Gần đây xảy ra vài trường hợp khách du lịch đến lưu trú tại Đà Nẵng bị kẻ gian vào phòng nghỉ lấy đồ đạc, tài sản. Dù luôn cố gắng đảm bảo tốt nhất môi trường du lịch nhưng giới chức Đà Nẵng thừa nhận "không tránh khỏi" việc bọn trộm cắp lộng hành.
Tóm gọn siêu trộm
Sáng 27.9, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng đã đến chúc mừng và thưởng cho Công an TP.Đà Nẵng vềthành tích phá án nhanh vụ trộm đồ của du khách tại khách sạn Golden Sea 3 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).
Trước đó, anh Phan Mạnh Hà (du khách Hà Nội) đến Đà Nẵng du lịch cùng gia đình lưu trútại khách sạn Golden Sea 3. Khoảng 17 giờ ngày 3.9, thấy anh Hà cùng gia đình đang tắm biển, Phạm Ngọc Hiếu (40 tuổi, quê Hải Dương, trú xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cũng xuống biển nhúng người cho ướt, sau đó đến khách sạn hỏi chìa khóacủa gia đình anh Hà. Do nhầm Hiếu là khách lưu trú tại phòng này, nhân viên lễ tân đã giao chìa khóacho Hiếu.
Hiếu đã đột nhập vào phòng anh Hà lấy trộm được 1 điện thoại Vertu trị giá khoảng 12.000 USD, 1 điện thoại Samsung Note 3, 1 đồng hồ Tissot và khoảng 12 triệu đồng. Theo khai báo của bị hại, tổng số tài sản bị lấy trộm trị giá hơn 300 triệu đồng.
Sau khi trộm được tài sản, Hiếu ở lại Đà Nẵng thêm 1 ngày rồi vào Nha Trang tiếp tục thực hiện một số vụ trộm tương tự rồi về quê vợ tại Hậu Giang thì bị bắt.
Đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵngcho biếtđây là vụ trộmcó tính chất chuyên nghiệp. Kẻtrộm nhằm vào các khách sạn không chỉ ở Đà Nẵng mà khả năng còn nhiều tỉnh thành khác.
Sau khi xảy ra vụ việc, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để phá án. Khi lưu trú ở Đà Nẵng, tên trộmkhông để lại bất kỳ giấy tờ gì nên việcphá án rất khó khăn. Sau đó lực lượng công an phát hiện đầu mối đầu tiên ở Khánh Hòa khi ở đây cũng có những vụ tương tự.
Công an Đà Nẵng đã cử ngườivào TP.Nha Trang để điều tra, sau đó phát hiện nguồn tin nghi ngờ kẻ trộmđang ở Quảng Ninh. Một nhóm trinh sát cũng được cử đi Quảng Ninh thì phát hiện nghi phạmđã về Cần Thơ. Sau khi cử lực lượng về Cần Thơ điều tra, các trinh sát phát hiện tênnày đã về quê vợ Hậu Giang nên đến tóm gọn.
Đến trưa 26.9, Công an TP.Đà Nẵng đã di lý Phạm Ngọc Hiếu về Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ vụ trộm cắp tài sản tại khách sạn Golden Sea 3 và nhiều vụ khác.
“Bước đầu tên trộmkhai nhận đã thực hiện 8 vụ trộm tại Đà Nẵng ở các khách sạn từ quận Sơn Trà cho đến Ngũ Hành Sơn. Đây là đối tượng chưa lần nào có hồ sơ hình sự ở các địa phương đã lưu trú, kể cả ở quê. Và việc vi phạm bây giờ mới đượcphát hiện”, đại tá Trần Mưu nói.
Theo điều tra ban đầu, thủ đoạn của Hiếu làlang thang dọc các bãi tắm tìm các du khách bắt chuyện làm quen để tìm hiểu nơi họ lưu trú phục vụ ý đồ trộm cắp.
Không tránh khỏi mất cắp
Trước đó, vào ngày 6.8.2016, một vụ đột nhập lấy cắp tài sản cũng đã xảy ra tại khách sạn Valencia (61 -62 Phan Liêm, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Người bị mất trộmlà ông Hoàng Văn Dũng, khách du lịch đến từ tỉnh Bắc Giang. Theo trình báo của ông, ngày 5.8, đoàn du lịch tới Đà Nẵng thuê 10 phòng tại khách sạn nói trênđể nghỉ ngơi. Vào khoảng hơn 16 giờ ngày 6.8, đoàn khách đi tắm biển và gửi thẻ từ mở cửa tại quầy lễ tân. Sau khi tắm xong về khoảng hơn 17 giờ thì kháchphát hiện mất toàn bộ tiền mặt và 1 điện thoại di động tại 2phòng 901 và 903, với tổng giá trị tài sản khoảng 40 triệu đồng.
Theo ông Dũng, khi mở camera bảo vệ xem thì thấy có một ngườidùng chính thẻ từ của khách sạn mở cửa vào phòng 901 khoảng 7 phút. Hướng dẫn viên của đoàn đã báo công an phường Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn) đến lập biên bản để điều tra.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận thời gian qua có một vài vụ mất cắp trong các cơ sở lưu trú trên địa bàn, nhưng "đó là con số rất nhỏ".
Ông Cường cho rằng: “Với lượng khách đến Đà Nẵng đông như vậy thì việc xảy ra vài vụ trộm là con số rất ít, nó không xảy ra thường xuyên như các địa phương khác”. Hiệncác vụ trộm trên đang được cơ quan công an thụ lý và điều tra vì không nằm trong phạm vi xử lý của sở.
Theo ông Cường, nguyên nhân để xảy ra những vụ đột nhập phòng khách sạn như vậy là do nghiệp vụ của lễ tân yếu kém. “Nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đà Nẵng vẫn là một vấn đề về số lượng và tay nghề; có thể họ có bằng cấp đầy đủ nhưng kinh nghiệm chưa có nhiều. Nếu trúng vào ca trực của nhân viên nào còn non tay nghề thì có thể xảy ra mất cắp”.
Cho rằng việc mất cắp trong các cơ sở lưu trú không quy định trong hoạt động kiểm soát của ngành du lịch, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nói không có chế tài nào để xử lý các cơ sở này. “Chúng tôi khuyến cáo các cơ sở lưu trú tăng cường lắp đặt hệ thống giám sát an ninh, nâng cao nghiệp vụ cho nguồn nhân lực để đề phòng trộm cắp. Về phía du khách, chúng tôi cũng khuyến cáo nên tuân thủ quy định của các cơ sở lưu trú, để đồ có giá trị trong két sắt khách sạn hoặc gửi tại quầy lễ tân để không xảy ra mất mát”, ông Cường nói.
Theo thống kê, hiện toàn Đà Nẵng có 535 cơ sở lưu trú, trong đó khách sạn từ 3-5 sao khoảng 100 cơ sở. Ông Trần Chí Cường thừa nhận việc xảy ra các vụ trộm trong khách sạn thời gian qua dù con số ít nhưng rất ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố. “Bây giờ thành phố đang phát triển thì nó (trộm cắp)có thể xảy ra, nhưng rồi từng bước bị loại trừ. Sởkhuyến cáo tới các cơ sở lưu trú hạn chế để xảy ra những việc không hay như vậy. Chứ trộm cắp, phải xác định là không tránh khỏi”.
Lê Đình Dũng