Động thái tích trữ các loại vũ khí Mỹ - đã và đang giúp Ukraine chống chọi với Nga là dấu hiệu cho thấy, Đài Loan đã có sự chuẩn bị nếu Trung Quốc phát động tấn công.
Ngày 24.8, Tham mưu trưởng lục quân Đài Loan Chang Yuan-shiun cho biết, chương trình mua tên lửa chống tăng Javelin đang được thực hiện đúng kế hoạch, đơn hàng bước vào giai đoạn sản xuất - giao hàng. Ông không nói rõ thời gian giao khí tài cụ thể.
Đảo tự trị còn định tăng số lượng pháo HIMARS đặt hàng Mỹ từ 11 lên 29 hệ thống, theo hãng thông tấn CNA. Kèm theo pháo là 860 quả đạn, dự kiến giao hàng vào năm 2027.
Tên lửa Javelin và pháo HIMARS - hai trong số nhiều vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine - được phương Tây đánh giá là khí tài chủ chốt giúp Kyiv ngăn Nga giành chiến thắng nhanh chóng. Đặc biệt với HIMARS, Ukraine tấn công nhiều mục tiêu quan trọng phía Nga như sở chỉ huy, kho đạn dược, hệ thống phòng không...
Đài Loan hiện đã sở hữu Javelin nhưng chưa nhận được HIMARS. Việc Mỹ cung cấp HIMARS cho đảo tự trị chắc chắn khiến Trung Quốc nổi giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố bất cứ động thái nhờ Mỹ hỗ trợ giành độc lập nào của Đài Loan đều sẽ thất bại.
Ngày 30.8, Bắc Kinh đề nghị Washington ngừng bán khí tài và duy trì quan hệ quân sự với đào tự trị, sau khi có thông tin chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch đề nghị Quốc hội Mỹ duyệt thương vụ vũ khí trị giá 1,1 tỉ USD cho Đài Loan. Thương vụ sẽ gồm 60 tên lửa diệt hạm, phóng từ máy bay AGM-84L Harpoon Block II trị giá 355 triệu USD và 100 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder Block II trị giá 85,6 triệu USD, cùng gói gia hạn radar trinh sát trị giá 655.4 triệu USD.
Tình hình eo biển Đài Loan thời gian qua rất căng thẳng. Trung Quốc đầu tháng qua tiến hành tập trận quy mô lớn để phản ứng với chuyến thăm đảo tự trị của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Gần đây, Bắc Kinh vẫn tiếp tục triển khai máy bay cùng tàu chiến di chuyển qua eo biển. Hai khu trục hạm Chancellorsville và Antietam của Mỹ cũng vừa di chuyển qua đây vào ngày 28.8.