Cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân TP.HCM trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đến người dân TP.HCM trong mọi tình huống

Tuyết Nhung | 22/08/2021, 07:35

Cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân TP.HCM trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Sau khi có thông tin TP.HCM sẽ siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 23.8, từ sáng 21.8, người dân TP.HCM đã đổ dồn về các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống... để mua gom thực phẩm khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.

z2700171581775_5cf0219b6af55b4fe31dd439448dfa41.jpg
TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường - Ảnh: BCT

Trước thực trạng trên, TP.HCM đã kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường.

Tuy nhiên, để các mặt hàng thực phẩm đến tay người dân đầy đủ cũng là bài toán cho cơ quan quản lý, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo khâu lưu thông hàng hóa được thông suốt. Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương hiện đang là đơn vị giám sát, đảm bảo cho chuỗi cung ứng hàng hóa được lưu thông đến nơi phân phối và người dân.

Trước lệnh siết chặt phòng chống dịch của TP.HCM từ ngày 23.8, Tổ Công tác đặc biệt cho biết đã làm việc với các hiệp hội và ngành hàng để đảm bảo trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, đứt gãy nguồn cung ứng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, đề xuất đầu tiên được đưa ra chính là ưu tiên tiêm vắc xin cho hệ thống phân phối bán lẻ, đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu...

Tiếp đến là duy trì hoạt động của phương thức giao nhận thương mại điện tử, trong đó có shipper, bởi việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã ảnh hưởng đến chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, khiến người dân phải đến các siêu thị, chợ truyền thống, ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống COVID-19, Tổ Công tác đặc biệt đã đề xuất đưa quân đội tham gia hỗ trợ tạo luồng xanh an toàn cho vận tải mùa dịch.

Với những doanh nghiệp khó khăn với phương thức "3 tại chỗ", UBND TP.HCM cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động và Bộ Y tế bổ sung các hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để giúp khôi phục chuỗi cung ứng.

UBND TP đang áp dụng giờ giới nghiêm thì cần xem xét xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống được phép lưu thông trên đường sau 18 giờ hàng ngày để kịp thời cung ứng các mặt hàng tươi sống cho người dân vào sáng hôm sau.

Ngay từ đầu dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, trong cuộc họp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhận định rằng: "Đợt dịch này diễn biến phức tạp và khó đảm bảo sẽ sớm kết thúc nên các giải pháp đều phải tính đến kịch bản xấu hoặc xấu hơn. Có như vậy, các quyết sách ban hành cũng như kế hoạch hành động mới đúng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Chính phủ giao".

Ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: "Thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân".

Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu gia tăng bất ngờ, các siêu thị tại TP.HCM đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lên các quầy kệ, đồng thời tăng lượng rau củ, quả lên gấp 3-4 lần. Các siêu thị khẳng định luôn đảm bảo dự trữ hàng hóa chuẩn bị nhu cầu người dân thành phố trong thời gian tới.

Cụ thể, hệ thống SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Hệ thống MM Mega Market hàng tươi đông lạnh tồn kho dự trữ 20 ngày, đặt hàng dự trữ 20 ngày, tổng dự trữ 40 ngày; hàng thực phẩm khô tồn kho dự trữ 30 ngày, đặt hàng dự trữ 30 ngày, tổng cộng là 60 ngày. Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng tăng lượng hàng thực phẩm dự trữ.

Đối với hàng rau, củ, quả, thịt, cá tươi luôn có nguồn hàng về từng ngày, các siêu thị cũng tăng đặt hàng so với những ngày trước đó nhưng các nhà cung cấp gặp khó khăn về nhân sự và đứt gãy chuỗi cung ứng nên khả năng tăng nguồn hàng bị hạn chế.

Bài liên quan
Tiếp tục tăng cường lực lượng quân y hỗ trợ TP.HCM chống dịch
Ngày 21.8, đoàn công tác của Học viện Quân y gồm 295 thành viên, được tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, trong đó có 113 bác sĩ, 180 học viên và 2 cán bộ đã lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đến người dân TP.HCM trong mọi tình huống