Trang Strategist đưa tin vì Bộ trưởng Indonesia đánh chìm "tàu lạ"nên sứ quán Trung Quốc đã gửi thư đe dọa nữ Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti. 

Sứ quán TQ đe dọa nữ Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia sau vụ đánh chìm “tàu lạ” ?

Một Thế Giới | 25/03/2016, 05:50

Trang Strategist đưa tin vì Bộ trưởng Indonesia đánh chìm "tàu lạ"nên sứ quán Trung Quốc đã gửi thư đe dọa nữ Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti. 

Từ khi nhậm chức vào cuối năm 2014, bà Pudjiastuti có uy tín cao vì tỏ ra cứng rắn trong việc chống tàu nước ngoài đánh cá trái phép trong vùng biển Indonesia. Bà Pudjiastuti có chính sách không khoan nhượng với các tàu này, nên Indonesia đã đánh chìm 155 tàu nước ngoài, gồm một chiếc của TQ.
Ngay sau khi tiến hành chiến dịch ngăn chặn “tàu lạ” này, một lá thư không có chữ ký được gởi đến nhà vị Bộ trưởng Indonesia đánh chìm “tàu lạ”. Lá thư có dấu mộc Sứ quán TQ ở Jakarta, cảnh cáo “hậu quả nghiêm trọng” nếu tàu cá TQ bị bắt và bị đánh chìm bằng cách đâm thủng vào đáy hoặc mạn tàu.
Theo hãng tinBloomberg, Indonesia đã đánh chìm hàng chục tàu đánh cá của Malaysia cùng các nước khác. Chúng bị tàu tuần duyên bắt khi đánh cá ở 17.000 đảo của Indonesia.

TQ “năn nỉ” Indonesia đừng cho giới truyền thông biết vụ đối đầu

Bloomberg ngày 23.3 đưa tin “những cuộc gọi hoảng loạn không thể chặn Indonesia - Trung Quốc cãi nhau trên biển”:

Ngày 19.3, hai tàu tuần duyên TQ trang bị vũ khí buộc một tàu tuần duyên Indonesia thả 8 thuyền viên tàu cá MV Kwang Fey 10078 của TQ đánh bắt trái phép trong vùng biển phía bắc đảo Natuna của Indonesia.

Một quan chức chính phủ Indonesia giấu tên nói rằng Jakarta không muốn phản ứng, nhưng phải làm thế vì TQ khiêu khích. Trong lúc tàu tuần tra Indonesia tìm cách lai dắt tàu TQ về Indonesia để xử lý, tàu tuần duyên TQ xông vào giải thoát tàu cá TQ, theo Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia.

Vài giờ sau vụ căng thẳng này, một quan chức ngoại giao cấp cao TQ gọi điện đến vị quan chức Indonesia, năn nỉ: “Đừng cho giới truyền thông biết, dù gì chúng ta là bạn bè tốt”. Jakarta không chấp nhận lời năn nỉ, mở cuộc họp báo để phản đối việc tàu tuần duyên và tàu cá TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Ngày 21.3, nữ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi triệu tập một tùy viên sứ quán TQ ở Jakarta để phản đối: “Tôi nhấn mạnh Indonesia không tham gia cuộc tranh chấp Biển Đông nên chúng tôi yêu cầu TQ làm rõ vụ việc”.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti nói với báo giới sau cuộc triệu tập này rằng Indonesia cảm thấy nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông “bị phá hoại” và Indonesia có thể sẽ đem vụ tranh cãi mới nhất này ra tòa án quốc tế.

Bà nói: “Nhiều năm qua, Indonesia đã theo đuổi và thúc đẩy hòa bình trên Biển Đông. Sự cố vừa qua khiến chúng tôi cảm thấy nỗ lực của chúng tôi bị gián đoạn và bị phá hoại”. Bà Pudjiastuti cũng yêu cầu Bắc Kinh “không nên đứng sau các hoạt động đánh cá trái phép”. Indonesia cũng đã từ chối yêu cầu thả 8 thuyền viên bị bắt của TQ, tuyên bố sẽ khởi tố nhóm đánh cá trái phép này.

Bộ Ngoại giao TQ khẳng định tàu TQ không xâm phạm lãnh hải Indonesia, tuyên bố tàu cá TQ “hoạt động trong ngư trường truyền thống của TQ”. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói tàu cá TQ bị tàu Indonesia “tấn công và quấy rối”.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng, sau khi TQ ngang nhiên tuyên bố độc chiếm 90% Biển Đông, xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa các bãi ngầm thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị TQ chiếm trái phép.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Indonesia nói với trang Strategist: “Tôi nghĩ TQ có một tầm nhìn toàn cầu dài hơi, trong đó họ xem Biển Đông là ao nhà. Họ phớt lờ Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và chỉ chú ý đến bất kỳ điều gì phục vụ quyền lợi của TQ”.

TQ còn ngang ngược trưng “bản đồ lịch sử” để tuyên bố chủ quyền với cái gọi là  “đường lưỡi bò 9 đoạn” phi lý để độc chiếm Biển Đông.

Sự cố xảy ra một lần nữa cho thấy Indonesia phải đối diện thực tế về sự chồng lấn giữa EEZ của Indonesia với cái gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” của TQ vốn “lấn sâu” vào Biển Đông, lấn cả vào EEZ quanh quần đảo Natuna.

Ngày 22.3, Hoàn cầu thời báo, phụ san lá cải của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản TQ) kêu gọi TQ - Indonesia kiềm chế, chú tâm vào các quyền lợi chung. Báo này khẳng định quần đảo Natuna thuộc Indonesia, TQ không phản đối, nhưng EEZ của Indonesia chồng lấn lên “đường lưỡi bò 9 đoạn” nên không thể tránh chuyện tranh chấp ngư trường trong khu vực.

Indonesia không công nhận “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Indonesia không tranh chấp Biển Đông như TQ đang “cương” với các nước khác trong khu vực.

Indonesia sẽ phải lên tiếng tố cáo hành vi hung hăng của Bắc Kinh

Các hành vi ngang ngược của TQ là bài thuốc thử thật sự đối với Tổng thống Widodo, người đặt quan tâm hàng đầu là bảo vệ các ngư trường khỏi những vụ đánh cá trái phép, vì ông có tham vọng chuyển Indonesia thành một thế lực hàng hải toàn cầu, theo Strategist.

Natalie Sambhi, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Mỹ - châu Á, chuyên về chính sách quốc phòng và đối ngoại của Indonesia, nói: “Tầm nhìn thế lực hàng hải toàn cầu của ông Widodo là sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Im lặng trong vụ này sẽ là dấu hiệu chính phủ của ông sẵn sàng bỏ qua cho hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ”.

Theo Bloomberg, vụ “năn nỉ” của TQ cho thấy Indonesia và TQ muốn không làm ầm ĩ vụ việc vì nhiều lý do. Indonesia hiếm khi công khai chỉ trích các vụ việc trên Biển Đông vì muốn duy trì quan hệ kinh tế với TQ.

Cựu Tổng thống Indonesia Yudhoyono từng phải làm ngơ trước 3 vụ việc: Tháng 3.2013, tàu vũ trang TQ buộc tàu kiểm ngư Indonesia thả ngư dân TQ đánh cá trái phép ở vùng biển Natuna. Vì cần an toàn tính mạng, thuyền trưởng tàu Indonesia buộc phải đồng ý. Năm 2010, hai vụ việc tương tự xảy ra. Các vụ này vào thời điểm đó không được công bố, cho thấy TQ sẵn sàng dùng sự đe dọa vũ lực để khẳng định chủ quyền “đường lưỡi bò 9 đoạn”.

Đương kim Tổng thống Widodo cũng khá cẩn trọng trong chủ trương đối ngoại với Bắc Kinh, nhất là khi các công ty TQ đang tài trợ xây dựng vài dự án cơ sở hạ tầng, dự án đường sắt cao tốc nối thủ đô Jakarta với Bangdung, cùng nhiều nhà máy điện chạy than.

TQ cũng là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Indonesia và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Indonesia trong quý 4/2015. Chính phủ Indonesia hy vọng TQ sẽ đứng đầu danh sách đầu tư nước ngoài này trong 5 năm tới.  

Ngược lại, Bắc Kinh hiểu rõ cần sự ủng hộ của quốc tế, nhất là khi Philippines đã kiện TQ toan độc chiếm Biển Đông lên Tòa án trọng tài quốc tế The Hague.

Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện ISEAS - Yusof Ishak Institute (Singapore) nói: “Trong quá khứ, khi các sự cố tương tự xảy ra, Indonesia thường hạ nhiệt vì mục đích giữ quan hệ hài hòa với TQ. Nhưng nếu TQ bắt đầu thử củng cố tuyên bố chủ quyền trong lãnh hải Indonesia, Jakarta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tố cáo và chống lại những hành vi hung hăng của Bắc Kinh”.

Quân đội Indonesia cần có vai trò lớn để bảo vệ lãnh hải

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, quân đội Indonesia (TNI) hiện vẫn giữ một vai trò nhỏ trong kế hoạch chiến lược của nước này, dù TNI lãnh nhiệm vụ bảo vệ một quần đảo trải rộng trên vài tuyến hàng hải thương mại quan trọng nhất của thế giới.

Trang Strategist nói rằng trong Sách Trắng Quốc phòng 2014 (vẫn chưa công bố), TNI thừa nhận khả năng Indonesia bị ảnh hưởng nếu sự căng thẳng trên Biển Đông bùng nổ thành xung đột quân sự. Nhưng Sách Trắng này loại bỏ các mối đe dọa từ bên ngoài, đặt lên hàng đầu mối quan ngại về nạn khủng bố quốc tế, tội phạm liên quốc gia và nhập cư trái phép.

Trong hai năm qua, tướng tư lệnh TNI Gatot Nurmantyo đã đem các vấn đề này vào một học thuyết mới, trong đó nói rằng có một âm mưu quốc tế của nhiều quốc gia (không nêu tên) muốn dùng quân ủy nhiệm ở Indonesia để làm suy yếu và cướp tài nguyên của nước này. Chưa rõ vị tướng dựa vào chứng cứ thật sự nào, nhưng nó được dùng để vận động cho quân đội có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong báo cáo mới công bố, Viện chính sách phân tích xung đột (IPAC, Indonesia) viết: “Đối với TNI, giá trị lớn của học thuyết chiến tranh ủy nhiệm là kích động các mối đe dọa từ quốc tế và trong nước, và để xử lý những mối đe dọa từ bên ngoài, quân đội cần phải được củng cố vai trò bảo vệ an ninh quốc gia”. 

Vài tháng gần đây, hải quân Indonesia bắt đầu triển khai thêm tàu chiến ở vùng biển Natuna, và đang thúc đẩy đòi lại không phận trong một khu vực quân sự nhạy cảm hiện do Singapore kiểm soát.

Vĩnh Thụy (theo The Strategist, Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sứ quán TQ đe dọa nữ Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia sau vụ đánh chìm “tàu lạ” ?