Đức, Ý, Hà Lan phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron vào ngày 27.11. Thủ tướng Anh - Boris Johnson đã công bố các bước mới để ngăn chặn vi rút, trong khi nhiều quốc gia áp dụng các hạn chế đi lại từ miền nam châu Phi.
Việc phát hiện ra Omicron đã làm dấy lên lo ngại trên toàn cầu, làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại và việc bán tháo trên thị trường tài chính hôm 26.11. Các nhà đầu tư lo ngại rằng biến thể này có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần 2 năm.
Israel cho biết sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, đồng thời giới thiệu lại công nghệ theo dõi điện thoại chống khủng bố để ngăn chặn sự lây lan của Omicron.
Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid cho biết hai trường hợp nhiễm Omicron được phát hiện ở Anh có liên quan đến việc đi du lịch đến miền nam châu Phi. Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra các biện pháp mới bao gồm cả quy tắc xét nghiệm nghiêm ngặt hơn với những người đến Anh.
Theo đó, những người đến Anh từ các quốc gia miền nam châu Phi sẽ phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR, phải đeo khẩu trang lúc đến các cửa hàng hoặc đi phương tiện giao thông công cộng ở Anh. Những ai tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm Omicron sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày. Ngoài ra, chính phủ sẽ thắt chặt các quy định về việc đeo khẩu trang.
Thủ tướng Anh nói trong một cuộc họp báo: “Chúng ta cần thêm thời gian để các nhà khoa học hiểu chính xác những gì chúng ta đang giải quyết”.
Giám đốc Y tế Anh - Chris Whitty nói có khả năng là Omicron có thể khiến vắc xin ít tác dụng hơn.
Sở Y tế bang Bavaria của Đức cũng đã công bố hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cơ quan này cho biết hai người này đã nhập cảnh tại Sân bay Munich hôm 24.11 và đang bị cách ly, trước khi Đức chỉ định Nam Phi là khu vực có biến thể Omicro.
Tại Ý, Viện Y tế quốc gia cho biết một trường hợp biến thể Omicron đã được phát hiện tại Milan ở người đến từ Mozambique.
Trong khi đó, cơ quan y tế Séc cho biết đang kiểm tra một trường hợp nghi nhiễm Omicron ở một người từng sống tại Namibia.
Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là "biến thể đáng lo ngại", có khả năng lây lan cao hơn các chủng SARS-CoV-2 trước đây, dù các chuyên gia vẫn chưa biết liệu nó có gây ra bệnh COVID-19 nghiêm trọng hay không. Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, sau đó là Bỉ, Botswana, Israel, Hồng Kông, Anh, Đức, Ý.
61 ca dương tính với COVID-19 trên chuyến bay từ Nam Phi đến Hà Lan
Các nhà chức trách Hà Lan cho biết 61 trong số 624 người đến Sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam trên 2 chuyến bay từ Nam Phi hôm 26.11 đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Cơ quan y tế nước này đang tiến hành các cuộc kiểm tra thêm để xem liệu những trường hợp đó có liên quan đến biến thể mới hay không.
Viện Y tế Hà Lan (RIVM) cho biết: "Ở một số người được xét nghiệm, biến thể Omicron được cho là đã được tìm thấy". Người phát ngôn RIVM nói "gần như chắc chắn" các ca này nhiễm Omicron nhưng cần phải xét nghiệm thêm để khẳng định.
RIVM không tiết lộ có bao nhiêu trường hợp nghi nhiễm Omicron. Các hành khách từ 2 chuyến bay này được giữ tách biệt với các khách khác. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đang bị cách ly tại một khách sạn gần sân bay.
Người phát ngôn của KLM, chi nhánh Hà Lan của hãng Air France, cho biết các hành khách đã xét nghiệm âm tính hoặc chứng minh được việc tiêm vắc xin trước khi lên máy bay ở thủ đô Cape Town và thành phố Johannesburg ở Nam Phi.
Người phát ngôn KLM tiết lộ có thể có nhiều ca dương tính ở những người được tiêm vắc xin, hoặc một số lượng bất thường đã phát triển nhiễm SARS-CoV-2 sau khi có kết quả âm tính.
