Tổng chi ngân sách 7 tháng ước tính đạt 757,5 nghìn tỉ đồng. Trong đó chi thường xuyên đạt 541,6 nghìn tỉ đồng, chi đầu tư phát triển 150,9 nghìn tỉ đồng, chi trả nợ lãi 61,8 nghìn tỉ đồng.

Do COVID-19, chi thường xuyên 7 tháng gấp 3 lần chi đầu tư phát triển

Lam Thanh | 29/07/2021, 11:15

Tổng chi ngân sách 7 tháng ước tính đạt 757,5 nghìn tỉ đồng. Trong đó chi thường xuyên đạt 541,6 nghìn tỉ đồng, chi đầu tư phát triển 150,9 nghìn tỉ đồng, chi trả nợ lãi 61,8 nghìn tỉ đồng.

7 địa phương bị giãn cách có IIP giảm

Theo báo cáo kinh tế - xã hội 7 tháng của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7.2021 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

ngan-sach.jpg
Chi thường xuyên gấp 3 lần chi đầu tư phát triển

Trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất chế biến da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,3%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,6%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 0,3%.

Chỉ số sản xuất tháng 7.2021 so với cùng kỳ năm trước của 19 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thì 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm và 12 địa phương tăng.

Cụ thể, TP.HCM giảm 19,4%, Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%, Đồng Tháp giảm 5,7%, Trà Vinh giảm 5,3%, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,9%, Bến Tre giảm 0,2%.

Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.

Tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Thành phố Hà Nội chỉ số IIP tháng 7.2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24.7.2021.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 55,9%; linh kiện điện thoại tăng 40%; ô tô tăng 39,6%; giày, dép da tăng 19,3%; sắt, thép thô tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,4%; điện thoại di động tăng 14,1%; sữa bột tăng 14%; vải dệt từ sợi nhân tạo và sợi tự nhiên cùng tăng 10,6%; thức ăn cho gia súc tăng 10%...

Chi thường xuyên gấp 3 lần chi đầu tư phát triển

Thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng năm 2021 đảm bảo tiến độ theo dự toán ngân sách. Chi ngân sách nhà nước tập trung cho việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đặc biệt chi cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.7.2021 ước tính đạt 819,4 nghìn tỉ đồng, bằng 61% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 661,9 nghìn tỉ đồng, bằng 58,4%; thu từ dầu thô 20,1 nghìn tỉ đồng, bằng 86,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 136,7 nghìn tỉ đồng, bằng 76,6%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 78,8 nghìn tỉ đồng, bằng 53,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 116,8 nghìn tỉ đồng, bằng 58,6%.

Thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 144,8 nghìn tỉ đồng, bằng 61%; thu thuế thu nhập cá nhân 75,4 nghìn tỉ đồng, bằng 70%; thu thuế bảo vệ môi trường 32,4 nghìn tỉ đồng, bằng 50,3%; thu tiền sử dụng đất 84,6 nghìn tỉ đồng, bằng 76%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.7.2021 ước tính đạt 757,5 nghìn tỉ đồng, bằng 44,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 541,6 nghìn tỉ đồng, bằng 52,2%; chi đầu tư phát triển 150,9 nghìn tỉ đồng, bằng 31,6%; chi trả nợ lãi 61,8 nghìn tỉ đồng, bằng 56,1%.

Doanh thu bán lẻ, lữ hành giảm

Cũng theo báo cáo, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ khi nhiều tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,5%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 243,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 8,7% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 18,9%).

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 4,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 58,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng năm nay ước tính đạt 273,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
35 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Do COVID-19, chi thường xuyên 7 tháng gấp 3 lần chi đầu tư phát triển