Các bác sĩ vừa cứu sống bé sơ sinh bị ngưng tim, ngưng thở do sản phụ bị nhau bong non.
Ngày 12.6, sản phụ V.T.D.P. (29 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đau bụng nhiều kèm theo dấu hiệu chuyển dạ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Sản của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long phát hiện sản phụ nhau bong non và có dấu hiệu suy thai, sản phụ được chuyển mổ cấp cứu có kèm ê kíp bác sĩ Khoa Nhi hỗ trợ.
Sau mổ cấp cứu 5 phút, bé được bắt ra, cân nặng 2,6kg. Tình trạng lúc này bé không thở, không khóc, da niêm tái nhợt, không trương lực cơ. Ê kíp mổ đã nhanh chóng lau khô ủ ấm và kích hoạt CODE BLUE báo động cấp cứu toàn viện ngưng tim, ngưng thở.
Ê kíp bác sĩ Khoa Nhi đã tiến hành ấn tim và bóp bóng, sau 30 giây bé có tim trở lại và có nhịp tự thở, da niêm hồng hơn. Bé được hút nhớt, tiếp tục bóp bóng có oxy và đặt ống thông dạ dày ra rất nhiều dịch lẫn máu đỏ tươi.
Sau đó, bé được chuyển về phòng hồi sức sơ sinh nhi (NICU), xử trí thở máy không xâm lấn, kháng sinh, truyền dịch tích cực. Về phía sản phụ, bằng những nỗ lực của các bác sĩ và cả ê-kip phẫu thuật, sản phụ an toàn trải qua cuộc phẫu thuật, bảo toàn tử cung.
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bé được chẩn đoán: suy hô hấp sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn toan kiềm, rối loạn đông máu, nhau bong non.
Sau 4 ngày nằm hồi sức điều trị tích cực, tình trạng bé sơ sinh ổn định, bú mạnh, không ọc. Bé được chuyển phòng sơ sinh thường nằm với mẹ. Hiện mẹ và bé đã được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú.
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Kiều Anh: “Trường hợp sản phụ này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé, việc phát hiện và xử trí kịp thời đã cứu được bé sơ sinh và giữ lại tử cung cho sản phụ.
Nhau bong non là tình trạng nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi được sổ ra ngoài do có sự hình thành khối huyết tụ sau nhau. Khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự trao đổi oxy giữa mẹ và con.
Nhau bong non thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ hay trong lúc chuyển dạ. Triệu chứng lâm sàng có thể khác nhau tùy theo thể nặng hay nhẹ. Hiện tượng nhau thai bong non không quá phổ biến, chỉ khoảng 1% thai phụ gặp phải và khó có thể chẩn đoán trước được tình trạng này”.
BS.CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết thêm: “Nhau bong non có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Đối với thai nhi, nhau bong non (mạn tính) có thể làm thai nhi hạn chế tăng trưởng do không nhận đủ chất dinh dưỡng, không nhận đủ oxy dẫn đến sinh non, thai chết lưu.
Trong trường hợp sản phụ này, bé đã ngưng tim và ngưng thở khi mới vừa sinh ra, Khoa Sản và Khoa Nhi đã dự phòng ngay từ ban đầu, phát hiện và xử trí kịp thời khắc phục được tình trạng nguy hiểm của cả mẹ và bé”.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: thai phụ cần sớm phát hiện ra những bất thường về sức khỏe trong quá trình mang thai mà đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ. Khi phát hiện ra bất thường, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để thăm khám kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Để phòng tránh nhau bong non, sản phụ nên khám thai định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa sản để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; tư vấn dinh dưỡng cho sản phụ trong thời gian mang thai.