"Nghệ sĩ mở miệng ra là cầm bạc triệu đi về mà không biết gìn giữ, quý trọng cái nghề của mình, đồng tiền của mình thì cuối đời khổ là tại mình, đừng trách ai hết", danh hài Mỹ Chi nói.
Danh hài Mỹ Chi là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trao tặng bằng khen danh hiệu Danh hài đầu thập niên 90. Thời hoàng kim của tấu hài, Mỹ Chi - Bảo Quốc - Duy Phương - Bảo Chung - Hồng Tơ - Tấn Beo... là nhóm hài đắt show bậc nhất Sài Gòn.
Thời đó, một cây vàng chỉ tầm 2 triệu đồng mà mỗi đêm, cát xê của danh hài Mỹ Chi đi diễn tỉnh là khoảng hơn 10 triệu, tương đương 5 cây vàng. Còn ở thành phố, danh hài Bảo Chung chạy một ngày 15 suất diễn, vậy mà Bảo Quốc - Mỹ Chi diễn một ngày 20 suất, tiền nhiều không kể hết.
Những chương trình vàng son một thời của nghệ sĩ phía Nam như Ông Táo bà Mánh, Trong nhà ngoài phố... không thể không kể tới tên Mỹ Chi, Bảo Quốc. Nói thế để thấy, danh hài Mỹ Chi có một quá khứ vàng son, đỉnh cao sự nghiệp mà hầu như ai đã làm nghề này rồi đều mơ ước.
Chuyện xúc động về fan hâm mộ nghèo làm nghề chăn vịt...
2 năm liên tiếp (1996-1997), bà đều giành giải cuộc thi Danh hài TPHCM và được đích thân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trao giải. Sau giải thưởng này, sự nghiệp của bà có nhiều thay đổi không?
Có chứ, tôi trân trọng cái nghề của mình hơn. Nghề diễn hài, đứng trên sân khấu nghe khán giả cười dễ bị diễn lố, nói bậy mà không biết vì hài là con dao hai lưỡi. Thế nên kể từ khi đạt danh hiệu đó, lúc nào tôi cũng phải ý thức giữ sao cho hài sạch, không được làm hài dơ, hài tục nên kịch bản luôn được tập luyện rất kỹ trước khi lên sân khấu.
Cặp đôi sóng thần của làng hài phía Nam một thời: Bảo Quốc - Mỹ Chi.
Là một trong những danh hài rất đắt show, bà nhận được tình cảm, sự yêu thương như thế nào từ khán giả?
Hồi xưa, tôi đi diễn ở Gò Dầu - Tây Ninh có gặp 1 khán giả nữ rất nghèo. Cô ấy đến điểm diễn, xin bảo vệ cho gặp tôi nhưng vì nghèo quá nên người ta không cho vô. Mua vé vô xem tôi diễn, muốn lên xin hình cũng không chen lấn được vì khán giả đông quá.
Tôi thấy tội nghiệp nên kêu cô ấy lại để tặng hình. Cô ấy tên Hạnh. Gặp tôi, cô ấy nói "em thương chị lắm, em thích coi chị diễn lắm, em ngủ chiêm bao cũng thấy chị. Em muốn mời chị đến nhà em một lần cho em mãn nguyện nhưng nhà em nghèo lắm, sợ chị chê không đi".
Tôi nghe vậy thì đồng ý tới thăm nhà. Nói là nhà nhưng thực chất đó là một cái chòi chăn vịt. Tôi dặn cô ấy cần gì cứ nói, tôi sẽ giúp nhưng cô ấy chỉ cười.
Bẵng đi một thời gian, cỡ khoảng 10 năm sau, có bầu show mời tôi đi diễn tân gia của một đại gia ở Gò Dầu. Bầu show nói "chị ra giá bao nhiêu, gia chủ cũng chấp nhận hết, chỉ cần chị tới thôi".
