Những trận động đất ở phía nam Nhật Bản tuần qua có thể trở thành sự giải cứu cho các chính sách cải tổ kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe, cũng như cho nền kinh tế Nhật Bản.

Động đất cũng có thể là... cứu cánh cho nền kinh tế Nhật Bản

Nhàn Đàm | 25/04/2016, 05:10

Những trận động đất ở phía nam Nhật Bản tuần qua có thể trở thành sự giải cứu cho các chính sách cải tổ kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe, cũng như cho nền kinh tế Nhật Bản.

Đã gần như thành một thông lệ không thay đổi, cứ mỗi khi Nhật Bản phải hứng chịu một thảm họa thiên tai nào đó, mà thường là các trận động đất lớn với sức tàn phá khủng khiếp, thì cả thế giới lại thêm một dịp được chứng kiến và ngả mũ trước tinh thần và sự can đảm của người Nhật trong thảm họa và khó khăn. Nhưng, hẳn là không nhiều người trên thế giới biết được một thực tế rằng, phía sau những thiệt hại về tài sản và đau thương về nhân mạng do các trận động đất gây ra, đó còn là những cơ hội để nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn trước. Điều ấy đang được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, khi những trận động đất ở phía nam Nhật Bản trong tuần qua có thể sẽ trở thành cuộc giải cứu cho các chính sách cải tổ kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe, cũng như cho nền kinh tế Nhật Bản.

Thoạt nghe rằng việc các trận động đất đem lại những cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ chả khác gì một trò đùa, nhưng điều đó là sự thật, ít nhất ở Nhật Bản. Đúng là những thảm họa thiên tai khủng khiếp này thường đi kèm với những thiệt hại lớn về nhân mạng và của cải, nhưng cái gì cũng có giá của nó, và kể cả những thảm họa kinh khủng thì cũng có những mặt được đáng kể của riêng nó. Một câu nói đang được lan truyền trên các trang báo mạng và các mạng xã hội nêu bật tinh thần đối mặt với thiên tai của người Nhật những ngày này: “Chúng ta không thể quay ngược lại quá khứ để ngăn cản thảm họa xảy ra, tốt nhất hãy nhìn vào tương lai. Chúng ta đã may mắn được sống sót, vậy hãy xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Đó là bài phát biểu nổi tiếng của ông Makoto Kaninaka, trưởng thị trấn Onagawa tỉnh Miyagi, nơi trải qua trận động đất lớn cách đây vài năm.

Nhìn vào tương lai hơn là ngoái lại với quá khứ, đó là lý do mà người Nhật hiểu rõ hơn bất cứ dân tộc nào khác những giá trị đặc biệt mà chỉ các trận động đất mới có thể đem lại. Về cơ bản, các thị trấn và thành phố bị động đất tàn phá sẽ nhận được những khoản đầu tư lớn từ phía chính phủ Nhật Bản để tái thiết, và đó là một cơ hội bằng vàng để tái cơ cấu lại nền kinh tế tại địa phương. Nó sẽ không chỉ giúp tạo ra rất nhiều công ăn việc làm tại địa phương trong quá trình tái thiết này, mà còn đi kèm với việc quy hoạch lại việc xây dựng đô thị, trong đó hướng đến phát triển các dịch vụ thương mại nhiều hơn. Các thành phố và thị trấn mới được quy hoạch lại này luôn là những địa điểm có sức thu hút lớn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước Nhật. Theo thống kê, rất nhiều các thành phố và thị trấn tương đối trầm lắng đã trở nên năng động và phát triển hơn rất nhiều sau khi được tái thiết và quy hoạch lại sau cuộc tàn phá của động đất ở Nhật Bản.

Những trận động đất lớn diễn ra ở đảo Kyushu miền Nam nước Nhật trong tuần trước cũng không là ngoại lệ. Khá nhiều người dân ở đây khi được phỏng vấn đã trả lời rằng: “Động đất là chuyện đã rồi, nhưng hãy chờ xem, đảo Kyushu sẽ nhận được cực kỳ nhiều hỗ trợ tài chính và kinh tế và sẽ phát triển bùng nổ”. Hầu hết các thành phố và thị trấn ở Nhật Bản đều được xây dựng và định hình từ cách đây hàng chục năm, và thông thường sẽ rất khó có thể cải tạo toàn bộ một thị trấn hay thành phố theo hướng phát triển năng động hơn nếu như không có... sự tàn phá do động đất gây ra.

