Theo Reuters, vụ xử án và kết tội viên cựu cảnh sát thành phố Minneapolis, Derek Chauvin vì đã giết người thanh niên da đen George Floyd diễn ra khi nước Mỹ đang ở ngã tư đường - một thời khắc đau thương nhưng cũng đầy những khả năng, mà các sử gia và nhà hoạt động so sánh với thời kỳ đấu tranh cho Dân Quyền trước đây.
Từ hoạt động cảnh sát, các mối quan hệ chủng tộc cho đến hệ thống pháp luật hình sự, phiên tòa xử Derek Chauvin kéo dài ba tuần trở thành “một biểu tượng và phản ánh những xúc cảm của chúng ta, nỗi sợ hãi của chúng ta, hy vọng của chúng ta”, David Greenberg, giáo sư sử học và nhà nghiên cứu truyền thông Đại học Rutgers nói.
Số người theo dõi vụ án thì khó đo lường nhưng có lẽ rộng rãi do có nhiều kênh truyền trực tiếp (livestream).
Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng theo dõi sát. Ông đã gọi điện cho gia đình George Floyd sau khi tòa đưa ra phán quyết hôm thứ ba (20.4) mà ông nói rằng có thể là “một bước tiến tới công lý ở nước Mỹ”.
Vụ xử án không chỉ là xử về cái chết của một người da đen dưới tay của một viên cảnh sát da trắng, điều này đã được nhấn mạnh trong phiên xử, trong khi cách đó không xa một người da đen khác (Daunte Wright) lại bị một viên cảnh sát da trắng chặn xe vì lỗi vi phạm giao thông và bắn chết.
Vụ xử án càng gây rúng động tới nhiều người khi cái chết của Floyd được quay video bằng điện thoại di động, cho thấy Chauvin đã dùng đầu gối đè lên cổ nạn nhân trong gần 10 phút trong khi hai cảnh sát khác đè lên lưng nạn nhân.
Sử gia về dân quyền Clayborne Carson, Giám đốc Viện Martin Luther King Jr. thuộc Đại học Stanford, từng bị cảnh sát đánh bằng gậy trong các cuộc đấu tranh cho dân quyền trong những năm 1960.
Thời ấy cũng như bây giờ, Carson nói, những giai đoạn chuyển động xã hội và hành động tích cực được đánh dấu bằng những vụ việc tàn bạo gây xúc động trong công chúng: vụ hành quyết Emmet Till, một thiếu niên 14 tuổi ở Mississippi vào năm 1955 vì một phụ nữ da trắng vu cáo bị cậu bé chửi bới; trẻ em bị phun vòi rồng khi tuần hành đòi dân quyền ở Birmingham, Alabama, năm 1963 và việc ám sát mục sư Luther Martin King Jr. năm 1968.
Carson chỉ ra rằng video ghi lại việc giết George Floyd - do thiếu niên qua đường Darnella Frazier quay bằng điện thoại di động và được chia sẻ lên mạng xã hội trên khắp thế giới, được chiếu đi chiếu lại suốt phiên tòa mà Darnella ra làm chứng - là nguyên nhân chính dẫn đến cái của Floyd và vì thế phiên tòa xử kẻ giết Floyd đã được mọi người chú ý đến thế.
Trong video người ta thấy Floyd bị đè nằm sấp dưới đất, kêu lên với cảnh sát rằng mình không thở được và khóc gọi người mẹ đã mất. Luật sư của Chauvin thì bào chữa rằng anh ta chỉ làm theo những gì được huấn luyện.
Bồi thẩm đoàn đã chỉ mất 10 giờ để đi đến việc kết tội Chauvin hôm 20.4. Bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên đã kết luận bị cáo Chauvin (45 tuổi) phạm tất cả các tội danh mà công tố viên đã cáo buộc trước đó, gồm giết người cấp độ 2, giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Trước đó, trong suốt 3 tuần, bồi thẩm đoàn đã nghe lời khai từ 45 nhân chứng, bao gồm những người qua đường, quan chức cảnh sát và các chuyên gia y khoa, cũng như nghe lập luận của luật sư bào chữa cho Chauvin. George Floyd chết ngày 25.5.2020 ở tuổi 46.
