Tôi đến Tel Aviv vào ngày cuối năm 2013, theo chương trình Overseas College (Lớp học quốc tế) của đại học Quốc gia Singapore (NUS), gửi sinh viên đến những quốc gia tiềm năng về khởi nghiệp để thực tập.

Đi du học khởi nghiệp

Một Thế Giới | 11/04/2014, 06:40

Tôi đến Tel Aviv vào ngày cuối năm 2013, theo chương trình Overseas College (Lớp học quốc tế) của đại học Quốc gia Singapore (NUS), gửi sinh viên đến những quốc gia tiềm năng về khởi nghiệp để thực tập.

Tôi để ý đến Israel vì ngành công nghệ phát triển mạnh ở đây, vì những câu chuyện khó tin về một quốc gia khởi nghiệp, nhưng tôi chọn đến Israel chủ yếu vì đất nước này nghe xa lạ nhất. Tôi muốn gặp những con người Do Thái “điên rồ” mà tôi đã đọc để kiểm tra xem liệu họ điên thật không, điên đến đâu và liệu mình có thể dũng cảm và điên như họ.

Chuyện trong lớp học

Tôi được ghi tên vào một lớp ở đại học Tel Aviv, và bắt đầu bằng buổi làm quen dành cho sinh viên nước ngoài. Bắt đầu buổi gặp mặt, giáo sư hướng dẫn hỏi cả lớp hai câu: “Ai trong số các bạn muốn khởi nghiệp? Và ai đang có một dự án khởi nghiệp?”

Lớp này có sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới: Anh, Mỹ, Thuỵ Sĩ, Đức, Trung Quốc, Singapore… Câu hỏi đầu tiên có vài cánh tay giơ lên. Câu hỏi thứ hai trong số các cánh tay đang giơ lên lại có hai cánh tay bỏ xuống. Và hết.

Thầy hướng dẫn nói rằng, nếu hai câu hỏi này là dành cho một lớp của sinh viên Do Thái, câu hỏi đầu tiên thì hầu như tất cả mọi người trong lớp sẽ giơ tay, câu hỏi thứ hai sẽ còn một nửa lớp giơ tay.

Giáo sư thứ hai đến lớp để giới thiệu về nền kinh tế Israel. Đang giảng giải hăng say, về cấu trúc những ngành kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, được 15 phút thì giáo sư đột nhiên ngừng lại và nói với cả lớp: “Các bạn yên lặng quá. Nếu tôi đang đứng lớp của sinh viên Do Thái thì nãy giờ tôi chỉ mới nói được 5 phút thôi. Họ sẽ liên tục đặt câu hỏi, tranh luận với nhau và cả với tôi nữa”.

Chuyện ở công ty

Phần quan trọng nhất trong chương trình hợp tác quốc tế của NUS là tôi được làm việc trong một công ty khởi nghiệp. Tôi làm việc phát triển phần mềm ở Project Ray, một công ty phát triển smartphone cho người khiếm thị.

Đồng nghiệp của tôi ăn trưa rất nhanh. Thường chúng tôi ăn trưa trong vòng 20 phút, bao gồm cả thời gian đứng lên khỏi bàn làm vệc, đi xuống tầng hầm để xe, đến nhà hàng, gọi món, ăn và về lại văn phòng. Động tác ăn thực sự kéo dài không quá 5 phút.

Tôi không ngạc nhiên lắm, vì những bữa trưa 5 phút đó là một phần của sự “hy sinh” cho ước mơ khởi nghiệp. Chúng tôi có thể ngồi nhâm nhi ở nhà hàng một tiếng để được đáng giá đồng tiền trả cho nhà hàng, nhưng một tiếng làm việc của chúng tôi đáng giá hơn khoản tiền đó nhiều lần.

Công ty tôi bắt đầu hoạt động khoảng hai năm về trước. Sếp của tôi khi đó 50 tuổi đang thành công ở một công ty nhưng bỏ hết để khởi nghiệp với công ty này.

Tôi đã được tham quan và nói chuyện với người sáng lập nhiều công ty khởi nghiệp đủ ngành nghề ở Israel. Tôi luôn hỏi những người sáng lập công ty về công thức khởi nghiệp của họ, và câu trả lời của các CEO, khá giống nhau: “Dream Big. Work Hard” (Ước mơ lớn, làm việc cật lực).

Và không chỉ nói, họ dám bỏ ra một lượng thời gian và tâm huyết đáng sợ cho những ý tưởng đó.

Niềm vui của người đi học

Khởi nghiệp ở Israel là một sản phẩm được hun đúc ra từ rất nhiều yếu tố văn hoá, xã hội của đất nước này.

Tôi quan tâm nhất đến yếu tố con người, vì tôi muốn áp dụng những điều tôi học được từ những con người ở đây vào bản thân.

Tôi có một ước mơ. Tôi mơ về một Israel ở Việt Nam, cụ thể là ở Đà Nẵng quê tôi. Tôi mơ sẽ có một tương lai gần khi tôi nói tôi là người Việt Nam, điều đầu tiên những bạn bè quốc tế của tôi nghĩ đến sẽ không phải là chiến tranh của quá khứ, hay những chuyện tai tiếng gần đây, mà sẽ nghĩ đến một cái nôi khởi nghiệp.

Tôi mơ Việt Nam sẽ là một quốc gia khởi nghiệp hơn cả Israel hay Silicon Valley. Tôi mơ những công ty khởi nghiệp Viêt Nam sẽ không chỉ nhắm đến sản phẩm công nghệ cao dành cho người tiêu dùng đô thị mà còn làm sản phẩm công nghệ cao cho những người nông dân ở miền quê, những học sinh vùng sâu vùng xa chưa dám mơ đến công nghệ “trời Tây”.

Tôi đã làm việc ở Israel được ba tháng. Chính là đến Israel tôi bắt đầu nuôi một giấc mơ mãnh liệt là góp sức vào sự nghiệp khởi nghiệp của đất nước mình mà hành trang đang có, chủ yếu là niềm tin vào ước mơ, vào những con người đồng hành, vào bản thân. Có “lãng mạn” quá không?           

N.H.G (TGTT)

Chú thích ảnh: Tác giả (phải) trò chuyện với Saul Singer, người viết cuốn Quốc gia khởi nghiệp tại Tel Aviv. (Ảnh: TLTG)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi du học khởi nghiệp