Dự án mở rộng hầm Hải Vân tại gói thầu làm cầu Hải Vân đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân bản xứ do giải pháp thi công ảnh hưởng đến an toàn làng mạc, nuôi trồng thủy sản.
Trong những ngày gần đây, nhiều người dân ở làng chài An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đến công trường phản đối, ngăn cản đơn vị thi công xây đường công vụ để làm cầu Hải Vân đoạn khu vực phía bắc hầm đường bộ Hải Vân, thuộc dự án mở rộng hầm Hải Vân.
Làng chài An Cư Đông 2 như một “phim trường” nằm ở eo vịnh Lăng Cô – vịnh đẹp thế giới. Quang cảnh làng chài này hẳn không còn xa lạ với du khách thập phương, nhất là những người thích săn ảnh. Từ chân đèo phía bắc đèo Hải Vân nhìn về, làng chài này hiện ra như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ với trảngcát vàng thoai thoải, hòa giữa nền biển xanh…
Tuy nhiên, những cảnh vật này hiện rất dễ trở thành quá khứ khi mà nạn sạt lở ngày một gia tăng. “Mấy năm gần đây, cứ vào mùa mưa lũ thì xâm thực, xói lở lại tàn phá làng mạc. Chân sóng đã vô sát nhà bà con chúng tôi, từng xô ngãtường rào của bộ đội biên phòng”, ông Lê Thọ, một người dân trong làng bày tỏ.
Ông Thọ cũng như nhiều người dân khác lý giải sở dĩ tình trạng sạt lở liên miên,là do Công ty cầu 7 Thăng Long trước đây thi công cầu Hải Vân thuộc dự án xây dựng hầm đường bộ Hải Vân đã làm đường công vụ (đường dẫn thi công) bằng đất mà không hoàn trả mặt bằng nghiêm túc khiến sông đầm bồi lắng dẫn đến sạt lở. “Thay vì múc đất mang đi để trả mặt bằng, thì họ lại khỏa đất tạt ra hai bên cho lắng xuống đầm Lăng Cô”, ông Thọ chỉ trích.
Từ dự án xây dựng hầm Hải Vân trước với những hệ lụy mà người dân chịu đựng những năm gần đây, cách đây không lâu một con đường công vụ tương tự được xây dựng theo vết đường công vụ cũ trước đây bằng rọ đá, bê tông kiên cố càng khiến người dân bất an.
Theo tìm hiểu của Một Thế Giới, con đường này là đường dẫn để tập kết và vận chuyển vật liệuthi công cầu Hải Vân thuộc dự án xây dựng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Bộ GTVT phê duyệt, Công ty cổ phần Đèo Cả đầu tư (khoảng 7.300 tỉ đồng). Hạng mục này do Công ty cổ phần Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân - Hamadeco chủ trì thực hiện.
Con đường này hiện đã mở ra hướng đầm Lăng Cô, chạy dọc theo bên dưới cầu Hải Vân với chiều dài gần 200m, chiều rộng khoảng 5-7m. Điều đáng nói, con đường công vụ gần như bê tông hóa khi lấp đầm Lăng Cô nhưng lại không hề có hệ thống cống bên dưới nên chặn dòng chảy tự nhiên.
Không chỉ thế, vị trí làm đường là khu vực cửa biển nằm giữa đầm Lăng Cô và biển nên có sự trao đổi nước quan trọng trong việc nuôi trồng thủy sản.“Khu vực này trên chiều dài khoảng 3km có 5 cái khe nước lớn đổ về càng làm dòng nước chảy mạnh. Chính vì thế nếu bị chặn dòng thì nước sẽ hướng về phía đối diện là làng An Cư Đông 2 chúng tôi, nhất là mùa mưa lũ. Điều này là nguyên lý một đứa trẻ lên 10 cũng biết. Trưởng làng, bô lão, bà con chúng tôi mấy ngày nay qua công trường phản đối và ngăn cản là vì thế”, ông Nguyễn Tuấn, ngư dân ở An Cư Đông 2 nói.
Được biết trước những phản ứng gay gắt của người dân, Ban quản lý dự án mở rộng hầm Hải Vân đã có văn bản cam kết với người dân, chính quyền địa phương hoàn trả mặt bằng như ban đầu sau khi kết thúc công trình. Các đơn vị thi công, nhà thầu cũng đã được yêu cầu tạm dừng thi công công trình đường công vụ để thay đổi thiết kế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lãnh đạo UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, dự kiến phương án thay đổi sẽ lắp hệ thống cống thoát nước cho con đường này và sẽ tăng cường giám sát công tác thanh thải mặt bằng sau khi hoàn tất công trình.
Nhật Lam