Các cơ quan y tế Hà Lan đã tìm cách liên lạc với khoảng 5.000 hành khách khác về từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia hoặc Zimbabwe kể từ hôm 22.11 để yêu cầu họ làm xét nghiệm COVID-19 càng sớm càng tốt.
Nhiếp ảnh gia Paula Zimmerman (người Hà Lan), một hành khách đến từ Nam Phi hôm 26.11, cho biết cô đã xét nghiệm âm tính nhưng rất lo lắng trong những ngày tới.
"Họ nói rằng sẽ có nhiều người sẽ dương tính sau 5 ngày. Hơi đáng sợ khi nghĩ rằng bạn đã ở trên máy bay với rất nhiều người nhiễm bệnh", cô nói.
Thị trường tài chính sụt giảm mạnh vào ngày 26.11, đặc biệt là cổ phiếu của các hãng hàng không và các công ty khác trong lĩnh vực du lịch. Giá dầu giảm khoảng 10 USD/thùng.
Có thể mất hàng tuần để các nhà khoa học hiểu đầy đủ về các đột biến của Omicron và liệu các loại vắc xin cùng phương pháp điều trị hiện nay có hiệu quả chống lại biến thể này hay không.
Hạn chế du lịch
Các nhà dịch tễ học cho biết việc hạn chế du lịch có thể là quá muộn để ngăn chặn Omicron lưu hành trên toàn cầu, nhưng nhiều nơi trên thế giới - bao gồm cả Mỹ, Brazil, Canada và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) - hôm 26.11 đã công bố lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại ở miền nam châu Phi.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27.11 đã bổ sung các hạn chế đi lại đã được công bố trước đó, khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến 8 quốc gia Nam Phi.
Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris nói với các phóng viên rằng chính quyền sẽ thực hiện từng bước một, khi được hỏi về các hạn chế đi lại bổ sung. “Hiện tại, chúng tôi đã làm những gì cần thiết”, bà Harris nói.
Cũng trong ngày 27.11, Úc cho biết sẽ cấm những người không phải là công dân nước này từng lưu trú ở 9 nước phía nam châu Phi nhập cảnh và yêu cầu giám sát cách ly 14 ngày với những công dân Úc trở về từ khu vực đó.
Nhật Bản và Anh đang mở rộng giới hạn đi lại đến nhiều nước châu Phi hơn, trong khi Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Oman, Kuwait và Hungary đã công bố các hạn chế đi lại mới.
Bộ Ngoại giao Nam Phi lo ngại rằng việc hạn chế sẽ ảnh hưởng đến du lịch và các lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này, đồng thời cho biết chính phủ đang liên lạc với các quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại để thuyết phục họ xem xét lại.
Omicron đã nổi lên khi nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải chiến đấu với sự gia tăng ca mắc COVID-19. Một số nước đã áp dụng lại các hạn chế với hoạt động xã hội để cố gắng ngăn chặn sự lây lan. Trong khi Áo đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 22.11 và kéo dài 20 ngày, Slovakia quyết định bán phong tỏa 2 tuần từ 25.11.
“Chỉ ngăn chặn được các biến thể xuất hiện nếu có thể bảo vệ tất cả dân số thế giới”
Biến thể Omicron cũng gây chú ý về sự chênh lệch trong khoảng cách dân số thế giới được tiêm vắc xin COVID-19. Theo các nhóm y tế và nhân quyền, ngay cả khi nhiều nước phát triển đang tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, chưa đến 7% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm liều đầu tiên.
Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), cùng WHO đồng lãnh đạo sáng kiến COVAX nhằm thúc đẩy phân phối vắc xin công bằng, cho biết điều này là cần thiết để ngăn chặn sự xuất hiện nhiều biến thể SARS-CoV-2 hơn.
“Dù vẫn cần nghiên cứu về Omicron, nhưng chúng ta biết rằng khi phần lớn dân số thế giới chưa được tiêm vắc xin, các biến thể sẽ tiếp tục xuất hiện và đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài. Chúng ta sẽ chỉ ngăn chặn được các biến thể xuất hiện nếu có thể bảo vệ tất cả dân số thế giới, không chỉ những bộ phận giàu có”, ông chia sẻ với Reuters.