Hiện nay, người dân tại nhiều địa phương ở Cà Mau đã ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cà Mau: Ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới

Trần Khải | 15/11/2023, 20:15

Hiện nay, người dân tại nhiều địa phương ở Cà Mau đã ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chuyển đổi số đi vào thực tiễn

Chuyển đổi số đã ngày càng đi sâu vào đời sống thực tiễn ở nhiều vùng nông thôn ở Cà Mau. Người dân đã biết ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. 

Clip nông dân nói về cách trồng rau hữu cơ 

Nhận thấy nhu cầu của thị trường ưa chuộng những loại rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, ông Hồ Tấn Đạt (nông dân ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) đã mạnh dạn cải tạo hơn 1.000m2 đất để trồng các loại rau, quả như: cải xanh, dưa leo, đậu đũa, bầu, bí đỏ... để tăng thu nhập.

"Ban đầu khi chưa biết nhiều về kỹ thuật trồng rau theo hướng hữu cơ, ngoài việc được Hội nông dân hướng dẫn, tôi còn lên mạng để học cách trồng. Nhờ trồng theo hướng sạch, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên rau củ của tôi được khách hàng ưa chuộng, tìm đến tận vườn mua rất nhiều. Trung bình mỗi ngày tôi có thu nhập khoảng 300.000 đồng", ông Đạt cho biết.

Vào mùa mưa thời tiết thuận lợi, người dân trên địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đã cải tạo vườn tạp để trồng nhiều loại rau, quả ngắn ngày nâng cao thu nhập. Đến vụ thu hoạch, nhiều hộ dân đã tận dụng thế mạnh của các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... để đăng bán các loại nông sản. 

dat.jpg
Ông Đạt bên vườn bầu hữu cơ

Ông Dương Sĩ, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Ân cho hay, thời buổi công nghệ số phát triển, địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Người dân đã biết thích ứng để phù hợp với đời sống xã hội. Những sản phẩm nông nghiệp được bà con đăng bán trên mạng thu hút được lượng khách hàng đáng kể.

Công nghệ số phát triển đã giúp cho nhiều người có cơ hội "làm giàu" từ việc đăng bán các sản phẩm nông sản của địa phương. Bà Nguyễn Hồng Thắm (ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau) chia sẻ, trước đây khi công nghệ chưa phát triển thì việc mua bán của bà rất chậm, có khi cả ngày không bán được gì. Từ khi tìm hiểu về công nghệ, bà Thắm có nhiều sự lựa chọn bán hàng hơn. "Nhờ ứng dụng công nghệ số nên lượng hàng hóa tôi bán được nhiều hơn. Giờ tôi còn lập cả cửa hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng", bà Thắm nói.

Ứng dụng vào xây dựng nông thôn mới

U Minh là huyện vùng sâu của tỉnh Cà Mau, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo ở tất cả các mặt công tác nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, tập trung xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa… để kết nối giao thương, chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí; góp phần hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

1-kinh-te-rung-giup-doi-song-nguoi-dan-huyen-u-minh-duoc-nang-len.jpg
Kinh tế rừng giúp đời sống người dân địa phương được nâng lên

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh cho hay, vai trò của nông thôn mới đối với huyện U Minh rất quan trọng, đem đến cuộc sống ấm no cho người dân. Với mục đích đó, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các cấp để chú trọng đầu tư, xây dựng mạng lưới hạ tầng nhằm hướng đến lợi ích của người dân địa phương.

“Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 là mục tiêu mà địa phương hướng đến. Nếu làm tốt công tác chuyển đổi số sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững”, ông Thịnh cho biết.

2-anh-do-hoai-bao-ung-dung-cong-nghe-so-vao-mua-ban-mat-ong.jpg
Người dân U Minh ứng dụng công nghệ số để bán các sản phẩm chủ lực của địa phương

Việc ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới ở huyện U Minh đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: ý thức của người dân nâng lên; các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của địa phương được bán trên môi trường mạng ngày càng phổ biến, được khách hàng nhiều nơi biết đến; khách du lịch biết đến huyện U Minh ngày một nhiều; tình hình an ninh trật tự được giữ ổn định…

Ông Nguyễn Văn Quốc, ngụ huyện U Minh nói: “Chuyển đổi số đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn. Trước đây, người dân làm sao biết được mua bán hàng hóa qua các trang mạng, app bán hàng trực tuyến hoặc đăng ký thủ tục hành chính, phản ánh những ý kiến bức xúc thông qua ứng dụng CaMau-G (chính quyền điện tử). Giờ chỉ cần ngồi ở nhà là có thể mua bán, trao đổi mọi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số, tôi thấy rất hiệu quả”.

3-huyen-u-minh-day-manh-phat-trien-ha-tang-giao-thong.jpg
Huyện U Minh chú trọng phát triển hạ tầng giao thông

Ông Dương Chí Linh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh, cho biết ứng dụng công nghệ số đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Bà con bắt đầu quen dần với lĩnh vực này. “Hiện nay, lĩnh vực khuyến nông đã có một phần mềm được cài đặt riêng cho người dân sử dụng. Khi có vấn đề liên quan cần được hỗ trợ, người dân chỉ cần vào app điền thông tin mình cần là sẽ được giải đáp cặn kẽ, kịp thời”, ông Linh cho biết.

Theo ông Linh, từ khi công nghệ số phát triển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng người dân trên địa bàn huyện U Minh đã biết tạo lập tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để kết nối trong việc mua bán các sản phẩm chủ lực của địa phương như chuối sấy dẻo, rượu trái giác, mật ong U Minh hạ, cam sành...

4-cau-cai-tau-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-u-minh-phat-trien.jpg
Huyện U Minh tranh thủ nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Linh vực kinh tế tập thể cũng phát triển khá nhanh, toàn huyện U Minh hiện có 59 tổ hợp tác với 880 thành viên; 26 hợp tác xã với 278 thành viên và 338 lao động, số vốn điều lệ hơn 58 tỉ đồng. Nhìn chung, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và mua bán sản phẩm. Các đơn vị đang từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

5-mo-hinh-trong-cay-an-trai-theo-huong-huu-co-phat-trien-o-huyen-u-minh.jpg
Nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh ở huyện U Minh

Theo Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Hồng Thịnh, nhiều địa phương trên địa bàn huyện U Minh đã thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. “Khánh An và Khánh Thuận là 2 xã có số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã nhất. Các xã đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững như mô hình trồng cây ăn trái, lúa tôm - cá đồng; có sản phẩm ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã như chuối, cam.

Bên cạnh đó, các địa phương có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường. Đồng thời, có Tổ công nghệ số và khuyến nông cộng đồng đang đi vào hoạt động hiệu quả đạt chuẩn. Huyện U Minh quyết tâm về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025”, ông Thịnh cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới