Nguyên nhân thực sự của sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2016, đó là tăng trưởng tín dụng quá nhanh khiến gánh nặng nợ nần lớn hơn bao giờ hết.

Kinh tế Trung Quốc và 3 tháng rạo rực trên miệng vực

Nhàn Đàm | 24/04/2016, 08:18

Nguyên nhân thực sự của sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2016, đó là tăng trưởng tín dụng quá nhanh khiến gánh nặng nợ nần lớn hơn bao giờ hết.

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong nền kinh tế thế giới thời gian vừa qua, đồng thời cũng đang gây ra những tranh cãi lớn giữa các nhà phân tích, là sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc trong quý I.2016.

Trái với dự đoán, kinh tế Trung Quốc vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến bất chấp việc nền kinh tế toàn cầu trì trệ, khiến nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu như trước đây những con số tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc luôn đồng nghĩa với sự tích cực, thì chưa bao giờ mà sự tăng trưởng cao của kinh tế Trung Quốc lại gây nên những tranh cãi lớn như ở thời điểm hiện tại. Thậm chí những dự báo tiêu cực về triển vọng tương lai của kinh tế Trung Quốc lại đang ngày càng tăng lên buộc thế giới phải tự hỏi: sự hồi phục này có phải là sự bình yên cuối cùng trên miệng vực?

Những con số thống kê mới nhất trong báo cáo tăng trưởng của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế nước này đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, GDP đã tăng trung bình 6,7% trong 3 tháng đầu năm, cao hơn so với mức dự đoán của một số chuyên gia kinh tế thế giới là sẽ dưới 6,5% do các tác động từ sự bất ổn của thị trường chứng khoán (TTCK) nước này hồi tháng 1 và sự sụt giảm tỷ giá khá mạnh trong 2 tháng đầu năm.

Những con số thống kê khác cũng đều mang tính tích cực, chẳng hạn như dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng thêm 10,3 tỷ USD để đạt mức 3.210 tỷ USD. Cùng với đó, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đang đạt mức cao nhất trong vòng 50 năm, theo Reuters dẫn số liệu của Hội nghị Thương mại và Việc làm Liên Hiệp Quốc, thì tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu tăng từ mức 12,3% (2014) lên 13,8% (2015). Lần gần nhất mà một quốc gia đạt được mức này là Mỹ vào năm 1968, kể từ đó đến nay chưa có thêm một quốc gia nào đạt được mức tỷ trọng cao này.

Tuy nhiên, những con số thống kê tích cực này lại không nhận được sự tán đồng của khá nhiều chuyên gia kinh tế về việc triển vọng tương lai của kinh tế Trung Quốc đang trở nên sáng sủa. Có khá nhiều điều để nói về các con số đầy lạc quan mà Chính phủ Trung Quốc vừa mới công bố.

Trước hết, tỷ trọng xuất khẩu gia tăng mạnh của Trung Quốc đang không đồng nghĩa với một đòn bẩy cho nền kinh tế toàn cầu hồi phục, mà là ngược lại. Nếu như trước đây, kinh tế Trung Quốc khỏe mạnh đồng nghĩa với tin vui cho kinh tế thế giới, vì nó sẽ dẫn đến gia tăng nhập khẩu từ thị trường đông dân nhất thế giới, qua đó kích thích sản xuất và tăng trưởng trên khắp toàn cầu, thì giờ điều đó đã không còn đúng nữa. Dù tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong 3 tháng qua, thì kim ngạch nhập khẩu của nước này thời gian qua lại đang giảm khoảng hơn 10%.

Nói cách khác, tăng trưởng của Trung Quốc trong 3 tháng qua là theo một cách không lấy gì tích cực, theo đó nước này tăng cường bán tống bán tháo hàng hóa dư thừa của mình với giá rẻ chứ đó không phải là dấu hiệu của sự gia tăng sản xuất, vì nhập khẩu đã giảm khá mạnh. Xuất khẩu nhiều hơn nhưng nhập khẩu ít hơn, Trung Quốc đang trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thế giới theo 2 cách: bằng cách xuất khẩu ồ ạt hàng hóa dư thừa giá rẻ ra thế giới, Trung Quốc đang giết chết khá nhiều ngành sản xuất tại nhiều nước, điển hình là ngành thép ở châu Âu.

