Nhiều người dân sống ở vùng nước ngập mặn ven biển ở các tỉnh miền Tây thường mưu sinh, kiếm sống bằng nghề săn bắt cá ngát (loại cá da trơn, giống ca trê) rất độc đáo. Muốn bắt được loài cá này, trước tiên người bắt phải am hiểu về tập tính sinh hoạt của chúng và tìm hang đặt bẫy là “bách phát bách trúng”.

Độc đáo nghề săn bắt cá ngát trên sông ở miền Tây

26/05/2020, 09:27

Nhiều người dân sống ở vùng nước ngập mặn ven biển ở các tỉnh miền Tây thường mưu sinh, kiếm sống bằng nghề săn bắt cá ngát (loại cá da trơn, giống ca trê) rất độc đáo. Muốn bắt được loài cá này, trước tiên người bắt phải am hiểu về tập tính sinh hoạt của chúng và tìm hang đặt bẫy là “bách phát bách trúng”.

Thành quả sau 1 ngày rong ruổi lặn ngụp tìm hang bắt cá ngát của Ba Linh - Ảnh: Khải Trần

Nhìn miệng hang đoán biết trọng lượng của cá

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp quay trở lại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) để tìm hiểu về nghề săn bắt cá ngát của người dân xứ này. Để có được cái ăn, cái mặc và lo cho gia đình, Ba Linh (36 tuổi) phải chọn lấy nghề săn cá ngát trên sông từ nhiều năm nay.

Nói về chuyện nghề, Ba Linh chia sẻ: “Nghề cha truyền con nối từ nào giờ đó, là nghề cơm gạo nuôi sống gia đình anh đó chú. Nghề này vất vả lắm vì suốt ngày phải lặn ngụp dưới sông mới bắt được cá. Hôm nào vô mánh, anh cũng kiếm được vài trăm ngàn, đủ cho con cái ăn học và gia đình no ấm mấy ngày”.

Ba Linh còn nói, trước khi tự mình bươn trải, lặn ngụp qua biết bao con sông ở xứ này để kiếm sống, anh phải theo cha mình học nghề cho thuần thục từ rất lâu. Ngày trước, mỗi lần đi săn cá ngát là cha của Ba Linh thường gọi anh theo để xách gọng (vật dụng dùng để đựng cá) hay giúp vài việc vặt vãnh. Lâu dần thành quen, anh gắn bó với từng nhánh sông tự bao giờ cũng chẳng biết. Với Ba Linh, nghề săn bắt cá ngát như là một cái nghiệp mà chẳng biết bao giờ anh mới trút bỏ được để lên bờ.

“Khi đã có gia đình và là người trụ cột thì mình phải có trách nhiệm với họ. Giờ còn sức thì ráng làm lo cho con cái ăn học. Có lẽ anh không truyền lại cái nghề cơ cực, sình bùn này cho con anh đâu chú. Vất vả lắm, nó phải hơn cha nó và anh cam đoan với chú, khi con anh trưởng thành, nhất định anh sẽ bỏ nghề mà lên bờ để an hưởng tuổi già”, Ba Linh chắc giọng nói.

Đang say sưa trò chuyện với chúng tôi, bất chợt Ba Linh ngước nhìn đồng hồ rồi bảo: “Nước ròng rồi, tới giờ rồi”. Sau đó, anh kêu vợ mình chuẩn bị đồ nghề để anh đi bắt cá. Anh quay sang nhìn tôi nói: “Chú thay đồ rồi đi với anh. Nghề tuy nhạt nhưng cũng có thú vui riêng”.

Thế là tôi cùng Ba Linh xách bộ đồ nghề, xuống vỏ (phương tiện di chuyển trên sông) nổ máy và bắt đầu chuyến đi săn. Bộ đồ nghề của anh cũng khá đơn giản, chỉ 1 chiếc gọng, 1 cây vợt lưới tự chế dài tầm 1,5 mét.

