Dù có nhiều “đặc sản”, tiềm năng du lịch có thừa nhưng Tây Nguyên vẫn nằm yên. Bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng, cũng là người làm trong ngành du lịch chia sẻ một góc nhìn về du lịch của Tây Nguyên, thời kỳ hậu COVID-19.

Hậu COVID-19, du lịch Tây Nguyên vẫn nằm yên?

24/05/2020, 13:56

Dù có nhiều “đặc sản”, tiềm năng du lịch có thừa nhưng Tây Nguyên vẫn nằm yên. Bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng, cũng là người làm trong ngành du lịch chia sẻ một góc nhìn về du lịch của Tây Nguyên, thời kỳ hậu COVID-19.

Nhìn từ trên cao, hồ Tà Đùng có rất nhiều đảo

Tây Nguyên gồm các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai; diện tích 54.700 km2 (16,4% cả nước), dân số khoảng 5,5 triệu người (5,7% toàn quốc). Là vùng trọng điểm quốc gia, có có 3 sân bay; 4 cửa khẩu với Campuchia, Lào. Cả 5 tỉnh không phải nộp ngân sách và được chính phủ hỗ trợ thêm

Trừ Lâm Đồng, Tây Nguyên thuộc top cuối của du lịch Việt Nam, dù tiềm năng có thừa. Hậu dịch COVID-19, Lâm Đồng tiên phong mở cửa đón khách từ 30/4 và 1/5; bốn tỉnh còn lại vẫn án binh bất động. Lẽ thường, Tây Nguyên phải tìm cách khuyến mại và quảng bá nhiều hơn, mới mong cạnh tranh với các địa phương khác.

Tây Nguyên thừa sức miễn vé tham quan như Huế và Hạ Long đã làm. Lưu trú, ăn uống, vận chuyển có thể mua 1 tặng 1. Chưa cần lời, chỉ cần có khách để kích hoạt tâm lý nhân viên, tạo đà cho du lịch hồi phục. Thậm chí chấp nhận lỗ có kiểm soát, xem như là chi phí marketing.

Du khách thích thú với sản phẩm du lịch cồng chiêng

Sản phẩm du lịch phổ biến của Tây Nguyên là văn hóa dân tộc thiểu số, cồng chiêng, thác, hồ, thông, dã quì… Những sản phẩm này, nhiều nơi khác cũng có, chưa kể du lịch bị thủy điện làm khó dễ. Du lịch Tây Nguyên độc đáo nhất là tượng nhà mồ, thế giới từng chưa thấy. Cả Việt Nam chỉ Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai có tượng nhà mồ. Người Việt gọi vậy vì tượng đặt quanh nhà mồ. Người Bahnar gọi là Dik, người Jarai gọi là Hlun...

Tượng bằng gỗ ở Tây Nguyên

Tượng làm bằng gỗ, nguyên cây, đẽo gọt thủ công bằng rìu và chà gạc. Tượng nào cũng có hồn, mộc mạc, chân thực, rất riêng. Trước dùng gỗ hương, cà chít; nay gỗ gì cũng làm, miễn chịu được nắng mưa. Công việc này của đàn ông, chỉ làm tượng cho người thân đã mất và được thực hiện như một thứ nghi thức tôn giáo, đầy tính nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp.

Từ cách làm, nguyên liệu, màu sắc cho đến nơi đặt tượng đều thân quen, gần gũi và sống động đến kinh ngạc. Các nghệ nhân đã thổi hồn vào từng tượng, gắn kết với cuộc sống thường ngày của người đã khuất. Vì nhiều lẽ, tượng nhà mồ ngày càng mai một, việc làm tượng chỉ thu hẹp trong già làng hoặc các nghệ nhân.

Đáng mừng là Pleiku đã có Vườn tượng dân gian. Nhiều nhà hàng, quán cà phê đã biết tận dụng tượng dân gian để trang trí, tạo nên nét độc đáo, không đụng hàng. Xưa, tượng chỉ quanh quẩn nhà mồ. Nay, tượng có mặt khắp chốn, thành điểm nhấn giá trị văn hóa để hợp sức với người dân làm du lịch. Rồi đây, tượng sẽ vào khách sạn, ra đường phố và trở thành quà lưu niệm cực chất.

