Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ngày 16.11, UBND huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết trên địa bàn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi từ ngày 10.11.
Cụ thể, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại hộ gia đình ông T.V.L. (thôn Trung Đông, xã Cẩm Dương). Đến ngày 14.11, thêm 3 hộ chăn nuôi lợn tại 3 thôn thuộc xã Cẩm Dương cũng có lợn bị bệnh này.
Hiện chính quyền và cơ quan chức năng đã phối hợp với hộ chăn nuôi tiêu hủy 15 con lợn mắc bệnh (tổng trọng lượng 1.689kg).
Tại huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), từ ngày 13.11 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2 hộ thuộc 2 thôn của xã Lâm Trung Thủy; số lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy là 4 con.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Đức Thọ, nguyên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và tại xã có các ổ dịch tả lợn châu Phi cũ; virus dịch tả lợn châu Phi tồn tại, phát tán trong môi trường tự nhiên, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, gây bệnh.
Hiện UBND huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ đã yêu cầu các địa phương và ngành chức năng tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, ngăn chặn dịch lây lan. Tuyệt đối không được giấu dịch, không bán lợn bị bệnh; không mua, bán lợn từ vùng dịch; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường…
Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng vừa công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Xuân Phổ. Theo đó, ngày 11.11, đàn lợn 8 con của gia đình ông Nguyễn Văn T. (thôn Thống Nhất, xã Xuân Phổ) có 2 con bị mắc dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ 8 con lợn với tổng trọng lượng 740kg và hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, dụng cụ, chất thải theo quy định.
UBND huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo chính quyền xã và các đơn vị chức năng khoanh vùng khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao gồm xã Xuân Hải, xã Đan Trường.
Tại Nghệ An, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh này cho biết đã có nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các huyện Yên Thành, Quỳ Hợp, Diễn Châu và TP.Vinh.
Tính từ ngày 24.10 đến nay, tại TP.Vinh có 5 địa phương xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, gồm: Nghi Kim, Đông Vĩnh, Nghi Ân, Hưng Chính, Nghi Đức. Đến nay đã có 15 hộ tại 13 thôn có lợn mắc dịch tả châu Phi; số lợn đã tiêu huỷ là 132 con với tổng trọng lượng khoảng 7 tấn.
Tại huyện Quỳ Hợp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tái phát từ cuối tháng 9. Còn tại huyện Yên Thành, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 16 ổ dịch tả lợn châu Phi. Tại huyện Diễn Châu cũng đã ghi nhận 5 ổ dịch.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 61 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An cho biết hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đơn vị đã cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan rộng.
Theo ông Lương, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số lợn được chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ chiếm hơn 70% tổng số đàn, tập trung ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn bởi điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học dẫn đến mầm bệnh tồn lưu trong môi trường. Sau thời gian mưa lụt, ngập úng vừa rồi, mầm bệnh phát tán rộng. Bên canh đó, nhiều hộ chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An đã phân công cán bộ phụ trách cụm, huyện để tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai công tác chăn nuôi, thú y; tiến hành xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, khử trùng chống dịch đúng kỹ thuật; bố trí mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh ổ dịch mới.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 970 trang trại chăn nuôi (theo quy mô của Luật Chăn nuôi), trong đó có 28 trại quy mô lớn, 207 trang trại quy mô vừa, 735 trang trại quy mô nhỏ. Riêng chăn nuôi lợn có 438 trang trại với tổng đàn khoảng 1 triệu con.