Tờ Bloomberg (Mỹ) đã tham khảo các chuyên gia để trả lời câu hỏi của thanh niên tên Rogelio rằng có thể tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna sau khi tiêm 1 liều Sinovac không.
Rogelio sống ở thủ đô Manila, Philippines, đã được tiêm một liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc nhưng cảm thấy không an tâm. Vì vắc xin Sinovac không được đánh giá cao về hiệu quả, Rogelio tự hỏi liệu anh có nên tiêm một mũi khác hay không.
Bloomberg từng trả lời câu hỏi tương tự như vậy trước đây, nhưng nó đáng để nhắc lại. Tuần trước, Bloomberg đã xuất bản một bài viết về các lãnh đạo các hãng dược đang tìm cách tăng cường khả năng miễn dịch của họ bằng cách trộn lẫn các vắc xin. Thế nhưng, đó không chỉ là xu hướng của những người giàu có.
Ross Kedl, nhà miễn dịch học tại Trường Y thuộc Đại học Colorado (Mỹ), cho biết: “Trộn các nền tảng vắc xin — một phương pháp được gọi là tăng cường nguyên tố dị hợp — có lịch sử lâu đời trong ngành miễn dịch học vì nó vượt trội hơn nhiều so với nhiều liều vắc xin giống nhau”.
Ý chính là các loại vắc xin khác nhau tăng cường hệ thống miễn dịch theo những cách khác nhau, nên nhiều loại vắc xin cung cấp phạm vi bao phủ rộng hơn.
Nghiên cứu ban đầu đã gợi ý rằng cách tiếp cận như vậy có thể là chiến lược hiệu quả với COVID-19. Một nghiên cứu trên gần 700 người ở Tây Ban Nha cho thấy rằng những người được tiêm liều thứ hai của vắc xin Pfizer sau liều đầu tiên từ AstraZeneca đã thấy kháng thể trung hòa của họ tăng gấp 7 lần. Đây là phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn nhiều so với những người đã tiêm hai liều AstraZeneca. Một thử nghiệm nhỏ khác gợi ý rằng việc trộn hai loại vắc xin này đã kích hoạt phản ứng kháng thể cao hơn khoảng 4 lần so với chỉ hai liều tiêm Pfizer.
Pfizer và Moderna sử dụng một công nghệ mới được gọi là mRNA, giúp thúc đẩy các tế bào khỏe mạnh sản xuất các protein của vi rút kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Vắc xin AstraZeneca sử dụng adenovirus của tinh tinh để giúp hệ thống miễn dịch xác định và chống lại coronavirus mới. Trong khi Sinovac dùng một loại vi rút bất hoạt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Ross Kedl nói rằng không có lý do gì để không mong đợi rằng việc pha trộn các loại vắc xin COVID-19 khác nhau sẽ không tạo ra kết quả tương tự.
Ross Kedl nói: “Điểm mấu chốt ở đây là lợi ích lớn nhất đến từ việc trộn lẫn các nền tảng vắc xin khác nhau chứ không phải các nhà sản xuất khác nhau”. Ví dụ, ông nói: “Người ta sẽ không mong đợi thêm lợi ích từ việc trộn vắc xin Moderna và Pfizer (cùng công nghệ mRNA) vì chúng hầu như không thể phân biệt được từ góc độ miễn dịch học”.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét việc trộn vắc xin AstraZeneca với Sputnik V của Nga. Ở Mỹ, Viện Y tế Quốc gia gần đây đã khởi động một thử nghiệm để đánh giá việc trộn vắc xin cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tất nhiên sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để biết chính xác mức độ hiệu quả và an toàn của chiến lược này với từng sự kết hợp.
Ramon Lorenzo Redondo, nhà vi rút học tại Đại học Northwestern (Mỹ), nhận xét: “Đến nay, theo lượng dữ liệu chúng tôi có, lựa chọn tốt nhất vẫn là không trộn lẫn vắc xin”.
Chính phủ Philippines hôm 20.6 cho biết đã đạt được thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin COVID-19 do Pfizer (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) phát triển.
Với thỏa thuận mới nhất, Philippines hiện đã đảm bảo việc được cung cấp 113 triệu liều vắc xin từ 5 nhà sản xuất là Sinovac (26 triệu liều), Sputnik V (10 triệu liều), Moderna (20 triệu liều), Astrazeneca (17 triệu liều) và Pfizer - BioNTech SE (40 triệu liều).
Đến nay Philippines ghi nhận tổng cộng 1.359.015 ca mắc COVID-19 với 23.621 người chết (cao thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia) và 1.277.715 trường hợp khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, Philippines có thêm 5.803 ca mắc COVID-19 và 84 người chết.
Philippines đã tiêm cho hơn 8 triệu người, nhưng không phải tất cả đều được tiêm liều thứ hai. Mục đích là tiêm vắc xin cho 50 triệu đến 70 triệu người để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dân số Philippines hiện hơn 111 triệu.
Tính đến hết tháng 5, vắc xin Sinovac của Trung Quốc trở thành loại được sử dụng tiêm chủng chủ yếu ở Philippines và chiếm tới khoảng 90% số vắc xin mà nước này có được. Thế nhưng, số ca mắc COVID-19 và tử vong hàng ngày ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn tăng cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin của Sinovac trong tháng 6, chỉ ra kết quả cho thấy nó ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% người tiêm, ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng và thời gian nằm viện ở tất cả những người được nghiên cứu.