Về phía chính phủ và nền kinh tế Nhật Bản ở thời điểm hiện tại, các trận động đất lớn trong tuần qua cũng có thể đóng vai trò là những mở đường quý giá. Trước hết, nó sẽ cho phép chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có thể tung ra một gói kích thích kinh tế mới với danh nghĩa hồi phục và tái thiết hậu quả của động đất. Một gói kích thích kinh tế trị giá 10.000 tỉ yen (khoảng 91 tỉ USD) nhiều khả năng sẽ được chính phủ Nhật tung ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Nếu như không có những trận động đất xảy ra vừa qua thì cơ hội để ông Abe tung ra một đợt kích thích kinh tế mới là khá thấp, vì chính phủ của ông đang chịu sức ép từ cả trong lẫn ngoài nước. Ở trong nước, các đảng phái đối lập đang chỉ trích về tính hiệu quả của các gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 80.000 tỉ yen tính từ năm 2013 đến nay do ông Abe tung ra. Sau gần 3 năm thì lạm phát dự kiến ở Nhật vẫn chưa xảy ra, còn nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ giảm phát.

Ở ngoài nước, thì chính phủ của ông Abe đang chịu sức ép từ phía các cường quốc kinh tế khác trong khối G7 và G20 về vấn đề tỷ giá. Các cuộc họp thượng đỉnh gần nhất của G20 đều thống nhất việc hạn chế tối đa việc các quốc gia trong khối tùy tiện điều chỉnh tỷ giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là Nhật bị buộc phải hạn chế việc cố gắng hạ tỷ giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, vốn là điều mà nước này đã làm trong 3 năm qua khi kế hoạch Abenomics được đưa vào hoạt động. Đồng yen hiện cũng đang có mức tỷ giá cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, và khiến cho kim ngạch xuất khẩu của Nhật đang giảm tháng thứ 6 liên tiếp.

Tokyo vì thế cần phải hạ tỷ giá và tung gói kích thích mới càng nhanh càng tốt bằng mọi giá, và các trận động đất đã đem lại cơ hội để làm điều đó. Không chỉ có lý do hoàn toàn chính đáng để đưa ra một gói hỗ trợ kinh tế mới, mà Nhật còn có thể hạ tỷ giá đồng yen theo cách khiến các nước G20 không những không phản đối, mà còn ủng hộ nữa là đằng khác. Bất cứ quốc gia nào trong G20 cũng sẽ e ngại việc có thể chuốc lấy tiếng xấu nếu như ngăn cản Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho các khu vực đang chịu thiệt hại bởi động đất.

Ngoài ra, việc phải hứng chịu hậu quả từ các trận động đất cũng đang cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe lý do tuyệt hảo để hoãn việc tăng thuế tiêu dùng trong năm nay. Việc tăng thuế tiêu dùng được xem là một động thái củng cố an toàn nợ công của Nhật, nhưng lại có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà ông Abe đang tiến hành. Đã rất nhiều lần việc tăng thuế tiêu dùng đã bị Tokyo trì hoãn trong 3 năm qua do kinh tế Nhật vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng cần thiết, và nhiều người cho rằng việc tăng thuế trong năm nay là điều không thể trì hoãn thêm được nữa với chính phủ Nhật. Nhưng các trận động đất lại đang là lý do cho phép Tokyo hoãn thêm một lần nữa mà gần như sẽ gặp rất ít sự phản đối. Tất nhiên, không thể khẳng định những lợi thế mà các trận động đất này đem lại có thể giúp kinh tế Nhật khởi sắc, nhưng ít nhất nó cũng đang cho kế hoạch cải tổ kinh tế Abenomics của Thủ tướng Abe thêm thời gian và thêm các điều kiện thuận lợi để tiếp tục được tiến hành.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Động đất cũng có thể là... cứu cánh cho nền kinh tế Nhật Bản