Mary Moriarty là luật sư chính được chỉ định bảo vệ người nghèo (public defender) tại hạt Hennepin, nơi Floyd chết, cho đến năm ngoái. Bà nói từ lâu bà đã tìm cách lưu ý về những vụ bạo lực của cảnh sát được báo cáo tới văn phòng của bà - những vụ bạo lực thường được các camera mà cảnh sát đeo nơi người, ghi lại.
Moriarty nhớ lại mình đã kinh hoàng ra sao khi xem video ghi lại việc Floyd bị giết.
Bà nói: “George Floyd tội nghiệp đang cầu xin tha mạng, vậy mà viên cảnh sát vẫn hững hờ giết nạn nhân giữa thanh thiên bạch nhật trước mắt người qua đường trong khi họ cầu xin anh ta ngừng lại, và anh ta biết anh ta đang bị quay video nhưng anh ta vẫn tiếp tục. Do đó tôi nghĩ rằng đây chính là cọng rơm cuối cùng”.
Sở cảnh sát ở nhiều thành phố Mỹ đang cùng với lãnh đạo các cộng đồng bàn việc thực hiện hàng chục nỗ lực cải cách được đưa ra từ sau cái chết của Floyd. Phần lớn các cải cách tập trung vào việc cấm cảnh sát sử dụng những chiến thuật gây tranh cãi - như kẹp cho nghẹt thở - và buộc những cảnh sát làm sai phải chịu trách nhiệm nặng hơn. Tuy vậy, các thay đổi phần lớn chỉ mới trong giai đoạn đề xuất và với nhiều nhà hoạt động thì đi không đủ xa.
Những vần đề về chủ nghĩa chủng tộc và bạo lực của cảnh sát “không chỉ mới nổi lên khi George Floyd trút hơi thở cuối cùng”, nghị viên hội đồng thành phố Minneapolis, Andrea Jenkins nói. Nhưng theo bà, việc phong tỏa vì đại dịch tạo điều kiện cho người Mỹ thấy vấn đề một cách gần gụi hơn. Khi cuộc sống chậm lại, người ta có thì giờ để nhìn và suy nghĩ về cái video ghi cảnh Floyd bị giết.
Cái chết của Floyd và vụ xử án cũng đến vào một giai đoạn âu lo và dễ tổn thương ở nước Mỹ, với hơn nửa triệu người đã chết vì virus, với tình trạng bất ổn kinh tế và chia rẽ chính trị đang làm đất nước điên đảo.
Với Mark Bray, một sử gia và tác giả sách về nhân quyền, thời kỳ chuyển động xã hội và chính trị hiện tại đã bắt đầu từ nhiều năm trước đại dịch và cái chết của Floyd. Thời kỳ hoạt động mới nhất được đánh thức vào năm 2011 với cuộc chiếm đóng kéo dài cả tháng tòa nhà quốc hội tiểu bang Wisconsin, khi những người đấu tranh chống lại một dự luật chống nghiệp đoàn, Bray nói.
Nó tiếp tục với những cuộc biểu tình phản đối đầu tiên của phong trào Black Lives Matter sau vụ giết Michael Brown ở Ferguson, Missouri vào năm 2014 và những cuộc biểu tình lặp đi lặp lại tiếp theo sau nhiều vụ cảnh sát giết người Mỹ gốc Phi nữa.
Những cuộc biểu tình phản đối việc giết Floyd lan xa ngoài phạm vi những người có thể bị coi là cực đoan; nhiều người bình thường có thể không biểu tình phản đối lần này đã tham gia biểu tình đông đảo trên khắp thế giới.
Những cuộc biểu tình như vậy là cơ sở để lôi kéo sự chú ý vào những nguyên nhân gốc rễ của nạn bạo lực cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc, Patrick Ngwolo, một luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự ở Houston và là mục sư đã gặp Floyd hơn một thập niên trước, nói.
Ông cho rằng những phán quyết có tội (đối với các cảnh sát) là thiết yếu nhưng đất nước cũng cần đối mặt với những vấn đề lớn hơn đang đặt ra.
“Sẽ như thế nào khi cả đất nước chúng ta tìm cách giải quyết nhiều thế kỷ phân biệt chủng tộc có hệ thống mà đất nước đã trải qua? Sẽ như thế nào khi chúng ta nghĩ đến việc cùng ngồi xuống và tìm ra những cách thức xây dựng để đoàn kết lại Hợp chủng quốc Hoa kỳ?”, ông nói.