Khi các nhà máy Trung Quốc thi nhau chạy về Đông Nam Á, nhiều công nhân từng rời quê nhà để đến tỉnh Quảng Đông, nhà máy của thế giới, làm việc giờ đây không còn lựa chọn nào ngoài việc trở về nhà.

Công nhân Trung Quốc ngậm ngùi trước cảnh nhà máy chạy sang Việt Nam

Theo Thanh Niên | 15/06/2016, 05:53

Khi các nhà máy Trung Quốc thi nhau chạy về Đông Nam Á, nhiều công nhân từng rời quê nhà để đến tỉnh Quảng Đông, nhà máy của thế giới, làm việc giờ đây không còn lựa chọn nào ngoài việc trở về nhà.

Đó là một chiều chủ nhật yên tĩnh trên đường phố Đông Hoản, nơi hầu hết các tòa nhà ngoài trung tâm đều là nhà máy hoặc nhà ở cho công nhân. Một biển quảng cáo đỏ phía trên một cơ sở nói rằng họ có đủ đơn hàng để giữ cho dây chuyền sản xuất bận rộn trong một năm. Song cư dân địa phương cho hay tấm bảng đã ở đó ít nhất hai năm, nó không còn đúng nữa.

Chỉ vài năm trước đây, khung cảnh rất khác. Ngay cả ngày chủ nhật, đường phố vẫn đông đúc còn ống khói vẫn xả đều. Thành phố này là trung tâm trong sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc. Được xây dựng chủ yếu bằng tiền từ Đài Loan, Đông Hoản đứng lên giữa đô thị Thâm Quyến và Quảng Châu, trở thành nơi làm đồ chơi, đồ nội thất, giày dép, điện thoại di động…

Hầu như 8 triệu người ở thành phố này đều từ nơi khác đến, ngoài 720.000 đứa trẻ được sinh ra kể từ khi họ di cư tới đây. Nhiều người, chẳng hạn như công nhân Yu, xem Đông Hoản là nhà. Tuy nhiên giờ đây, cô Yu đang xem xét chuyện quay lại thành phố Trùng Khánh, nơi mà cô rời đi cách đây 20 năm.

“Đây là thời điểm tồi tệ nhất. Các nhà máy bị thiệt hại bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là những nhà máy nhỏ, nhưng bây giờ cả những cơ sở lớn cũng bị ảnh hưởng. Bạn tôi ở Trùng Khánh nói là bên đó đã phát triển hưng thịnh hơn và thuyết phục tôi quay lại. Đây có lẽ là lúc cần thay đổi”, cô Yu - người từng có thu nhập tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian ở Đông Hoản - chia sẻ.

Yu làm việc tại một nhà máy may mặc làm quần áo cho các thương hiệu phương Tây. Một năm trước, tòa nhà ký túc xá phía sau khu sản xuất có đến 2.000 công nhân song giờ đây, chỉ còn khoảng 100 người ở lại. Chủ sở hữu đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam.

Quảng Đông là nhà máy của thế giới, 1/2 số điện thoại di động sản xuất ở Trung Quốc có nguồn gốc từ tỉnh này

Đông Hoản thuộc tỉnh Quảng Đông chỉ là một trong các thành phố mọc lên như nấm xung quanh Đồng bằng châu thổ Châu Giang, phía nam Quảng Châu - thương cảng cổ khi xưa. Thâm Quyến, Phật Sơn, Chu Hải, Trung Sơn là những thành phố khác mọc lên ở phía bắc đặc khu Hồng Kông. Chúng tạo thành một vùng công nghiệp tiếp giáp nhau với 42 triệu dân và là siêu đô thị lớn nhất thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Quảng Đông cán mốc 1.200 tỉ USD, nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội Indonesia. Quảng Đông là nơi sản xuất rất nhiều hàng tiêu dùng. Một nửa số điện thoại di động và 80% số lò vi sóng của Trung Quốc có nguồn gốc từ đây.

Chạy đua nâng cấp

Sáu năm trước, nếu bạn mua một chiếc iPhone hay một đôi giày Nike, có thể chúng ra lò từ Quảng Đông. Khi những ngày đất và lao động rẻ đi qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đang ở trong cuộc đua nâng cấp hoặc dời đi.

Một nửa trong số các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho hay chi phí gia tăng là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp họ khi làm ăn ở nước bạn, theo Khảo sát Môi trường Kinh doanh 2016. Khoảng 1/4 người được hỏi cho hay họ đã hoặc đang có kế hoạch chuyển nhà máy của họ khỏi Trung Quốc.

Chiếc bẫy thu nhập trung bình

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp trong nhà máy Lyric Robot ở Huệ Châu

Chuyển dịch sang tiêu dùng và dịch vụ là yêu cầu chính của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để có động lực tăng trưởng mới nhằm thoát chiếc bẫy thu nhập trung bình, khi mà năng suất và lợi nhuận không theo kịp tốc độ tăng lương. Điều này thúc đẩy lãnh đạo tỉnh khuyến khích các thành phố thu hút thêm doanh nghiệp và nâng cấp nhà máy.

Chính quyền Đông Hoản cho hay thành phố thay thế 43.684 công nhân bằng robot vào năm ngoái, cắt giảm chi phí ở các cơ sở đến gần 10%. Phó giám đốc Lu Miao của nhà máy Lyric Robot ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, cho hay chính phủ trả đến 50.000 nhân dân tệ cho mỗi robot mà các khách hàng của họ dùng để thay thế người lao động.

“Chính quyền các cấp ở Quảng Đông đã và đang khuyến khích doanh nghiệp thay thế con người bằng máy móc càng nhanh càng tốt. Tôi có thể thấy hoạt động kinh doanh của chúng tôi tăng hơn 50% trong năm nay”, ông Lu nói. Các “nhà máy tối”, hay các cơ sở không cần dùng ánh sáng vì dây chuyền sản xuất chỉ có robot làm việc, ra đời từ đây.

Cơn nghiện hàng giá rẻ

Cuộc chạy đua tái tạo các ngành công nghiệp ở Đồng bằng Châu Giang cho thấy nhược điểm cơ bản của các cơ sở công nghiệp Trung Quốc, và việc nghiện hàng hóa giá rẻ từ Đại lục của người tiêu dùng thế giới.

Ba thập niên qua, Quảng Đông tạo ra một trong những giai đoạn hiếm hoi trong phát triển công nghiệp, nơi mà mọi thứ tụ họp về cùng nơi, cùng lúc: vốn, lao động giá rẻ, cơ sở hạ tầng và sự tự do tương đối trong quản lý. Tàu chở hàng lớn nhất thế giới với sức chứa 19.000 container có thể cập cảng Thâm Quyến, chất đầy hàng hóa cho toàn cầu. Trong số hàng này, chẳng có món nào được sản xuất cách cảng quá 160 km.

Bằng việc chuyển đi nơi khác, nhà máy giảm được tiền lương hoặc có giá đất rẻ hơn, song họ sẽ mất đi sự tập trung của các nhà cung cấp, dịch vụ và hậu cần mà Quảng Đông đã xây dựng được trong 30 năm qua.

Công nhân ngậm ngùi

Công nhân lắp ráp tivi tại nhà máy TCL Corp. ở Huệ Châu

Các nhà máy trên địa bàn tiếp tục đóng cửa và bất mãn đang gia tăng. Số lượng đình công và biểu tình ở Trung Quốc tăng gấp đôi hồi năm ngoái, theo bản tin Lao động Trung Quốc.

Trong 886 vụ việc trong ngành sản xuất thì có 267 vụ xảy ra ở Quảng Đông. Năm 2015, hàng ngàn công nhân tụ tập phản đối trên đường phố Đông Hoản khi hãng Microsoft quyết định đóng cửa nhà máy Nokia cũ vốn hoạt động từ giữa thập niên 1990.

“Không ai trong chúng tôi thích tình trạng này nhưng chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Chủ nhà máy đang dần hết tiền mặt”, cô Yu nói. Cũng như nhiều nhà máy, khó khăn lớn nhất của cô trong việc chuyển chỗ ở về lại Trùng Khánh là chi phí và các biến động. Con trai cô đang học trung học còn chồng cô thì quản lý một nhà hàng nhỏ ở đây.

Trong bối cảnh nhà máy xem robot là nhân viên mới như hiện nay, hàng triệu người đến Quảng Đông để làm việc, biến nơi này thành siêu cường công nghiệp chẳng có nhiều lựa chọn ngoài việc trở về nhà.

Jerry Yang, một nhà quản lý dây chuyền sản xuất đang ở đầu độ tuổi 40, cho hay: “Tôi bán tuổi trẻ của mình cho Đông Hoản. Hãy nhìn xem cái cách mà nó đối xử với tôi”.

Thu Thảo - Thanh Niên

Ảnh:Quang cảnh thành phố Huệ Châu thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân Trung Quốc ngậm ngùi trước cảnh nhà máy chạy sang Việt Nam