-ban-han-nom-truong-luu.jpg
van-ban-han-nom-truong-luu-6.jpg
van-ban-han-nom-truong-luu-5.jpg
Một số sắc phong trong hệ thống Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu

Làng Trường Lưu bao gồm 4 thôn Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Kim Song Trường, làng Trường Lưu được thủy tổ họ Nguyễn Huy là Nguyễn Uyên Hậu cùng cư dân bản địa các làng Tràng, Làng Vạc, Kẻ Đò... lập và đặt tên từ giữa thế kỷ XV.

Đến giữa thế kỷ XVIII, các danh nhân Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự… đã cùng nhân dân xây dựng Trường học Phúc Giang, nơi có hàng nghìn người theo học, đã đào tạo hơn 30 tiến sĩ, trong đó có nhiều danh nhân đất nước, gây dựng nhiều cảnh đẹp, cùng nhiều sinh hoạt hát ví, sáng tác, giao lưu văn hóa… Làng Trường Lưu trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất nước thời đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương