Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn.
Bộ Tài chính vừa xin ý kiến đối với hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12.2022.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể: Giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội bị nhiều tác động bởi dịch COVID-19 và tình hình giá xăng dầu thế giới đang tăng cao bởi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, đồng thời tình hình bất ổn chính trị thế giới đang tăng cao đã tác động mạnh tới giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước.
Giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có xăng dầu (theo Tổng cục Thống kê thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế). Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 4 đợt là một trong những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%, trong đó: giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Bộ Tài chính dự kiến, nếu thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1.4.2022, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm sẽ khoảng 11.982 tỉ đồng. Đồng thời, nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.
Hiện nay, mỗi lít xăng bán cho người tiêu dùng đang phải chịu nhiều loại thuế phí. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, còn có một số khoản được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như: chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá...
Trong đó, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95).
Trong mặt hàng xăng E5 RON 92, thuế phí chiếm 10.576 đồng/lít, tương ứng với 42,7% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 24.771 đồng/lít. Với xăng RON 95, thuế phí chiếm 10.942 đồng/lít, tương ứng với 43,2% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 25.332 đồng/lít.
Trong khi đó, với các mặt hàng dầu thì thuế phí chiếm dao động từ hơn 21% đến hơn 27%. Cụ thể, với dầu Diesel, thuế phí chiếm 5.294 đồng/lít, tương ứng với 26,1% trong giá cơ sở, mà giá cơ sở hiện tại là 20.265 đồng/lít. Với dầu hỏa, thuế phí chiếm 4.005 đồng/lít, tương ứng với 21,2% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 18.851 đồng/lít. Với dầu mazut, thuế phí chiếm 4.809 đồng/kg, tương ứng với 27,2% trong giá cơ sở, giá cơ sở hiện tại là 17.659 đồng/kg.
Có thể thấy, trong 4 loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu thì thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ cao nhất. Khoản này là số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Vì vậy, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh thì chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu vẫn là không đổi.
Xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết ngành sản xuất trong nền kinh tế. Vì vậy, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân.