Biển Đông một lần nữa trở thành điểm nóng của cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2018 (SLD) khai mạc ngày 1.6.
Tại SLD 2018, Mỹ - Trung sẽ thể hiện rõ quan điểm của mình. Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á này do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh) tổ chức tại khách sạn Shangri-La ở Singapore.
Ngày 2.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ phát biểu ở SLD 2018, và vị cựu tướng 4 sao thủy quân lục chiến Mỹ được kỳ vọng sẽ nói rõ vai trò của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đoàn đại biểu Trung Quốc năm nay do Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc dẫn đầu, và Đại tá Chu Ba, Giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
SLD còn có những phát biểu của Tổng thống Singapore Haliman Yacob, Thủ tướng Ấn Độ và các Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Qatar, New Zealand, Úc, Canada, Pháp, Anh và Mỹ.
Theo Newsweek, nhiều quốc gia chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về những hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc lớn tiếng
Tại cuộc họp báo ngày 31.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Quan điểm của tôi, khi phản ứng với điều gọi là Trung Quốc “quân sự hóa” biển Nam Hải, một số người ở Mỹ đang diễn trò hề vừa ăn cướp vừa la làng. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở biển Nam Hải vượt quá tổng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và các nước lân cận”.
Bà còn nói thêm: “Tàu chiến Mỹ thường xuyên cố tình xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc với cái cớ “hoạt động tự do hàng hải”. Liệu Mỹ có thật sự muốn tự do hàng hải theo luật quốc tế, hay Mỹ chỉ muốn tự do thực hiện bất kỳ điều gì họ thích ở vai trò bá chủ?”
Cũng trong một cuộc họp báo khác, người phát ngôn Nhậm Quốc Cường của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi về các đảo và vùng nước trên biển Nam Hải. Trung Quốc có quyền hợp pháp xây dựng và triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết trên lãnh thổ của mình”.
Ông Nhậm cũng nói Bắc Kinh hy vọng vẫn có đối thoại với quân đội Mỹ, và hy vọng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Trung Quốc, dù Mỹ đã hủy lời mời Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân chung RIMPAC 2018, để phản đối Bắc Kinh “tiếp tục quân sự hóa” Biển Đông.
Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, và quyết định của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.
Theo hãng tin Fox News, ngay sau khi bị hủy lời mời, Trung Quốc tuyên bố nhóm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh “đạt đến giai đoạn đầu khả năng chiến đấu”. Gần đây, chiếc tàu sân bay này đã được đưa đến Biển Đông để phô trương sức mạnh.
Tướng thủy quân lục chiến nói Mỹ dư kinh nghiệm đánh chiếm đảo nhân tạo
Đầu tuần này, quân đội Trung Quốc công kích Mỹ, sau khi khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam - đều mang tên lửa dẫn đường - của hải quân Mỹ hôm 27.5 đi vào vùng nước 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm phi pháp hồi những năm 1970).
Theo Reuters, hai tàu chiến Mỹ lần lượt đi qua đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm và tiến hành các hoạt động diễn tập.
Đấy là phản ứng của Mỹ, sau khi không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) hồi giữa tháng 5 đã tổ chức một sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng H-6K - có thể mang đầu đạn hạt nhân - tập cất - hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Trung Quốc cũng dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên quần đảo Trường Sa, tăng khả năng đánh chặn tàu chiến và máy bay Mỹ nếu cần thiết. Các loại vũ khí này cũng nhằm cảnh cáo các nước khác đòi chủ quyền Biển Đông.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm và giàu nguồn cá. Bắc Kinh gọi vùng biển này là biển Nam Hải.
Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này.
Đó là các phản ứng của Bắc Kinh, sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis: Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông bằng những cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FNOP), do Bắc Kinh không giữ lời hứa là không đưa vũ khí đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo hãng tin AP.
Từ năm 2015, Mỹ đã nhiều lần đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, mở các cuộc tuần tra FONOP, nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Biển Đông thuộc hải phận quốc tế, để phán bác tuyên bố chủ quyền quá vô lý của Bắc Kinh.
Theo chính quyền Mỹ, tuần tra FONOP nhằm bảo vệ quyền hoạt động ở không - hải phận quốc tế của Mỹ và của các nước khác, và không cho phép bất kỳ nước nào bành trướng bờ cõi trái phép hoặc tuyên bố đòi chủ quyền trái phép.
Cùng ngày 31.5, Trung tướng thủy quân lục chiến Mỹ Kenneth F. McKenzie tuyên bố: Lầu Năm Góc sẵn sàng đối đầu với cả Trung Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên: “Chúng tôi đều đánh giá nghiêm túc những mối đe dọa từ Trung - Triều. Chắc chắn Trung Quốc có khả năng hạt nhân lớn hơn, và là một đầu tàu kinh tế lớn hơn, nên cần phải chú ý hơn sự đe dọa từ Trung Quốc. Xét về Triều Tiên, điều ghi nhận đầu tiên là hành xử thất thường và không thể đoán trước của họ đã tồn tại từ hàng chục năm qua”.
Khi được hỏi về khả năng quân sự Mỹ chiến đấu với Trung Quốc ở Biển Đông, Tướng McKenzie nói: “Quân đội Mỹ đã có rất nhiều kinh nghiệm chiếm các đảo nhỏ Tây Thái Bình Dương hồi Thế chiến 2".
Bảo Vĩnh (theo Fox News, Newsweek)