Với sự gia tăng các khoản chi ngân sách nhà nước để ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế, chuyên gia kinh tế dự báo thâm hụt ngân sách nhà nước/GDP cả năm 2020 sẽ cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Bộ Tài chính cho biết số thu ngân sách 8 tháng đầu năm sụt giảm và không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 là do nền kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVDI-19.
Cụ thể, tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm đạt 881.900 tỉ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 54,9% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 62,7% dự toán. Nguyên nhân giảm thu ngân sách là do cuối tháng 7, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và lan rộng ra một số địa phương với số người nhiễm bệnh tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch và dịch vụ.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách 8 tháng đạt 975.600 tỉ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: giải ngân vốn đầu tư công, chi đầu tư phát triển đạt gần 221.800 tỉ đồng, bằng 47,08% dự toán, nhưng so với yêu cầu vẫn ở mức thấp, còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp.
Cùng với đó là chi trả nợ lãi đạt 74.390 tỉ đồng, bằng 62,9% dự toán, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 673.300 tỉ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đến nay, theo Bộ Tài chính, ngân sách đã chi khoảng 16.290 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh và việc triển khai được khoảng 30% gói hỗ trợ tài khóa đã khiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2019, trong khi đó, việc đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ và đầu tư công khiến chi ngân sách tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi tốc độ giảm thu xuất nhập khẩu đã chững lại thì thu từ dầu thô và thu nội địa vẫn giảm mạnh. Thâm hụt NSNN/GDP tiếp tục gia tăng, cụ thể hết 8 tháng đầu năm ở mức 4,1%, tăng 0,2 điểm% so với thời điểm kết thúc 7 tháng. Tuy nhiên, TS Lực cũng nhìn nhận thấy rằng cùng với tín hiệu tốt về gia tăng đầu tư công, tỷ lệ chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN cũng đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm, ở mức 22,7%.
"Với sự gia tăng các khoản chi ngân sách để ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế, dự báo thâm hụt NSNN/GDP cả năm 2020 sẽ ở mức 5,2-5,4%, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm là dưới 4%, song con số này vẫn thấp hơn mức trung bình so với các nước mới nổi (khoảng 10,6%)", vị chuyên gia cho hay.
Hiện nay, thu ngân sách vẫn không đủ bù đắp cho chi ngân sách. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là không khả thi. Đồng thời, dự kiến hụt thu NSNN năm 2020 khá lớn. Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội dự báo thâm hụt ngân sách năm nay khoảng 150.000 tỉ đồng.
Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Cấn Văn Lực cho rằng thời gian tới cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn, với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Cùng với đó là đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Mỹ và EU, và đặc biệt cần phải tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định CPTPP và EVFTA.
Năm 2019, mức thâm hụt ngân sách ước tính vào khoảng 209.500 tỉ đồng, bằng 3,4% GDP, thấp hơn so với mức dự toán đã được Quốc hội phê duyệt hồi đầu năm (3,6%). Thâm hụt ngân sách năm 2019 tăng so với năm 2018 do chi thường xuyên tăng. Cơ cấu chi không có sự cải thiện khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (dưới 30%). Bình quân giai đoạn 2006-2019, thu ngân sách chiếm khoảng 25,16% GDP.
Tuyết Nhung