Bộ Tài chính đề xuất nếu không vận chuyển phế liệu/chất thải nguy hại ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hãng tàu có thể sẽ bị dừng cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam.

Dừng cấp phép cho hãng tàu không vận chuyển phế liệu nguy hại ra khỏi Việt Nam

08/04/2019, 20:03

Bộ Tài chính đề xuất nếu không vận chuyển phế liệu/chất thải nguy hại ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hãng tàu có thể sẽ bị dừng cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam.

Tính đến ngày 15.2, có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển thuộc Cục Hải quan các tỉnh, TP - Ảnh: Internet

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất phương án xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.

Theo đó, Bộ đề xuất 2 phương án xử lý sau khi đã kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo các loại: chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu tồn đọng...

Phương án 1, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan lập danh sách các hãng tàu để làm cơ sở kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam.

Quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo, nếu hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Phương án 2, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Tuy nhiên, với phương án này, khó khăn nằm ở chỗ chi phí tiêu hủy lớn, doanh nghiệp sẽ không đăng ký tham gia đấu giá để thu mua các loại hàng hóa này. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất nghiêng về phương án 1.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15.2.2019 có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Trong đó có 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày.

Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất là ở Bà Rịa-Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TP.HCM với lần lượt 6.082 container và 4.689 container.

Với 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, TP thông báo tìm chủ hàng. Nhưng đến nay, chỉ 955 container có người đến nhận hoặc xác định được chủ hàng, chiếm tỷ lệ chưa đến 10%.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dừng cấp phép cho hãng tàu không vận chuyển phế liệu nguy hại ra khỏi Việt Nam