Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đang tạo ra những vấn đề lớn cho các công ty.

Công nghệ toàn cầu gặp khó khăn trong việc giải mã quan hệ Mỹ - Trung

Sơn Vân | 15/05/2023, 20:30

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đang tạo ra những vấn đề lớn cho các công ty.

Trong vài tuần qua, Brad Stone cho biết ông đã đi du lịch châu Á, thưởng thức cua rang muối ở Singapore, ăn vịt quay và bánh củ cải chiên tại Hồng Kông, thử các món sushi độc đáo ở Tokyo (thủ đô Nhật Bản). Trong quá trình đó, Brad Stone đã nói chuyện với nhiều giám đốc điều hành lẫn nhà đầu tư công nghệ và thấy một điều rõ ràng: Tất cả đều đang đối mặt với tình hình rất khó khăn và đầy rủi ro, cố gắng điều hướng qua một thời kỳ mới của chiến tranh kinh tế trong sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ với Trung Quốc.

Brad Stone là nhà báo công nghệ nổi tiếng hiện làm cho hãng tin Bloomberg. Ông chuyên phân tích về các sự kiện, xu hướng và những cải tiến liên quan đến lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới.

Khi Brad Stone đang trên đường đi du lịch, chính quyền Trung Quốc đã thẩm vấn nhân viên tại văn phòng ở Thượng Hải của công ty tư vấn Bain & Co (Mỹ), đột kích vào văn phòng của hãng thẩm định doanh nghiệp Mintz Group (Mỹ), thẩm vấn nhân viên và thu giữ máy tính tại Capvision (vận hành nền tảng chuyên gia nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại Thượng Hải và New York). Các đài truyền hình Trung Quốc gọi đây là “chiến dịch chống gián điệp” và gợi ý rằng các công ty phương Tây có thể đang thu thập bí mật quốc gia cho các chính phủ nước ngoài cùng các cơ quan tình báo của họ.

Trong quá khứ, các siêu cường đơn giản chỉ áp đặt thuế quan và ép buộc các đồng minh để đạt được mục tiêu địa chính trị của mình. Song giờ đây, nhiều quốc gia đang vẫy cành ô liu, cố gắng xoa dịu căng thẳng. Chính quyền ông Biden đang tìm kiếm hàng loạt cuộc họp và điện đàm với các đối tác của Mỹ tại Trung Quốc. Úc cũng đang cố gắng hàn gắn mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Phần lớn các công ty chứ không phải các quốc gia là trọng tâm trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm giành lại thế thượng phong với phương Tây.

Trung Quốc đã tạm dừng áp đặt sức ép kinh tế với các quốc gia và bắt đầu gây áp lực lên các công ty. Chiến thuật mới với cùng một mục tiêu: Cưỡng chế kinh tế”, Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, nói với Brad Stone và các đồng nghiệp trong một cuộc phỏng vấn.

cong-nghe-toan-cau-gap-kho-khan-trong-viec-giai-ma-quan-he-my-trung.png
Trung Quốc gần đây bắt đầu gây áp lực lên các công ty Mỹ hoạt động ở quốc gia châu Á này - Ảnh: Internet

Rahm Emanuel cho biết các công cụ cũ như hạn chế thương mại và tẩy chay sản phẩm không còn hiệu quả. Vì vậy, bây giờ Trung Quốc dùng đến cách gây áp lực lên các công ty trong các ngành quan trọng mang tính biểu tượng, sử dụng các biện pháp kinh tế để đạt được mục tiêu chính trị lâu dài như xây dựng năng lực công nghệ trong nước hoặc chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Một trong những minh họa mới nhất về điều này là chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đánh giá an ninh mạng với hàng nhập khẩu từ Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) để đảm bảo “tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin”.

Mỹ cũng đang gây áp lực lên các công ty. Tổng thống Joe Biden dự định ký một lệnh hành pháp hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào các phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, gồm cả công nghệ. Chính sách này được gọi là “CFIUS đảo ngược”, vì Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) làm nhiệm vụ xem xét các tác động an ninh quốc gia của các khoản đầu tư nước ngoài và mua lại các doanh nghiệp Mỹ.

Brad Stone đã nói chuyện với một số nhà đầu tư mạo hiểm về tình tình huống bất ngờ mà họ đang đối mặt ở Trung Quốc, hầu hết không muốn tiết lộ danh tính vì đây là vấn đề nhạy cảm. Tất cả đều rất bi quan về các khả năng phát triển trong việc kinh doanh tại Trung Quốc.

Một nhà đầu tư mạo hiểm ngạc nhiên khi cổ đông của các hãng công nghệ phương Tây có doanh thu lớn nhất tại Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận hiện thực mới. Nhiều cổ đông không có vẻ quá bận tâm với Apple (có 19% doanh thu từ Trung Quốc, cổ phiếu tăng 33% đến nay trong năm 2023), Micron Technology (có 10% doanh thu từ Trung Quốc, cổ phiếu tăng 22% đến nay trong 2023), Broadcom (có 35% doanh thu từ Trung Quốc, cổ phiếu tăng 13% đến nay trong 2023) hay Qualcomm (có 64% doanh thu từ Trung Quốc, cổ phiếu tăng 6% đến nay trong 2023).

