Người đứng đầu Cơ quan đối ngoại Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đã chỉ trích Bắc Kinh về những hành động hiếu chiến gần đây đối với Đài Bắc.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các nghị viện về Trung Quốc (IPAC) diễn ra hôm 29.10 tại Rome (Ý), ông Ngô Chiêu Tiếp kêu gọi những nước "gần gũi" với Đài Loan sử dụng các cuộc tập trận tự do hàng hải "thường xuyên hơn và với cường độ cao hơn" ở Biển Đông để chống lại sự hung hăng và yêu sách hàng hải thái quá của Trung Quốc.
"Quyền tự do hàng hải của một số quốc gia thông qua Biển Đông là một cách để củng cố rằng khu vực này nên không có sự kiểm soát của Trung Quốc hoặc các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức của họ.
Nếu chúng ta có thể tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn và với cường độ cao hơn, tôi nghĩ các nước trong khu vực sẽ nhận thấy cách thức yêu sách hàng hải thái quá của Trung Quốc bị đẩy lùi", ông Ngô nói.
Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Đài Loan, việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành tập trận quân sự chống lại Đài Loan trong ADIZ (vùng nhận dạng phòng không) của đảo cũng giống như xâm nhập vào khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông, nên bị kiềm tỏa bằng các hoạt động tự do hàng hải tương tự.
Bài phát biểu của ông Ngô Chiêu Tiếp được đưa ra trong chuyến thăm châu Âu của ông và Bắc Kinh có thể coi đó là hành động khiêu khích. Theo lịch trình được cơ quan trên thông báo, ông Ngô sẽ tham dự diễn đàn do một viện nghiên cứu địa phương tổ chức tại Slovakia vào ngày 26.10, sau đó đến Prague (CH Czech) để gặp Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil và Thị trưởng Prague Zdenek Hrib.
Đáng chú ý, cũng trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Cơ quan đối ngoại Đài Loan cho rằng vùng lãnh thổ này là "tuyến đầu của nền dân chủ" và cảm ơn sự ủng hộ của châu Âu.
"Từ quan điểm ý thức hệ... chúng ta không nên để nền dân chủ bị phá hủy bởi Trung Quốc", ông Ngô cảnh báo và nói thêm rằng "Hồng Kông đã là một câu chuyện rất buồn đối với chúng ta".
Song song với chuyến thăm của ông Ngô, một phái đoàn thương mại từ Đài Loan cũng đang thăm châu Âu. Hơn một chục biên bản ghi nhớ về công nghệ, không gian và năng lượng xanh trong số những biên bản khác đã được ký kết trong tuần qua với Slovakia, Lithuania và Czech - những quốc gia đã khiến Trung Quốc tức giận khi trở nên thân thiết hơn với Đài Loan.
Với mong muốn đẩy mạnh cam kết với Liên minh châu Âu, Đài Loan đang kêu gọi một thỏa thuận đầu tư song phương với khối. Một nghị quyết không ràng buộc được Nghị viện châu Âu thông qua tuần trước đã ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan, đồng thời yêu cầu thực hiện các bước chuẩn bị "khẩn trương" cho việc đàm phán một thỏa thuận đầu tư song phương. Nghị quyết cũng đề xuất đổi tên Văn phòng Kinh tế và thương mại châu Âu tại Đài Loan thành "Văn phòng Liên minh Châu Âu tại Đài Loan", "nhằm phản ánh phạm vi rộng lớn của quan hệ EU-Đài Loan".
Ông Ngô đã gọi nghị quyết của nghị viện châu Âu là sự kiện "lịch sử" và "một cột mốc". Ông lưu ý rằng các nước châu Âu lớn hơn dường như nghĩ rằng một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc quan trọng hơn một thỏa thuận với Đài Loan và khẳng định rằng đã đến lúc tiến hành một thỏa thuận đầu tư với Đài Loan khi Thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã bị đóng băng.
Khi nói đến quan hệ với Đài Loan, ban lãnh đạo EU phải đối mặt với một hành động khó cân bằng trong mối quan hệ với Bắc Kinh, vốn đang có mâu thuẫn về các vấn đề nhân quyền nhưng được coi là cần thiết về mặt kinh tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức với bất kỳ quốc gia châu Âu nào ngoài Vatican, và EU đã nhiều lần tuyên bố họ chấp nhận chính sách "một Trung Quốc".
EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Đài Loan, nhưng Đài Loan chỉ là đối tác thương mại thứ 15 của EU. Để so sánh, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của EU và là nguồn nhập khẩu lớn nhất, theo trang web của Ủy ban EU.
Tuy nhiên, EU gần đây đã nói rõ rằng họ muốn theo đuổi cam kết thương mại sâu hơn với Đài Loan, đặc biệt là liên quan đến việc thiết lập các chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn.