Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 29.11 đã kêu gọi các quốc gia châu Âu phải đứng lên bảo vệ nền dân chủ, chống lại chủ nghĩa độc tài.
Trong cuộc gặp với các nhà lập pháp từ các quốc gia Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia tại Văn phòng lãnh đạo Đài Loan, bà Thái nói rằng sẽ là cần thiết cho Đài Loan khi các quốc gia thuộc Liên Xô cũ chia sẻ những kinh nghiệm tương tự về việc thoát khỏi sự cai trị độc tài và đấu tranh cho tự do.
"Nền dân chủ mà chúng ta được hưởng ngày nay thật khó kiếm được. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều hiểu một cách sâu sắc nhất. Giờ đây, thế giới phải đối mặt với những thách thức do sự mở rộng của chủ nghĩa độc tài và mối đe dọa của thông tin sai lệch. Đài Loan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chống thông tin sai lệch với các bạn bè châu Âu. Chúng ta phải bảo vệ các giá trị chung của mình để đảm bảo lối sống tự do và dân chủ của chúng ta”, bà Thái nói.
Đáp lại, Matas Maldeikis, lãnh đạo Nhóm hữu nghị Đài Loan của quốc hội Lithuania, nói với bà Thái Anh Văn rằng nhóm của họ đang ở Đài Bắc để bày tỏ tình đoàn kết với hòn đảo này.
"Chính sách của chính phủ Lithuania đối với Đài Loan nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội của chúng ta. Duy trì tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là lợi ích quan trọng của cả Đài Loan và Lithuania. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế và văn hóa hơn nữa", Maldeikis cho biết.
Được biết, căng thẳng ngoại giao giữa Lithuania - quốc gia với dân số chưa tới 3 triệu người, và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nóng lên sau khi quốc gia khu vực Baltic thông báo cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này. Song thay vì sử dụng từ “Đài Bắc” như hầu hết văn phòng đại diện của Đài Loan trên thế giới, địa chỉ tại thủ đô Vilnius của Lithuania lại sử dụng từ “Đài Loan”, lần đầu tiên tại châu Âu.
Không có quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nào có quan hệ chính thức với Đài Loan và hiện chỉ có hoảng 15 nước EU có văn phòng đại diện ở Đài Bắc và 18 nước cho phép vùng lãnh thổ này thiết lập các văn phòng kinh tế và văn hóa tại thủ đô của họ. Tuy nhiên, với động thái này, Lithuania là nước đầu tiên cho phép sử dụng từ “Đài Loan” trong tên gọi văn phòng, hành động mà Bắc Kinh xem là tín hiệu ủng hộ Đài Loan độc lập.
Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, đã lập tức nổi giận và căng thẳng nhanh chóng leo thang. Bắc Kinh triệu hồi đại sứ tại Lithuania, hình thức phản đối ngoại giao mà họ đã không áp dụng trong nhiều năm, đồng thời buộc Vilnius làm tương tự. Các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc đến Vilnius bị tạm dừng, và các công ty xuất khẩu thực phẩm của Lithuania không còn được cấp phép đưa hàng sang Trung Quốc.
Trung Quốc hôm 21.11 thậm chí còn tuyên bố giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania, từ cấp đại sứ xuống cấp đại biện, sau khi văn phòng của Đài Loan ở Vilnius chính thức đi vào hoạt động. Lần gần nhất Trung Quốc làm vậy là vào năm 1981 với Hà Lan, cũng liên quan vì vấn đề Đài Loan.
Trước tình hình này, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis thúc giục Liên minh châu Âu (EU) chống lại kiểu “chèn ép” kinh tế của Bắc Kinh bằng cách tham gia nhiều hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Landsbergis cho rằng những thiệt hại đó sẽ có tác động ngắn hạn vì Lithuania đang nỗ lực giúp các chuỗi cung ứng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. “Trong ngắn hạn, bất kỳ quốc gia nào cũng xót khi bị cắt hợp đồng. Nhưng đó chỉ là ngắn hạn, vì thị trường sẽ phải thích nghi. Các công ty sẽ thích nghi”, ông Landsbergis nói.
Theo ông Landsbergis, Trung Quốc không chỉ cắt hợp đồng với các công ty Lithuania mà còn tiếp cận nhiều công ty ở nước thứ ba để thúc ép họ không làm ăn với Lithuania. “Có rất nhiều thứ chúng tôi sản xuất một phần tại Trung Quốc. Đó là lý do chúng ta cần tìm cách tạo ra các chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt hơn, có thể chịu được kiểu chèn ép này”, ông nói.
Ngoại trưởng Landsbergis cho rằng Lithuania sẽ là hình mẫu cho các quốc gia khác về cách chống chịu những áp lực như vậy, nhưng các nước châu Âu nên tham gia sâu hơn vào châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy an ninh kinh tế.
“Chúng ta phải hiểu rằng tất cả các quốc gia giờ đều tham gia vào châu Á – Thái Bình Dương. Một số đồng minh của chúng tôi trong NATO đang đảm trách nhiệm vụ lớn ở khu vực đó, tạo ra sự bảo đảm an ninh cho các quốc gia, và điều đó có nghĩa là chúng ta ít nhất cũng phải hiểu điều gì đang diễn ra, hoặc có thể đóng một vai trò trong đó”, ông nhấn mạnh.
Trung Quốc lại tiếp tục điều máy bay áp sát Đài Loan
Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm 28.11 thông báo 5 oanh tạc cơ H-6, hai máy bay cảnh báo sớm KJ-500, một máy bay tác chiến điện tử Y-9 và một máy bay tiếp liệu Y-20 đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan sau đó đã điều tiêm kích, phát cảnh báo qua sóng vô tuyến và triển khai tên lửa phòng không theo dõi nhóm máy bay của quân đội Trung Quốc. Đợt áp sát diễn ra một ngày sau khi nhóm nghị sĩ Mỹ thăm đảo Đài Loan hôm 27.11. Đây là chuyến thăm đảo Đài Loan thứ hai của các nghị sĩ Mỹ trong tháng 11, bất chấp phản đối gay gắt từ Trung Quốc.