Theo nhà đầu tư mạo hiểm này, họ quá tự tin rằng Trung Quốc không thể chặn các sản phẩm phổ biến và những thành phần quan trọng của chuỗi cung ứng như vậy, hoặc đơn giản là thiếu hiểu biết về triển vọng xấu đi của các hãng công nghệ Mỹ ở Trung Quốc.

Tất cả nhà đầu tư đều khao khát quay trở lại thời đại toàn cầu hóa từ một thập kỷ trước. Nếu không thể, họ mong muốn có sự minh bạch và định hướng rõ ràng về vị trí mà mọi người đang đứng.

Ngày nay với tất cả những rủi ro địa chính trị này, chúng tôi sẽ hết sức thận trọng. Chúng tôi chỉ mong có những quy định và thủ tục rõ ràng để tuân theo nếu đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm. Nếu có, chúng tôi sẽ tuân thủ chúng”, một nhà đầu tư mạo hiểm khác cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Chiến dịch chống gián điệp toàn quốc của Trung Quốc nhắm vào Capvision

Capvision là mục tiêu công khai đầu tiên của Trung Quốc trong chiến dịch chống gián điệp trên toàn quốc liên quan các công ty tư vấn nước ngoài. Công ty được thành lập vào năm 2006 bởi một nhóm gồm các cựu chuyên gia tư vấn quản lý và chủ ngân hàng đầu tư, trong đó có hai sinh viên tốt nghiệp Trường Wharton của Đại học Pennsylvania (Mỹ), trước đây từng làm việc tại Bain & Co (công ty tư vấn quản lý có trụ sở chính tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ).

Ngày nay, Capvision vận hành một trong những nền tảng chuyên gia nghiên cứu lớn nhất Trung Quốc. Có trụ sở chính tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và New York (Mỹ), Capvision có mạng lưới toàn cầu gồm hơn 450.000 chuyên gia cung cấp các dịch vụ như nghiên cứu ngành và tư vấn kinh doanh.

Bản cáo bạch năm 2022 của Capvision gửi cho Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho biết công ty chiếm 33% thị trường tư vấn chuyên gia của Trung Quốc. Hầu hết nhân viên Capvision làm việc tại Trung Quốc, với 638 người ở Thượng Hải và 39 người tại New York, theo bản cáo bạch.

vi-sao-chien-dich-chong-gian-diep-toan-quoc-cua-trung-quoc-nham-vao-capvision.jpg
Capvision có mạng lưới toàn cầu gồm hơn 450.000 chuyên gia cung cấp các dịch vụ như nghiên cứu ngành và tư vấn kinh doanh - Ảnh: Internet

Capvision cho biết có hơn 2.000 khách hàng, bao gồm các quỹ phòng hộ, công ty tư vấn quản lý và những công ty đa quốc gia. Bản cáo bạch năm 2022 gửi cho Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho thấy, khách hàng của Capvision bao gồm 90% trong số 20 công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân hàng đầu ở Trung Quốc, 90% trong số 10 hãng công nghệ, truyền thông và viễn thông hàng đầu, cùng 20 công ty chứng khoán lớn nhất.

Tuy nhiên, cơ quan pháp luật hàng đầu Trung Quốc lại vẽ nên một bức tranh khác. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương đã chia sẻ một báo cáo khẳng định Capvision đã chấp nhận các dự án tư vấn từ các công ty nước ngoài có quan hệ chặt chẽ với chính phủ nước ngoài, các cơ quan quân sự và tình báo. Báo cáo trích dẫn một sĩ quan cảnh sát cho biết Capvision cũng chấp nhận các dự án tư vấn trong các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng và công nghệ tiên tiến. Đây là hai lĩnh vực mà Mỹ đã áp đặt các hạn chế thương mại với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Capvision bị cáo buộc làm rò rỉ bí mật nhà nước. Hơn nữa, một quan chức an ninh tại Thượng Hải nói với CCTV rằng Capvision không có cơ cấu tuân thủ để quản lý rủi ro an ninh quốc gia.

Tháng trước, Trung Quốc đã thông qua một luật chống gián điệp mới, mở rộng danh sách các hoạt động có thể được coi là gián điệp và những gì được coi là rủi ro an ninh quốc gia.

Các quan chức an ninh đã đột kích chi nhánh của Capvision ở thành phố Tô Châu và thu giữ các tài liệu, theo một báo cáo hôm 8.5. Vụ đột kích đó là một phần của cuộc điều tra đồng bộ trên toàn quốc tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, theo truyền thông Trung Quốc. Capvision có văn phòng ở ba thành phố đó, nhưng không rõ liệu họ có bị đột kích hay không.

Sau đó, Capvision viết trên tài khoản WeChat của mình rằng công ty sẽ duy trì các chính sách an ninh quốc gia và đóng vai trò hàng đầu trong sự phát triển lành mạnh của ngành tư vấn.

Trong bản cáo bạch năm 2022, Capvision cho biết không vận hành bất kỳ hệ thống hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, phát triển kinh tế và lợi ích công cộng.

Bài liên quan
Cảnh sát Trung Quốc lần đầu bắt giữ công khai người dùng ChatGPT tạo tin giả: Có thể đi tù 10 năm
5 tháng sau khi ChatGPT trở nên phổ biến vì khả năng tạo ra văn bản giống con người, cảnh sát Trung Quốc đã lần đầu tiến hành bắt giữ công khai người lạm dụng chatbot AI của OpenAI (Mỹ).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ toàn cầu gặp khó khăn trong việc giải mã quan hệ Mỹ - Trung