Tôi nhận lời và nghĩ là mình đi diễn như các show khác. Gặp gia chủ, tôi mới nhận ra chính là cô gái chăn vịt ngày xưa. Cô ấy bảo "em không biết cách nào gặp được chị, vì hỏi các rạp thì người ta không chỉ, đành nhờ bầu show đứng ra mời chị".
Mình đi diễn thì khán giả nào cũng như nhau, giàu nghèo đều thế. Nhưng người nghèo, họ làm ra đồng tiền rất khó khăn, chắt bóp để mua được chiếc vé coi mình hát thì người nghệ sĩ đó phải là thần tượng của họ. Còn người giàu, họ đi coi là để giải trí thôi.
Đến giờ cũng vậy. Làm như Tổ nghiệp thương tôi với Lệ Thủy lắm. Hai đứa bằng tuổi nhau nhưng giờ về tỉnh vẫn được bà con thương, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ ôm mình xúc động và vui mừng. Đó là niềm an ủi rất lớn với người nghệ sĩ khi về già.
Sập sân khấu, lệch xương sống
Bao nhiêu năm đứng trên sân khấu với đủ cung bậc cảm xúc, bà đã bao giờ gặp sự cố chưa?
Có chứ. Cách đây chưa lâu tôi diễn vở Nghêu sò ốc hến ở sân khấu kịch Hồng Vân. Tôi đóng vai bà Huyện. Bảo Quốc đóng vai ông Huyện. Trong tuồng có cảnh bà Huyện đi bắt ghen ông Huyện, tụt quần, lột áo ông Huyện
Tới cảnh này, lẽ ra tôi phải nắm quần ngoài của anh Bảo Quốc kéo xuống thì chẳng may nắm cả quần trong tụt xuống. Thằng hầu thấy vậy nhanh trí cầm quạt che lại, còn tôi thì sững người. Khán giả ở dưới cười rần rần. Anh Bảo Quốc thấy tôi bị đơ thì ứng cứu "Ủa, lạ lắm sao mà bà nhìn dữ vậy bà Huyện"? Lúc đó tôi mới bừng tỉnh và ứng biến tiếp.
Giờ bà đã ngoài 70 tuổi, lâu lâu bà đi diễn cho đỡ nhớ nghề chứ không còn chạy 1 ngày mấy chục show như trước. Và tên tuổi Mỹ Chi, thế hệ trẻ cũng không nhiều người biết. Bà có thể chia sẻ cái cảm giác khi đi qua thời đỉnh cao, nó thế nào không?
Khán giả vẫn thương tôi lắm. Tôi không đi show là do tôi không đi chứ không phải do người ta không mời. Con cái tôi giờ thành đạt cả rồi, chúng lo cho mẹ cuộc sống thoải mái nên tôi không bị khó khăn về kinh tế.
Các đoàn lô tô ở tỉnh vẫn hay mời tôi với Lệ Thủy nhưng các con không muốn tôi đi. Lý do là tôi từng bị tai nạn khi diễn cho một đoàn lô tô ở Mỹ Tho. Sân khấu lô-tô được ghép từ các thanh sắt với nhau và bắt ốc giữ lại.
Lần đó, có mấy đứa trẻ con chui xuống gầm sân khấu nghịch, vặn mở các con ốc nên sân khấu bị sập, tôi phải nhập viện cấp cứu vì bị lệch xương sống. Bị chấn thương ở xương nên trở trời là đau lắm, đi lại cũng không còn được như trước.
Con tôi sợ nên không muốn cho mẹ đi diễn nhiều nữa, chúng không an tâm. Chúng nó nói, "má yêu nghề thì má đi diễn mấy chương trình từ thiện, còn mấy đoàn lô-tô má đừng đi nữa. Má lớn tuổi rồi, đi diễn đêm hôm, tụi con không yên tâm".
Bức ảnh này gồm rất nhiều nghệ sĩ một thời vàng son khu vực phía Nam: NSND Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, danh hài Mỹ Chi, danh hài Phú Quý.