Một góc vườn tượng dân gian Tây Nguyên

Pleiku đang có kế hoạch khuyến khích, phục hồi văn hóa làm tượng dân gian Tây Nguyên, lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” của thế giới; xây dựng công viên “Tượng Dân gian Tây Nguyên” của các dân tộc; hướng dẫn du khách kỹ thuật đẽo gọt tượng…Hơi tiếc là cây K’nia (người Việt gọi là cây cày) và hoa P’lang (Bắc Trung bộ gọi là cây gạo, cây gòn; không phải hoa gạo miền Bắc) biểu tượng của Tây Nguyên gần như vắng bóng.

Tây Nguyên có nhiều món ngon như gà bay (khác gà đi bộ) nướng than hồng, ngọt thơm, dai, béo vừa đủ; ngon tê lưỡi. Cá anh vũ Gia Lai, loại cá tiến vua, nghe đồn ngon hơn cá anh vũ Tây Bắc. Đầu cá nấu chua với lẩu măng, lá giang, bắp chuối hột đều bá cháy. Lòng cá xào với giảo cổ lam là thuốc bổ của vua chúa ngày xưa. Thân cá có thể hấp, chiên, kho. Món nào cũng ngon điếc mũi.

Món gỏi lá dân dã mà tinh tế, có phần cầu kỳ, được chăm chút kỹ lưỡng với hơn 30 loại lá rừng, lá vườn; tinh hoa của vùng đất đỏ bazan lộng gió. Rau rừng có bứa, ngành ngạnh, bằng lăng, sộp, rau mương, cơm nguội, đọt mây (Việt Nam), khuổn mày, baykyhut (Lào)…

Lá vườn có chanh dây, sấu, chùm ngây, vông, dâu tằm, dâu da, atiso, chùm ruột, xoài, điều, thu hải đường, me, mơ rừng, sung, ổi… đến các loại rau quen thuộc như đinh lăng, diếp cá, mã đề, càng cua, tía tô, mơ lông, sa lach, cải…. Toàn rau sạch. Mỗi loại có tác dụng riêng như thực phẩm chức năng, tạo thành Vitamin tổng hợp.

Món trứng kiến và các món ăn đặc sản Tây Nguyên

Gỏi là cá sọc dưa hoặc cá lăng thái mỏng ướp riềng thính ăn kèm tré từ thịt heo ba chỉ và bì, cùng tôm Biển Hồ ngọt lự. Nước sốt chấm chưng cất từ lòng, da, xương, đầu cá; tôm Biển Hồ và các loại gia vị ớt, muối, riềng, gừng. Khi thưởng thức, thực khách khéo léo gói ghém các loại lá thành phểu; cho nhân ăn kèm (tré, cá, tôm, thịt, gia vị...) vào. Chan vừa đủ nước sốt rồi đưa lên miệng, từ tốn nhai để cảm nhận hết tinh túy của núi rừng, sông hồ, vườn tược và đất trời Tây Nguyên.

Đăk Nông nào giờ im hơi lăng tiếng, gần đây bỗng trình làng điểm đến Tà Đùng ấn tượng., mới mẻ. Hậu Covid 19, sau khi chống dịch hiệu quả, cả nước đang thừa thắng xông lên, chạy đua hồi phục, đưa kinh tế trở lại hoạt động bình thường theo cách mới. Du lịch được xem là mũi đột phá với kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” bằng các gói khuyến mãi, làm mới sản phẩm, giới thiệu những điểm đến độc, lạ.

Nếu không biết chớp thời cơ, thay đổi cách nghĩ, đột phá cách làm; du lịch Tây Nguyên sẽ khó phát triển.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
1 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu COVID-19, du lịch Tây Nguyên vẫn nằm yên?