Cứ tư duy kiểu “Gắp đồ ăn cho khách”, bao cấp từ suy nghĩ đến hành động thì du lịch thành phố vẫn phát triển, có điều là chim cánh cụt chứ không phải đại bàng. Phải thay đổi, không chỉ để tồn tại mà bứt phá, từ mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp cho đến cả nước.
TP.HCM là trọng điểm du lịch của Việt Nam. Năm 2017, thành phố đón hơn 6,4 triệu khách quốc tế và 24,9 triệu khách nội địa. Lượng khách quốc tế đến thành phố chiếm 49% và nội địa là 29% cả nước. Tỉ lệ này cách đây 20 năm là 70% và 40%.
6,4 triệu khách quốc tế chưa là gì nếu so với các thành phố chung quanh Việt Nam. Theo số liệu của UNWTO – Tổ chức Du lịch Thế giới; năm 2017 Hồng Kông (Trung Quốc) đón 25.700.000, Bangkok (Thái Lan) đón 23,3 triệu, Singapore đón 17,6 triệu, Macau (Trung Quốc) đón 16,3 triệu, Thâm Quyến (Trung Quốc) đón 13 triệu, Kuala Lumpur (Malaysia) đón 12,8 triệu…
Các thành phố này đều có diện tích nhỏ hơn TP.HCM. Singapore bằng 1/3 còn Kuala Lumpur chỉ rộng 243km2. Về dân số, trừ Bangkok và Thâm Quyến tương đương TP.HCM, các thành phố khác đều ít hơn. Riêng Kuala Lumpur chỉ có 1,7 triệu dân. Phnom Penh đón hơn 3 triệu khách nhưng dân số chỉ 1,5 triệu. Vientiane đón gần 3 triệu khách nhưng dân số chỉ hơn 600 ngàn)…
Xét về tài nguyên du lịch, cả tự nhiên và nhân văn; TP.HCM bỏ xa các đối thủ. Từ trước thế chiến thứ 2, TP.HCM từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, thu nhập đầu người xét toàn châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản. TP.HCM cũng sở hữu một dòng sông đẹp, cả địa lý lẫn lịch sử, có thủy lộ nối với miền Tây và đi Campuchia. Có nhiều kiến trúc cổ, mang bản sắc cả phương Tây lẫn phương Đông và bản địa.
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) là công trình kiến trúc tiêu biểu, là chứng nhân lịch sử làm thay đổi địa chính trị của khu vực. Địa đạo Củ Chi, kỳ quan của lòng yêu nước, có một không hai. Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng. TP.HCM là tâm điểm nối kết với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ (nơi xa nhất chưa tới 400km), Campuchia (TP.HCM – Phnom Penh 240km), Nam Trung bộ (TP.HCM – Nha Trang 450km), Tây Nguyên (TP.HCM – Buôn Ma Thuột 350km)…
Lượng khách quốc tế đến TP.HCM có tăng lên gấp ba hiện nay, cũng chưa bằng Bangkok và Hồng Kông. Con số 6,4 triệu quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là xấu hổ. Mới chừng đó, đã rối ren với đủ vấn nạn. Tăng gấp đôi, gấp ba làm sao quản lý? Tất cả đều có thể, thiên hạ làm được, TP.HCM - tại sao không? Chưa kể, gia tài mình giàu có hơn. Chỉ tại quản lý quá kém. Nói thẳng ra, do con người. Con người thế nào, thì kết quả thế đó. Du lịch TP.HCM, thừa sức tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí vươn lên top đầu các thành phố dẫn đầu châu lục, nếu…
Lãnh đạo thành phố phải thật sự quan tâm và quyết chí vươn lên. Bài học Đồng Tháp là minh chứng. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ mọi vướng mắc. Phải thay đổi nhận thức từ lãnh đạo cao nhất. Muốn du lịch tăng tốc mà cứ đổ tại và bị, cứ kêu là không có tiền, nhân lực yếu và thiếu thì đến tết Congo, du lịch thành phố cứ an phận dẫn đầu cả nước.
Cứ tư duy kiểu “Gắp đồ ăn cho khách”, bao cấp từ suy nghĩ đến hành động thì du lịch thành phố vẫn phát triển, có điều là chim cánh cụt chứ không phải đại bàng. Phải thay đổi, không chỉ để tồn tại mà bứt phá, từ mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp cho đến cả nước. Những đầu óc bảo thủ, lạc hậu phải nhường chỗ cho những trái tim nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không chỉ giỏi nói.
Để du lịch thành phố tăng gấp đôi gấp ba trong mấy năm tới, cần phải làm cuộc cách mạng thật sự về hành động. Lấy nụ cười thân thiện làm vũ khí và thái độ niềm nở, lịch sự làm phương tiện đột phá vào tinh thần phục vụ. Chất lượng dịch vụ chưa thể cạnh tranh ngay với các thành phố đối thủ nhưng thái độ và chất lượng dịch vụ kém xa họ thì không thể chấp nhận. Bắt đầu từ các cửa khẩu, từ nhân viên các đơn vị dịch vụ, kinh doanh cho đến cả ngành du lịch rồi lan toản đến toàn dân. Việc này ai cũng có thể làm được và không tốn tiền. Đơn giản tối đa các dịch vụ.
Việc tiếp theo là có kế hoạch và lộ trình cụ thể dứt điểm căn bản các vấn nạn hiện nay về an ninh trật tự xã hội, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, giao thông đô thị, chặt chém và trấn lột du lịch. Mở rộng các dịch vụ theo nhu cầu du khách mà luật pháp không cấm. Đặc biệt là các dịch vụ giải trí, thư giãn, mua sắm, hàng lưu niệm… Từng bước biến TP.HCM thành phức hợp dịch vụ du lịch, là thành phố không ngủ. Có chế độ trách nhiệm người đứng đầu khi có vi phạm và trách nhiệm liên đới khi xảy ra sự cố. Không để các vấn nạn tái phạm, rồi cứ đổ tại và bị.
Huy động sức dân vào việc sáng tạo các loại hình mới. Từ du lịch đường sông, sông hoa (thay cho đường hoa), các chợ đêm, các trung tâm mua sắm, dịch vụ. Cho đến việc nối kết chương trình tour với các tỉnh miền Tây, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Campuchia. Đa dạng hóa cả loại hình lưu trú, nhất là mô hình “Homestay made in Việt Nam” cho tới du lịch trò chơi cảm giác mạnh, du lich sinh thái rừng, du lịch trải nghiệm ẩm thực - nông nghiệp - làng nghề… Thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của thành phố tại các trọng điểm quốc tế, trước mắt là Siem Reap, Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)… để tiếp thị và đón khách vào thành phố.
Quy hoạch du lịch thành phố theo thực tiễn tam giác trọng điểm với Khu trung tâm gồm quận 1 - 3 - 5; Khu văn hóa lịch sử với Củ Chi và vùng phụ cận; Khu sinh thái rừng với Cần Giờ. Khu trung tâm là thành phố không ngủ với các phức hợp dịch vụ liên hoàn. Củ Chi có khách sạn Địa Đạo, độc nhất vô nhị, với các chợ phiên, làng kháng chiến, đánh trận giả, tái hiện các trận đánh và trải nghiệm các làng nghề nông nghiệp. Cần Giờ là trung tâm trò chơi cảm giác mạnh với các dịch vụ team buiding, outdoor training, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong rừng rậm…
Mọi việc không dễ dàng nhưng đều có thể. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà thiết thực và hiệu quả là Nụ cười Sài Gòn. Khi người dân đồng thuận, “trên dưới một lòng” thì không gì là không thể.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng