Theo Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lư Sa Dã, một khi Trung Quốc đạt được mục tiêu đã tuyên bố là thiết lập quyền kiểm soát đối với Đài Loan, quá trình "cải tạo" (re-education) đối với người dân trên đảo sẽ diễn ra.
Vào tối thứ tư, trên kênh truyền hình Pháp BFM TV, Đại sứ Lư đã phát biểu rằng từ mười hoặc hai mươi năm trước đây, phần lớn dân số Đài Loan thực sự muốn được "tái thống nhất" với Trung Quốc. Thế nhưng, tuyên truyền "chống Trung Quốc" từ đảng Dân Tiến đã tiêm nhiễm vào người dân trên đảo.
Đại sứ Lưu khẳng định: "Sau khi tái thống nhất, chúng tôi sẽ thực hiện việc cải tạo" và nói rằng điều này sẽ đảm bảo rằng người dân Đài Loan sẽ khôi phục ý thức yêu nước của họ.
Ông Lư cam đoan: "Tôi chắc chắn rằng vào thời điểm đó, người dân Đài Loan sẽ ủng hộ việc thống nhất một lần nữa. Họ sẽ yêu nước trở lại”.
Ông nói thêm rằng quá trình cải tạo sẽ là biện pháp chính của Bắc Kinh để đưa người dân Đài Loan hòa nhập vào Trung Quốc - chứ không phải việc sử dụng biện pháp đe dọa.
Phương Tây nhìn chung vẫn bất an với khái niệm "cải tạo" ở Trung Quốc vì họ thường dùng thuật ngữ này để mô tả cho việc một triệu người Duy Ngô Nhĩ được tập trung trong các trung tâm ở Tân Cương.
Cái gọi là các trung tâm này được báo chí Trung Quốc gọi với tên đầy đủ là "Trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề". Những người được đưa tới đây là các "học viên".
Trong khi đó, truyền thông phương Tây lại gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị vì cho rằng những nơi này giam giữ các tù nhân người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đồng ý với cách gọi như vậy.
Các quan chức Trung Quốc cũng bác bỏ việc tồn tại của các trung tâm cải tạo, nói rằng một số công dân được gửi đến các trung tâm dạy nghề vì phạm tội hình sự nhẹ. Trung Quốc khẳng định các trung tâm đào tạo nghề còn dạy tiếng phổ thông, khái niệm pháp lý và giáo dục tư duy.
Khi được hỏi về ý tưởng "cải tạo" người dân Đài Loan, đại sứ Trung Quốc nói rằng nó không quá khác biệt so với cách của Pháp trong việc giáo dục người dân về các giá trị của đất nước.
Đại sứ Lư trấn an: “Đó không phải là một dự án giáo dục đại chúng. Vấn đề là đảng Dân tiến đã thực hiện một thứ tuyên truyền cực đoan, chúng tôi thậm chí có thể nói đó là một đảng cực đoan".
Bình luận về chuyến thăm Đài Loan gần đây của bà Nancy Pelosi, ông Lư Sa Dã gọi đây là một "hành động khiêu khích không cần thiết", sau đó nói thêm rằng chính quyền Đài Loan đang áp dụng phương pháp "cắt xúc xích" và tiến từng bước hướng tới độc lập khỏi Trung Quốc.
Đại sứ Lư nói: "Nếu chúng tôi không phản ứng, cuối cùng họ sẽ đạt được mục tiêu độc lập".