Có gần 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ này cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và Châu Đại Dương. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra các địa phương khác, thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM như trước.

Sau Sài Gòn và Hà Nội, doanh nghiệp Nhật sẽ nhắm đến tỉnh thành nào?

09/09/2020, 18:41

Có gần 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ này cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và Châu Đại Dương. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra các địa phương khác, thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM như trước.

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang tiến vào Việt Nam - Ảnh: Internet

Tại buổi "Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2020" ngày hôm nay (9.9), Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư.

Cụ thể, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư. Năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 8,59 tỉ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tính lũy kế tình hình thu hút FDI đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỉ USD, chiếm 16,7%. Điều này cho thấy Nhật Bản vẫn luôn là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam sau 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về phía Nhật Bản, ông Fujita Masataka - Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) cho biết 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Nghệ An đã có lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Nghệ An, thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM như trước.

Nói về lý do chọn 3 địa phương trên, ông Fujita Masataka cho biết tỉnh Vĩnh Phúc là khu công nghiệp đã có những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Honda, Toyota... đầu tư. Quảng Ninh là địa phương tăng trưởng kinh tế nhanh. Nghệ An là trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ và cũng là điểm đầu tư mới đang được các nhà đầu tư nhắm tới.

Chuyên gia Nhật đánh giá: "Thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam".

Theo khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Châu Á và Châu Đại dương của JETRO vào tháng 2.2020, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và Châu Đại Dương.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ sớm phục hồi trở lại sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Lý giải về điều này, ông Nakajima cho biết nguyên nhân một phần là do Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và hiệp định đối tác kinh tế (EPA). Điều này cho thấy Việt Nam đang từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ. Trong đó, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau Sài Gòn và Hà Nội, doanh nghiệp Nhật sẽ nhắm đến tỉnh thành nào?