Trên đường đi, Ba Linh cho biết cá ngát thường sống nhiều ở những con sông rạch vùng nước mặn hoặc trong vuông tôm. Có rất nhiều cách để bắt cá ngát như mò hang, giăng câu, đặt lú… và nghề của Ba Linh là mò hang. Công việc tuy có vất vả nhưng được cái nhanh gọn, chỉ cần phát hiện được hang cá là coi như con cá đó nằm chắc trong gọng của Ba Linh. Trước khi rời xuồng xuống sông đi tìm hang bắt cá, Ba Linh vấn vội điếu thuốc gò để hút.

Những khi nước xuống, chỉ cần xác định miệng hang cái mà đặt vợt vào rồi tìm hang ngách chắn lại là cá sẽ chui ra ngoài - Ảnh: Khải Trần

Anh nói: “Mỗi khi đi bắt cá anh hút thuốc nhiều lắm. Xuống sông ngâm nước lâu nên rất lạnh, hút thuốc vào giữ ấm cho cơ thể. Muốn bắt được cá ngát thì nên đi vào lúc nước ròng, khi đó bãi cạn nên dễ tìm hang. Bây giờ, chỉ cần anh nhìn thấy hang là biết cá bự, cá nhỏ rồi”.

Cá ngát thường làm hang ở dưới mé lòng sông. Khi nước lớn thì hang cá ngát bị ngập sâu nên việc lặn tìm hang rất vất vả. Chính vì thế Ba Linh thường chọn lúc nước ròng để săn cá. Để tránh kẻ thù, mỗi con cá ngát thường làm từ 2-3 hang để tránh trú. Trong đó, có 1 hang cái (hang chính) và 2 hang ngách (hang phụ).

Theo những người có kinh nghiệm trong việc bắt cá ngát như Ba Linh thì việc tìm hang không khó, chỉ cần nhìn sơ qua miệng hang thấy láng bóng, nhìn xung quanh có 1-2 miệng phụ, đó đích thị là hang cá ngát. “Cá ngát lớn có trọng lượng 5-6 kg lận, bự lắm. Cái miệng hang nó rộng hơn cái thau nấu lẩu nữa”, giọng Ba Linh chắc nịch.

Trong lúc miên man du dương theo tiếng sóng, tiếng gió thổi rì rào giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng 5, bất thình lình, Ba Linh gọi tôi đưa giúp anh cái vợt vì anh vừa tìm được 1 hang cá lớn. “To đó, chú ráng giữ chắc miệng vợt giúp anh, nghe động là chú xúc miệng vợt lưới lên liền. Con này tầm 3 kg chớ chẳng ít, cẩn thận nhé”, Ba Linh vừa nói, vừa đặt miệng vợt vào hang cái.

Sau đó, anh dùng 2 tay chặn cửa 2 miệng hang ngách, kế đến đưa tay sâu vào trong hang. Lúc này, tôi đang “cố thủ” cùng cán cây vợt trên xuồng thì bỗng nhiên có tiếng động mạnh tác động vào cái đuôi vợt khiến tôi giật mình. Nhớ lời Ba Linh dặn nên tôi cầm cán xúc ngược miệng vợt lưới lên khỏi mặt nước, rồi vui mừng reo to: “Dính rồi, dính rồi, cá bự quá anh Linh ơi”.

Một con cá ngát trọng lượng khoảng 3 kg được Ba Linh bắt dính - Ảnh: Khải Trần

Lúc này, mặc dù mặt mày lấm lem bùn đất đen xì nhưng Ba Linh vẫn nở nụ cười hiền, hé lộ hàm răng trắng tinh: “Thấy chưa, anh nói cá bự mà. Chú sợ tài đoán trước của anh chưa? Con này về anh làm lẩu đãi chú một bữa no nê”.

Chết điếng khi bị cá ngát đâm

Trong lúc lênh đênh trên sông nước, Ba Linh kể trung bình mỗi ngày anh bắt được ít nhất cũng 2 kg cá ngát. “Gắn bó với nghề này ngót nghét đã chục năm nhưng chưa bao giờ anh đi săn mà về tay không đâu. Không ít thì nhiều, mỗi chuyến đi đều có thành quả mang về”, Ba Linh tự hào. Theo anh, giá cá ngát hiện dao động ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày anh thu nhập từ việc săn bắt loại cá này cũng hơn 200.000 đồng.

Lúc mới chập chững vào nghề thì nỗi sợ hãi lớn nhất của Ba Linh đó chính là tai nạn nghề nghiệp. Mỗi lần bị cá ngát đâm trúng là Ba Linh đau thấu xương. “Cá ngát nó có 3 gai rất sắc nhọn, gồm 1 gai trên lưng và 2 gai ở 2 bên mang đầu. Nếu sơ ý bị cá đâm trúng thì té đái luôn chớ hổng nói chơi, nhức dữ lắm. Nhiều lần bất cẩn, anh bị cá ngát đâm nhức sây sẩm mặt mày luôn, nó hành sốt cao, không thể nào ăn uống được”, Ba Linh nhớ lại.

Thông thường, người bị cá ngát đâm trúng phải chờ đủ đến 24 giờ mới khỏi. Theo kinh nghiệm của Ba Linh, nếu xác định được con cá đâm, anh chỉ cần ngắt một phần đuôi của con cá đó, đắp lên vết thương thì sẽ giảm nhức rất nhanh và khỏi hẳn sau vài giờ. Ba Linh chia sẻ: “Thường người bị cá ngát đâm thì tự động sau 24 giờ là khỏi à. Chứ có uống thuốc hay đi chích thuốc cũng chẳng ăn thua. Cũng có người bị cá ngát đâm không bị nhức, nhưng trường hợp này thì hiếm gặp lắm. Anh mấy lần đầu bị cá đâm đau thấu xương nhưng bị riết thành thói quen, giờ bị cá đâm giống như kiến cắn vậy đó”.

Dùng vợt chặn miệng hang để bắt cá ngát - Ảnh: Khải Trần

Trò chuyện khi đang ngồi nghỉ trưa, Ba Linh thở dài rồi nhìn về đoạn cuối dòng sông với ánh mắt đăm chiêu: “Chẳng biết sau này khi nguồn cá bị cạn kiệt, anh phải sống bằng nghề gì đây. Khi đó, chắc anh sẽ rất nhớ sông, nhớ những ngày rong ruỗi đầy nắng gió lắm. Hiện tại nguồn cá đã ít đi nhiều so với những năm trước rồi. Chứ hồi đó anh cùng ông già đi săn bất kể ngày đêm, 2 cha con đều xuống vỏ, đi tìm hang bắt cá ngát đem bán kiếm tiền đong gạo, sống qua ngày”.

Theo Ba Linh, sống bằng nghề này phải dựa vào sự lên xuống của con nước. Việc săn bắt cá ngát thì phải đợi lúc nước xuống, bãi cạn thì mới dễ tìm hang cá. “Thông thường khi nước lớn, cá trườn ra ngoài để đi tìm thức ăn, khi nước rút thì cá trườn về hang để trú ẩn. Muốn bắt được cá thì mình phải nắm rõ quy luật, tập tính sinh hoạt tự nhiên của nó mới được”, Ba Linh thông tin thêm.

Sau gần nửa ngày đi săn bắt cá ngát, trong gọng đã được tầm khoảng 5 kg với những con cá to tròn. Ba Linh quyết định ra về trước hoàng hôn. Anh vội vàng rửa cho sạch người rồi nhảy vọt lên chiếc xuồng. “Về thôi chú, nước lên cao rồi khó bắt được cá lắm. Về sớm để anh em mình còn lai rai”. Nói rồi, Ba Linh nổ máy, phóng vèo một mạch về nhà, khép lại 1 ngày rong ruổi mưu sinh cạnh mé sông. Cũng chính dòng sông này đã nuôi lớn Ba Linh và giúp anh kế nghiệp thuần thục nghề săn cá ngát từ người cha của mình.

Khải Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc đáo nghề săn bắt cá ngát trên sông ở miền Tây