Dựa trên một hình ảnh vệ tinh đăng tải gần đây, giới chuyên gia quân sự xác định tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut lớp Seawolf của Mỹ có thể đã va chạm với một vật thể nhỏ.

Thứ gì đã va chạm với tàu ngầm hạt nhân Mỹ tại Biển Đông?

Cẩm Bình | 30/10/2021, 08:27

Dựa trên một hình ảnh vệ tinh đăng tải gần đây, giới chuyên gia quân sự xác định tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut lớp Seawolf của Mỹ có thể đã va chạm với một vật thể nhỏ.

USS Connecticut đang neo đậu ở căn cứ Guam. Ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp cho thấy vòm sóng âm (sonar) ở mũi tàu được tháo ra chứng tỏ hệ thống định vị thủy âm này đã bị hư hại do vụ va chạm, cần được thay thế.

Vây cùng các bộ phận trên thân tàu không bị nứt chứng tỏ lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động bình thường đúng như thông tin ban đầu về vụ va chạm mà hải quân Mỹ đưa ra.

ussub.jpg
Ảnh chụp USS Connecticut (khoanh đỏ) từ vệ tinh - Ảnh: TheDrive

Theo nhà quan sát quân sự Antony Wong (ở Macau): “Gần như chắc chắn USS Connecticut bị va chạm trực diện làm nứt vòm sóng âm vốn là hệ thống cảm biến quan trọng nhất của tàu, khiến tàu trở nên “mù và điếc” nên phải rời đi ngay lập tức”.

Một tuần sau khi xảy ra vụ việc, tổ chức Sáng kiến đánh giá tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh đăng tải một ảnh vệ tinh độ phân giải thấp kèm chú thích Trung Quốc phát hiện một tàu ngầm lớp Seawolf khả nghi di chuyển cách quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) 43 hải lý vào ngày 3.10.

Nhà quan sát Wong đánh giá thông tin chỉ ra rằng USS Connecticut lúc đó đang hoạt động khá gần vùng biển tranh chấp, mặc dù phía Mỹ tuyên bố tàu thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển quốc tế. Ông cũng suy đoán có thể hư hại không nghiêm trọng nên tàu vẫn hoạt động dưới nước được lâu như vậy (Mỹ thông báo thời điểm xảy ra va chạm là ngày 2.10).

Chuyên gia hải quân Lý Kiệt cho rằng có lẽ hải quân Trung Quốc biết lộ trình USS Connecticut di chuyển, nhưng không xác định được địa điểm xảy ra va chạm và để cho tàu ngầm Mỹ đi qua. Hư hại dường như do thứ gì đó có kích thước bằng một thiết bị không người lái hoạt động ngầm gây ra chứ không thể nào là một tàu ngầm khác.

Biển Đông là tuyến đường biển đông đúc bậc nhất thế giới với nhiều tàu thương mại lẫn tàu quân sự di chuyển qua. Bắc Kinh vài năm qua nỗ lực thiết lập một mạng lưới giám sát ngầm khổng lồ phục vụ nghiên cứu khoa học hàng hải cũng như cho các mục đích quân sự.

Khi thông báo về vụ va chạm, hải quân Mỹ không nói rõ vị trí xảy ra vụ việc hay mức độ thiệt hại. Họ chỉ cho biết USS Connecticut va chạm với vật thể không xác định khiến 11 thủy thủ trên tàu bị thương, hệ thống đẩy hạt nhân của tàu không hề hấn gì nên nó vẫn có thể di chuyển về căn cứ Guam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
14 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ gì đã va chạm với tàu ngầm hạt nhân Mỹ tại Biển Đông?