Trường Đại học Khoa học Sức khỏe được xây dựng trên cơ sở tiền thân là Khoa Y thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Chiều 6.7, GS Đặng Vạn Phước (Trưởng Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết đề án thành lập trường Đại học Khoa học Sức khỏe được Hội đồng Đại học Quốc gia TP.HCM thông qua, sẽ trình Bộ Giáo dục và Thủ tướng phê duyệt trong năm nay.
Đề án thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe trên cơ sở tiền thân là Khoa Y trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nếu được thông qua, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe là trường thành viên thứ 8 của Đại học Quốc gia TP.HCM trong năm 2021. Đây là một trong những cơ sở đào tạo khối ngành Sức khoẻ trọng điểm của khu vực phía Nam trong tình hình đang thiếu hụt nhân lực cho ngành Y tế như hiện nay.
Khoa Y được thành lập từ hơn 10 năm trước, hiện đào tạo 3 ngành trình độ đại học gồm Y khoa, Dược học và Răng hàm mặt. Sắp tới, đơn vị này sẽ mở rộng các ngành khác thuộc khối Khoa học sức khỏe như Điều dưỡng, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Kỹ thuật Y sinh và nhiều ngành bậc thạc sĩ.
Hiện nay, khoa Y hiện có 89 giảng viên, 26 chuyên gia đầu ngành kiêm nhiệm và hơn 400 bác sĩ thỉnh giảng thực hành. Đại học Quốc gia TP.HCM đã khởi xây nhà hành chính khoa Y và một bệnh viện thực hành hơn 500 giường, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho Đại học Khoa học Sức khỏe.
“Chủ trương củng cố và nâng tầm Khoa Y thành Trường Đại học Khoa học Sức khỏe đã làm nhất quán đề án phát triển Khoa Y vào năm 2009 và xuyên suốt trong các quyết nghị của Đại học Quốc gia TP.HCM, góp phần tích cực, hiệu quả vào hệ thống y tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – Trưởng Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết.
Trước đó vào ngày 29.6, Hội đồng thẩm định đề án thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe trên cơ sở tiền thân là Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM đã có cuộc họp, do PGS.TS. Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng điều hành.
Tại phiên họp này, hội đồng phản biện đã đánh giá cao đề án và nhất trí ủng hộ việc thành lập Trường Đại học Khoa học sức khỏe. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững của trường, các ủy viên phản biện cũng đề xuất Đại học Quốc gia TP.HCM có thể xem xét nghiên cứu thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu để vun đắp năng lực nghiên cứu cho cán bộ giảng viên, hỗ trợ các chức năng của bộ môn.
Bên cạnh việc phát triển các phương thức đào tạo, trường cũng sẽ chú trọng mô hình và cấu trúc chương trình đào tạo, nội dung đào tạo mới, theo cách tiếp cận mới để đáp ứng sự phát triển của dòng chảy xã hội như Y học chính xác (Precision Medicine) hay Y học cá thể hoá (Personalized Medicine).
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM “Trường cần phát huy nhiều hơn nữa sức mạnh hệ thống và hướng phát triển xứng tầm Đại học Quốc gia TP.HCM. Đào tạo ngành Y là ngành khoa học và thực tiễn chính vì thế vai trò của hệ thống đào tạo thực hành là cực kỳ quan trọng. Điều đó đòi hỏi việc xây dựng bệnh viện thực hành là hết sức cấp thiết và cần phải song hành với việc thành lập trường”.
TP.HCM hiện có hai đại học công lập đào tạo khối ngành sức khỏe là Đại học Y dược TP.HCM (thuộc Bộ Y tế) và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thuộc UBND TP.HCM). Một số trường tư thục cũng đào tạo các ngành Y dược như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Công nghệ TP.HCM.
Tú Viên