Thứ hai, việc giảm nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu của Trung Quốc cũng khiến tình trạng sản xuất tại nhiều ngành và nhiều lĩnh vực ở khá nhiều nước đang suy giảm. Tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh này đang dẫn đến một nghịch lý: trong khi xuất khẩu của hầu hết các nước trên thế giới đều giảm, thì chỉ có xuất khẩu của Trung Quốc là tăng mạnh trong 3 tháng vừa qua.

Cũng vì Chính phủ Trung Quốc quá chú trọng đến các biện pháp cạnh tranh thương mại không lành mạnh trong 3 tháng vừa qua, mà bỏ bê các vấn đề vĩ mô khác như cải cách cấu trúc kinh tế, nên các đánh giá về kinh tế Trung Quốc từ các tổ chức trên thế giới đang xấu đi và ngày càng nhiều hơn.

Giám đốc quỹ Asia Pacific, Cloquhoun, cho biết: “Một số người gọi đó là tăng trưởng ổn định, tôi thì không chắc. Xét trên khía cạnh tín dụng, tốc độ tăng trưởng chậm hơn sẽ khiến chúng tôi an tâm hơn. Chúng tôi không tự tin lắm về những cam kết cải cách cấu trúc của chính phủ Trung Quốc”. Vào cuối tháng 3 vừa qua, cả S&P lẫn Moody đều đã hạ mức tín nhiệm dài hạn của Trung Quốc, hai hãng này đã chỉ ra vấn đề lớn nhất của Trung Quốc hiện nay, đó là nợ công Trung Quốc đang tăng rất nhanh trong khi những cam kết cải cách từ phía Chính phủ vẫn còn bỏ ngỏ.

Điều này dẫn đến nguyên nhân thực sự của sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2016, đó là tăng trưởng tín dụng quá nhanh và khiến gánh nặng nợ nần lớn hơn bao giờ hết. Theo báo cáo, mức tín dụng của Trung Quốc trong quý I.2016 đã đạt mức kỷ lục là 4.600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 712 tỷ USD) và đã bỏ xa mức dự báo 1.400 tỷ nhân dân tệ. Nó cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng cải thiện tăng trưởng bằng cách nâng mức tín dụng, theo đó số tiền bơm vào nền kinh tế đang ngày càng nhiều hơn thông qua các khoản vay. Điều này đang khiến tổng nợ của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, tính đến hết năm 2015 thì tổng số nợ từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, các địa phương và chính phủ Trung Quốc đã đạt mức 247% GDP.

Và chính điều này đang khiến các chuyên gia kinh tế thất vọng về tương lai của kinh tế Trung Quốc. Chính phủ nước này vẫn đang cố theo đuổi các chính sách tăng trưởng kinh tế theo ngắn hạn thay vì những cải cách hướng đến ổn định nền kinh tế về dài hạn, đồng thời những chính sách tăng trưởng ngắn hạn này lại đang làm trầm trọng hơn các vấn đề nguy hiểm sống còn với nền kinh tế. Điển hình là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trong các khoản vay từ hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc đang đạt mức cao, vì thế nếu Chính phủ cho vay nhiều hơn để kích thích tăng trưởng thì cũng đồng nghĩa với mức nợ xấu này tiếp tục tăng thay vì giảm xuống như nhiều ý kiến lo ngại.

Thực tế là ngoài các con số thống kê về tăng trưởng và xuất khẩu, thì hầu hết các chỉ số khác của kinh tế Trung Quốc đang xấu đi. Số người thất nghiệp gia tăng trong khi lượng công nhân sẽ bị mất việc tại các tập đoàn nhà nước sẽ ngày càng nhiều, nợ gia tăng và TTCK thì vẫn đang trồi sụp. Thậm chí sự gia tăng xuất khẩu trong 3 tháng vừa qua cũng đang khiến cho TTCK Trung Quốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ thêm lần nữa, khi sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như thép tăng một cách chóng mặt đang tạo ra cơn sốt từ các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu trong những lĩnh vực này.

Nó tạo ra sự thổi phồng về mặt giá trị và dễ xuất hiện bong bóng, mà đó lại là các nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của TTCK Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái, sự việc đã thổi nay hơn 5.000 tỷ USD của thị trường này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/The Saigon Times, CafeF)

Ảnh: Một cách kiếm tiền mạo hiểm của người Trung Quốc/ Stringer - Reuters
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
8 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc và 3 tháng rạo rực trên miệng vực