Hội đồng Nhân dân TP.HCM vừa thông qua Nghị quyết về quy định mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP lên 500.000 đồng/người/tháng. Vậy nhiệm vụ của những cộng tác viên sức khỏe cộng đồng này là gì?

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có vai trò gì trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân?

Hồ Quang | 11/11/2023, 14:25

Hội đồng Nhân dân TP.HCM vừa thông qua Nghị quyết về quy định mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP lên 500.000 đồng/người/tháng. Vậy nhiệm vụ của những cộng tác viên sức khỏe cộng đồng này là gì?

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ nhiều năm qua, số lượng nhân viên y tế tại mỗi trạm y tế dao động từ 5 - 10 người. Bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân, nhiều trạm y tế còn phục vụ trên 100.000 dân.

cong-tac-vien-suc-khoe-cong-dong-co-vai-tro-gi-trongcong-tac-cham-soc-suc-khoe-hinh-anh(1).png
Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM - Ảnh: PV

Ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế, các trạm y tế còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe như: lao, tâm thần, HIV, phong, dân số và phát triển, người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, tiêm chủng mở rộng, phòng chống COVID-19, truyền thông y tế…

Do đó một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được nhu cầu công việc. Theo Sở Y tế, điều này đã dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông đến mỗi người dân để vận động mỗi hộ gia đình, mỗi người dân cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.

Bài học kinh nghiệm của các “Tổ COVID-19 cộng đồng” vẫn còn nguyên giá trị. Những bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của mô hình cộng tác viên sức khỏe cộng đồng từ nhiều nước trên thế giới đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đúc kết.

Sở Y tế cho rằng, dù hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng luôn là những thách thức đối với hệ thống y tế TP như: bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ… Ngoài ra, nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được ngành y tế TP xác định là nhóm hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo như: chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe điện tử…

Lực lượng y tế tuyến đầu triển khai các hoạt động ưu tiên này, không ai khác chính là nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã và một lực lượng không thể thiếu chính là các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xây dựng mạng lưới và đào tạo các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ sức khỏe cộng đồng, tăng khả năng phát hiện và phòng chống bệnh tật, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Như vậy, các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có những nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật; giáo dục và tư vấn sức khỏe; hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật; giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh.

Cụ thể, các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng được đào tạo để nhận diện các triệu chứng và dấu hiệu của các bệnh tật trong cộng đồng. Họ theo dõi các trường hợp bệnh tật và báo cáo cho các cơ quan chức năng để có các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa lây lan bệnh.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe như tiêm chủng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và môi trường, các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tật.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có thể hỗ trợ trong việc phòng ngừa, điều trị và quản lý các bệnh tật trong cộng đồng, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây. Họ cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các cá nhân bị bệnh để đảm bảo việc điều trị và chăm sóc đúng cách.

Ngoài ra, các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có thể hỗ trợ trong việc tạo ra môi trường sống khỏe mạnh bằng cách hướng dẫn cộng đồng về vệ sinh môi trường, khuyến khích tập thể dục và các hoạt động giảm stress. Họ cũng có thể hỗ trợ trong việc cải thiện môi trường sống, như đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sự lây lan của bệnh tật và tăng cường an toàn thực phẩm.

Sở Y tế nhấn mạnh, việc HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết về quy định mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP, mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng chắc chắn sẽ sớm được hình thành, và trở thành những cánh tay nối dài của các trạm y tế trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn.

Sáng 11.11, tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy định mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.

Theo đó, mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ được TP hỗ trợ 500.000 đồng/tháng ở khu vực các quận và TP.Thủ Đức và 550.000 đồng/năm đối với các huyện ngoại thành.

Ngoài ra, các cộng tác viên còn được TP hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nếu chưa có thẻ BHYT với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có vai trò gì trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân?