Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang phát triển thế hệ tiếp theo cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình, qua đó thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang dưới biển giữa ba cường quốc hải quân bậc nhất thế giới.
Giới chuyên gia đánh giá ít nhất cho đến hiện tại, lực lượng tàu ngầm Mỹ vẫn chiếm ưu thế hơn dù Nga, Trung làm việc cật lực để vượt qua. Mỗi quốc gia có những mục tiêu chiến lược khác nhau, với Washington muốn giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, còn Bắc Kinh cùng Moscow tập trung vào công nghệ cũng như khả năng tàng hình của tàu ngầm.
Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông leo thang, ba cường quốc này đều đang chuẩn bị tích cực cho một cuộc xung đột hạt nhân hay xung đột dưới mặt biển tiềm ẩn, bằng cách phát triển/hoàn thiện tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) cũng như tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN).
James R. Holmes, giáo sư đến từ Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ (Naval War College), cảnh báo trong bối cảnh nguy cơ xung đột tăng cao, Mỹ có thể đã tính toán số tàu ngầm cần hiện diện tại Thái Bình Dương thấp hơn thực tế. Theo giáo sư: “Bạn phải chia tổng số tàu cho hai, ba hoặc thậm chí nhiều hơn để ước tính chính xác có bao nhiêu tàu sẵn sàng làm nhiệm vụ. Số còn lại có khả năng đang phải sửa chữa, tham gia huấn luyện, nghỉ ngơi sau khi được triển khai”.
“Như vậy, hãy chia số tàu SSN đóng tại Thái Bình Dương cho ba, và hãy nhìn vào bản đồ. Có quá ít tàu để ứng phó với các chuyển biến xảy ra trong vùng biển lớn nhất thế giới này”, giáo sư Holmes cho hay.
Theo kế hoạch xây dựng của hải quân Mỹ, gần một nửa số ngân sách 106,4 tỉ USD chi cho đóng tàu giai đoạn 2019 - 2023 sẽ được dành cho SSBN cùng SSN. Cụ thể sẽ có 32,9 tỉ USD được chi cho công tác đóng 10 chiếc SSN và 16,7 tỉ USD cho 1 chiếc SSBN.
SSN thường được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau, dùng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền ở tầm gần. Trong khi đó, SSBN mang được vũ khí hạt nhân đủ sức tiến hành tấn công phủ đầu hay tấn công đáp trả với mục tiêu ở bất cứ nơi nào. Khi kết hợp với nhau, hai loại tàu ngầm tạo nên ưu thế trong tác chiến dưới biển.
Giáo sư Holmes cho biết: “Trong thời đại của tên lửa và máy bay không người lái, mặt biển cùng vùng trời là nơi cực kỳ nguy hiểm. Nhưng dưới biển vẫn là nơi bí ẩn bất chấp những tiến bộ về công nghệ máy tính và cảm biến”.
Sức mạnh của ba cường quốc hải quân
Nếu so sánh tổng số tàu chiến (tính cả tàu hoạt động trên lẫn dưới mặt biển), Trung Quốc có phần vượt trội. Tuy vậy, chiếm phần lớn trong này là tàu chiến cỡ nhỏ.
Trong khi đó, Mỹ chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn và tàu sân bay. Không những vậy, nước này còn trội hơn về công nghệ tiên tiến, hệ thống vũ khí, khả năng hoạt động.
Chạy đua phát triển SSBN
SSBN có thể ẩn nấp dưới biển và phóng tên lửa đạn đạo mang đầu hạt nhân đến kẻ thủ ở bất cứ đâu, kể cả khi hai thành viên còn lại của bộ ba hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa triển khai trên đất liền cùng máy bay ném bom, đã bị tiêu diệt. Giới phân tích đánh giá SSBN sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, Nga, Trung trong thập kỷ tới.
Theo nhà nghiên cứu J.D. Williams của tổ chức RAND Corporation: “Hải quân Mỹ không có gì đáng phải ưu tiên hơn việc tái đầu tư cho SSBN”. Hiện tại, Washington đang cho đóng SSBN lớp Columbia đầu tiên để thay thế tàu ngầm lớp Ohio. Dự kiến tàu mới sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Phía Nga cũng dự kiến đến năm 2025 đóng được 4 tàu ngầm lớp Borei-II, và Trung Quốc sẽ bắt đầu đóng các tàu Type 096 trong vài năm tới. Cả Borei-II lẫn Type 096 được cho sẽ có khả năng di chuyển với tốc độ hơn 30 hải lý, nhanh hơn SSBN lớp Columbia 10 hải lý. Trong khi Mỹ chú trọng tuổi đời hoạt động của SSBN Columbia, thì tốc độ và khả năng tàng hình là năng lực quan trọng của thế hệ SSBN tiếp theo của Nga, Trung.
Nhà nghiên cứu cao cấp Bradley Martin của RAND Corporation nhận xét hiện tàu ngầm Mỹ đã hoạt động ở mức độ “yên lặng cơ bản”, tức là không thể giảm tiếng ồn hơn nữa, do đó ông không lấy làm ngạc nhiên khi Moscow cùng Bắc Kinh đang cố thu hẹp khoảng cách về năng lực tàng hình của tàu ngầm.
Phát triển SSN linh hoạt hơn
Bên cạnh SSBN, cạnh tranh trong phát triển SSN cũng khốc liệt không kém. Vì trang bị tên lửa hành trình, nên chúng là vũ khí quan trọng và linh hoạt trong bất kì cuộc tấn công trực diện nào.
Washington hiện sở hữu 13 SSN lớp Virginia và dự kiến có thêm 15 chiếc nữa vào cuối năm 2018. Nga, Trung cũng đang mở rộng hạm đội SSN của mình nhưng với tốc độ chậm hơn. Bắc Kinh đã bắt tay đóng thêm 2 tàu ngầm Type 095 cũng như có kế hoạch làm thêm 5 chiếc nữa, còn Moscow đến năm 2020 sẽ bổ sung 6 tàu ngầm Yasen-M.
Trong khi SSN Mỹ vượt trội về tuổi thọ hoạt động và linh hoạt hơn, thì tàu ngầm hai cường quốc kia chú trọng khả năng tránh bị phát hiện. Nga muốn tàu ngầm tàng hình tốt, trang bị nhiều vũ khí hơn, trong khi Trung Quốc tập trung cải tiến mức độ hoạt động yên lặng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nền tảng công nghiệp yếu kém hơn gây ảnh hưởng không nhỏ cho tham vọng cải tiến tàu ngầm của Nga. Nhà phân tích người Mỹ Christopher Cavas nhận định: “Tàu ngầm Severodvinsk hoạt động yên tĩnh hơn những gì chúng ta từng đối phó qua. Nhưng vấn đề là nền tảng công nghiệp của Moscow không đủ tốt. Họ đưa ra thiết kế tuyệt vời nhưng con tàu đóng ra lại không được như vậy”.
Năm 2000, tàu ngầm tấn công hạt nhân Kursk bị chìm vì hai vụ nổ, khiến thủy thủ đoàn 118 người thiệt mạng. Chính quyền Moscow kết luận chính một mối hàn bị lỗi đã gây ra tai nạn này.
Mặc dù tàu ngầm Nga, Trung đã được nâng cấp nhiều, nhưng Mỹ tự tin rằng những khoản đầu tư sẽ giúp đội tàu ngầm Mỹ thế hệ tiếp theo tiếp tục giữ thế thống trị. Theo người phát ngôn Lauren Chatmas của hải quân Mỹ: “Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia có khả năng hoạt động gần bờ và cảm biến được cải tiến, cũng như có nhiều phương án tấn công hơn. Do đó, đây chính là vũ khí lý tưởng cho môi trường an ninh ngày nay, chống lại được các mối đe dọa hiện tại lẫn trong tương lai”.
Nhà phân tích Cavas cũng có nhận xét tương tự. Ông đánh giá Nga, Trung chưa có tàu ngầm nào đạt đến đẳng cấp của SSN lớp Virginia.
Cẩm Bình (theo USA Today)