Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản không khỏi lo lắng khi TP.HCM chuẩn bị chính thức thu phí cảng biển vào ngày 1.4 tới.
Hiện TP.HCM đang vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16.2 đến hết ngày 15.3 nhằm chuẩn bị cho thu phí chính thức từ 1.4.
Trước thông tin này, các doanh nghiệp thủy sản cho rằng việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển tại thời điểm này là không hợp lý. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc TP.HCM đang có động thái chuẩn bị cho thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4 tới.
Các doanh nghiệp cho rằng việc phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng nhằm tránh ùn tắc, tăng chi phí logistics cho đô thị cảng biển lớn cả nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, giữa bối cảnh doanh nghiệp chưa vực dậy sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính phủ, các Bộ ngành cũng đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các quyết sách linh hoạt thì việc TP.HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ 1.4 là thời điểm không hợp lý và tạo nên tình trạng "phí chồng phí".
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỉ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỉ đồng/năm.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp thủy sản bức xúc phản ánh rằng, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thì bị thu mức phí cao gấp đôi đối với doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM. Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tính tới việc vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TP.HCM nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3 - 3,5 triệu đồng/cont. Điều này làm doanh nghiệp ngoài TP.HCM buộc phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP.HCM gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hiện kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu với phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao là 2.200.000 đồng/cont đối với container 20ft; 4.400.000 đồng/cont đối với container 40ft. Trong khi hàng về kho ngoại quan chủ yếu là container 40 ft. Các doanh nghiệp cho rằng, TP.HCM cần thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển một cách công bằng và nên áp dụng chung một mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là hợp lý.
"Năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Quý đầu năm nay, mặc dù thị trường nhập khẩu thủy sản của thế giới đang có dấu hiệu phục hồi và khả quan, nhưng chi phí cho sản xuất, cước vận tải biển tăng quá cao, thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân… đang khiến cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thủy sản bị giảm lợi nhuận", đại diện VASEP chia sẻ.
TP.HCM sẽ chính thức thu phí cảng biển vào ngày 1.4 tới với các mức phí sau: Với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont với container 40ft và 30.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Giới chuyên gia cho rằng việc ứng dụng hệ thống thu phí không tiền mặt sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục không mất nhiều thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản phí này cần được sử dụng minh bạch và hiệu quả. Giải pháp được đưa ra là phải có cơ chế giám sát để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp.
Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được thông báo công khai việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể và việc sử dụng phí này phải hiệu quả.
Trong ngày hôm nay (1.3), Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển. Cơ quan này đề nghị UBND TP.HCM cần phải tham khảo đầy đủ ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.