Các nhà phân tích Philippines vạch trần ý đồ Đài Loan tiếp tay Trung Quốc nhấn chìm vụ kiện của Philippines ở Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA)
Philippines quyết chứng tỏ TQ đã bành trướng biên giới trái phép, bằng cách chiếm các bãi đá ở Biển Đông vốn cách Hoa lục những 1.611km. Đa phần đơn kiện của Philippines xoáy vào các thực thể tự nhiên ở Trường Sa mà TQ đã bồi đắp trái phép.
Nếu PCA công nhận Ba Bình là đảo, thì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một đảo (nổi trên mặt nước, có thể đón nhận người ở được) được cấp vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, vùng biển 12 hải lý và được phép xây đảo nhân tạo trong EEZ.
Nhưng nếu PCA tuyên Ba Bình chỉ là một bãi đá (nổi trên mặt biển nhưng không thể đón người đến ở, chỉ có vùng biển 12 hải lý và không được quyền EEZ) thì nỗ lực dùng luật quốc tế để TQ biện hộ cho yêu sách ngang ngược độc chiếm Biển Đông có thể bị thất bại, theo các chuyên gia hàng hải.
Cả TQ lẫn Đài Loan có lẽ đều hiểu nguy cơ “mất mặt” trước ngày PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (dự kiến tháng 5.2016) nên cả hai đều chọn cách phản ứng riêng.
Ông Peter Dutton, một chuyên gia về luật hàng hải của Học viện hải quân Mỹ, nói: “Tác động của phán quyết sẽ là TQ buộc phải công nhận các hoạt động của họ chỉ dựa theo sử sách của họ. TQ sẽ không có gì để biện hộ pháp lý, và bị vạch trần là họ chỉ vận dụng thế bành trướng”.
Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định các hành vi dồn dập của Đài Loan cho thấy Đài Loan đang ngán một kết cục pháp lý bất lợi cho họ, trong vụ Philippines kiện TQ lên PCA.
Nhà phân tích Ralph Jennings nhận định PCA có thể dễ dàng đưa ra một phán quyết có lợi cho Manila. Vì Đài Loan không phải là một thành viên Liên Hiệp Quốc, vùng lãnh thổ này không có quyền đưa ra một tiếng nói chính thức nào về vụ kiện PCA đang thụ lý.
Ông Alan Romberg, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ) nhận xét: “Dù TQ và Đài Loan không bắt tay nhau dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng nếu tòa ra phán quyết Ba Bình chỉ là một bãi đá, thì đây sẽ là cái tát cho cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc”.
Nhưng chuyên gia an ninh Heydarian nói về việc Đài Loan tiếp tay Trung Quốc "nhấn chìm" vụ kiện của Philippines rằng: “Hành động của họ đang phá hoại vụ kiện của chúng tôi”.
Đài Loan xây trái phép đường băng trên đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam |
Ngày 23.4.2016, một đoàn 20 nhà báo quốc tế được đại diện chính quyền Đài Loan dẫn tham quan Ba Bình lần đầu tiên. Chiếc vận tải cơ C-130 của không quân Đài Loan hạ cánh trên một đường băng xây trái phép.
Họ được dẫn tham quan một trụ sở bưu điện, một cảng biển có thể chứa tàu tuần duyên tải trọng 3.000 tấn và cả ngôi chùa Tàu được xây trái phép.
Một quan chức Đài Loan nói thẳng ra rằng chuyến thăm nhằm chống lại đơn kiện của Philippines, củng cố tuyên bố chủ quyền của Đài Loan. Ông ta còn nói chuyến thăm Ba Bình là để chứng minh nó là đảo có người ở, chứ không là một bãi đá như Philippines đã cáo buộc trong đơn kiện.
Các nhà báo được mời uống nước ngọt từ một cái giếng, được mời ăn cơm với thịt gà, cá, bí, dưa leo, thơm sản xuất tại đây. Chỉ có gạo là từ Đài Loan chở tới.
Theo báo The Wall Street Journal, 167 lính tuần duyên Đài Loan gọi Ba Bình là ‘Nông trại hạnh phúc”, vì ở đây trồng bí, ngô, dưa leo và nuôi một số ít gà, dê. Chỉ huy quân tuần duyên nói: “Bất kỳ thứ gì ở đây mà quý vị ăn uống đều là sản phẩm của đảo”. Ông ta còn khoe 12 con dê, 125 con gà, nói các chuyên gia Đài Loan xác nhận nước uống được.
Đài Loan cũng từng tuyên bố: “Đài Loan có nguồn nước ngọt tự nhiên uống được dồi dào, đất đai màu mỡ, trong khi rau trái dê gà đều được nuôi trồng ở đó, là chứng cứ rõ ràng nó phù hợp cho người đến ở và có thể tự túc cuộc sống kinh tế, đáp ứng đầy đủ các xác định về một hòn đảo”.
Các luật sư củaPhilippines nói tất cả chỉ là trò biểu diễn của Đài Loan. Paul Reichler là một luật sư Mỹ bào chữa cho Philippines ở PCA, nói: Ba Bình từng không có người ở mãi cho đến khi có quân chiếm đóng từ năm 1956 thì mới có nhân viên chính quyền.
Ông Paul nói: “Họ chẳng thể sống ở đó nếu không có nguồn tiếp tế, gồm thức ăn và nước uống. Câu hỏi là liệu họ có thể có đủ nguồn nước uống được cho nhóm người trong một giai đoạn dài. Ba Bình chẳng thể làm thế”. Ông còn nói không thể làm nông tại Ba Bình, và cáo buộc Đài Loan đem đất đến để trồng cây lương thực, dùng nhà máy lọc nước biển để tạo ra nước uống.
Dĩ nhiên Đài Loan phủ nhận tất cả.
Vận tải cơ quân sự C-130 hạ cánh ở đảo Ba Bình |
Vì Trung Quốc cùng Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, nên bất kỳ hành động nào chứng minh người có thể sống ở Ba Bình, sẽ gián tiếp xác nhận ủng hộ tuyên bố chủ quyền các đảo nhân tạo ở Trường Sa của TQ.
Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ở Singapore) nhận xét lập trường của Đài Loan về Ba Bình chính là cách lãnh đạo Đài Loan tiếp tay các nỗ lực bành trướng của TQ ở Biển Đông.
Ngày 18.1.2016, ông Mã Anh Cửu, nhà lãnh đạo Đài Loan (sắp mãn nhiệm vào tháng 5 tới) đã đến thăm Ba Bình vốn cách Đài Bắc 2.000km về phía nam.
Việt Nam và các nước trong khu vực, cùng Mỹ đã chỉ trích chuyến đi của ông Mã. Washington khẳng định chuyến đi của ông Mã là vô ích, kêu gọi các bên tránh thực hiện những bước có thể làm căng thẳng tình hình Biển Đông.
Vì Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh hải ngoại, nên những hành động của ông Mã nhằm nhiều mục tiêu, theo tiến sĩ Arthur Ding, Chủ nhiệm Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc Lập (Đài Loan).
Ông Mã sẽ mãn nhiệm lãnh đạo Đài Loan từ ngày 20.5 tới, nên ông ta muốn để lại một “di sản” là chiếm Ba Bình vĩnh viễn. Tiến sĩ Ding nói: “Khi Biển Đông trở thành một vấn đề, Đài Loan bị loại khỏi mọi cuộc họp bàn chính thức về vấn đề này, nên ông Mã nhân cơ hội này muốn làm rõ quan điểm của chúng tôi. Mọi người đã thấy Ba Bình là một đảo… Nó có thể cải thiện cơ hội phán quyết của PCA sẽ theo đúng ý chúng tôi, Và khi đã xem xét mọi chuyện, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ im lặng không nói gì”.
Vĩnh Thụy (theo The Straits Times, The Wall Street Journal)