Trong dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ một số nội dung liên quan đến vai trò của A0 trong điều hành giao dịch thị trường điện.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia và thị trường điện.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia và thị trường điện nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc điều hành các hoạt động của A0 trong chỉ huy, điều hành hệ thống điện và thị trường điện sau khi A0 được chuyển về Bộ Công Thương.
Theo đó, nội dung chính của Thông tư chủ yếu tập trung vào sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan khi A0 tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, Dự thảo Thông tư bãi bỏ một số nội dung liên quan đến vai trò điều hành A0 trong điều hành giao dịch thị trường điện, hiện đang thuộc EVN để đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ của Công ty TNHH MTV Điều độ hệ thống điện và vận hành thị trường điện Quốc gia (dự kiến tên mới của A0) khi tách khỏi EVN.
Dự thảo điều chỉnh một số thẩm quyền hiện thuộc EVN (lập Kế hoạch vận hành hệ thống điện, phương thức vận hành hệ thống điện, xác định nhu cầu dịch vụ phụ trợ) về Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), điều chỉnh trách nhiệm của EVN và cấp điều độ quốc gia, điều chỉnh một số thẩm quyền hiện nay thuộc EVN cũng như một số nội dung liên quan đến thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện, lập, phê duyệt và thực hiện chế độ báo cáo về kế hoạch phân bổ công suất, điện năng khi thiếu nguồn điện, cấp chứng nhận vận hành của các cấp điều độ và kiểm tra công nhận chức danh tham gia công tác vận hành thị trường điện.
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng ngay cơ chế tài chính bảo đảm kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp A0 từ khi được tách khỏi EVN.
Cụ thể, Bộ Tài chính được giao, hướng dẫn cụ thể phương án bảo đảm kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp A0 ít nhất đến hết năm 2023.
Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất xử lý, báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trước ngày 10.8.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan thống nhất cơ chế tài chính tạo nguồn thu cho doanh nghiệp A0 giai đoạn từ 1.1.2024 đến khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực. Bảo đảm A0 sau khi tách được vận hành liên tục, hiệu quả.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan khẩn trương trình Chính phủ Dự thảo Nghị định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của hai Nghị định 96 và Nghị định 26 trước ngày 15.8.
Bộ Công Thương chủ động theo thẩm quyền, hoàn thành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để triển khai ngay sau khi hoàn thành chuyển giao A0 về Bộ Công Thương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn theo quy định, lưu ý cần có ý kiến cụ thể về nội dung Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tách A0 để thành lập doanh nghiệp mới, gửi Ủy ban Quản lý vốn chậm nhất ngày 15.8.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với EVN rà soát kỹ các cơ chế đối với hoạt động của EVN có thể bị tác động sau khi tách A0 chuyển về Bộ Công Thương.
Việc này nhằm không để phát sinh vướng mắc, nhất là các nội dung liên quan Chính phủ hoặc tranh chấp quốc tế (các chủ nợ quốc tế của EVN, các hợp đồng BOT được Chính phủ bảo lãnh...).
Trường hợp phát sinh vấn đề thuộc thẩm quyền cần kịp thời đề xuất xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.