Còn ở thành phố, sân khấu giờ cũng đâu còn bao nhiêu. Chỉ còn Trống Đồng mà diễn cuối tuần thôi, vé bán cũng ế ẩm. Tôi chỉ buồn vì sân khấu không còn sáng đèn như xưa. Thậm chí khi đi diễn, có những nơi, nghệ sĩ đông hơn cả khán giả. Nhìn ở dưới loe hoe, còn nghệ sĩ quá đông làm mình mất hứng, mất lửa diễn.
Ca sĩ đứng trên sân khấu, đèn dưới tắt, không thấy khán giả, ít người vẫn hát được nhưng hài thì khác. Đèn sáng trưng, nhìn xuống dưới có mười mấy người. Khán giả ít quá, họ muốn cười cũng không dám cười vì mắc cỡ. Thà đi diễn từ thiện, khán giả đông lại vui.
Giữa danh hiệu, khán giả và gia đình, đâu mới là sự thành công và khiến bà tự hào?
Đối với tôi, sân khấu là quan trọng nhất, bởi vậy mà tôi không hạnh phúc trong chuyện vợ chồng nên mới gẫy đổ hôn nhân. Nhưng tôi được an ủi lại ở chỗ con cái hiếu thảo, thành đạt hết. Cho nên tôi nghĩ, giữa danh vọng, gia đình thì Tổ nghiệp ơn trên cũng cho tôi sự bình ổn tương đối.
Giờ tôi đẩy đủ lắm, đâu có thiếu thốn gì. Một người nghệ sĩ, lúc trẻ chỉ cần đừng ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc thì cuối đời sẽ không phải chịu cảnh nghèo khổ. Không có nghề nào sung sướng bằng cái nghề mở miệng ra là có tiền lại có tiếng tăm như nghề sân khấu. Đó là vốn trời cho.
Người ta kiếm bạc triệu phải mất cả tháng, còn nghệ sĩ mở miệng ra là cầm bạc triệu đi về mà không biết gìn giữ, yêu thương, quý trọng cái nghề của mình, đồng tiền của mình thì cuối đời khổ là tại mình, đừng trách ai hết.
Đừng có đổ thừa cho cái nghề này bạc. Ví dụ, tôi đi tỉnh diễn 1 show cả chục triệu, trong khi đi buôn bán, làm vất vả cả tháng mới lời nhiêu đó.Nhân viên văn phòng cũng thế, họ làm cả tháng mới được chừng đó tiền. Thế nên ông Tổ cho thì mình phải biết quý mà giữ.
Danh hài Mỹ Chi và con trai. Đây là 1 trong những khung hình bà rất yêu thích.
Trong showbiz có những nghệ sĩ về già sống khó khăn, bệnh tật phải nhờ đồng nghiệp kêu gọi khán giả quyên góp. Tôi đã từng đọc đâu đó, một số khán giả bình luận rằng "lúc giàu có sung sướng thì không giúp ai, giờ bệnh tật thì tự lo, mắc gì bắt chúng tôi giúp". Nhiều nghệ sĩ bị tự ái vì câu nói này. Còn bà nghĩ sao, thưa danh hài Mỹ Chi?
Bà con giờ dễ lắm. Hồi xưa, mình nghèo, mình bệnh, mình lo chứ đâu ai hùn tiền cho như bây giờ. Giờ con người rất tốt, họ làm từ thiện nhiều lắm, nghệ sĩ có gì là giúp ngay. Chỉ một người bị bệnh, mọi người nhào vô góp, được biết bao nhiêu tiền.
Lúc đi hát có tiền phải nghĩ tới lúc sau này, lúc già yếu, bệnh tật mà dành dụm, để cuối đời không khổ, không ai khi dễ mình. Tôi sợ nhất là bị khi dễ, người ta nhìn mình mà thương hại, tội nghiệp. Tôi sợ điều đó lắm.
Cảm ơn bà đã chia sẻ!
Cao Thanh Hương