Tuần thứ ba của tháng thứ hai năm mới 2016 không phải là một khoảng thời gian êm đềm với nền kinh tế Việt Nam. Việc Việt Nam quay trở lại xuất siêu trong tháng 1.2016 là chưa đủ để khỏa lấp hai câu chuyện liên tiếp đáng suy ngẫm diễn ra trong ngành thép Việt Nam và mới đây nhất là chuyện nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Dung Quất có nguy cơ đóng cửa và câu chuyện thuế phí ở Việt Nam

Một Thế Giới | 25/02/2016, 10:38

Tuần thứ ba của tháng thứ hai năm mới 2016 không phải là một khoảng thời gian êm đềm với nền kinh tế Việt Nam. Việc Việt Nam quay trở lại xuất siêu trong tháng 1.2016 là chưa đủ để khỏa lấp hai câu chuyện liên tiếp đáng suy ngẫm diễn ra trong ngành thép Việt Nam và mới đây nhất là chuyện nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Điểm chung giữa hai câu chuyện này đều là nó không chỉ có ý nghĩa với riêng từng lĩnh vực là thép và dầu khí, mà nó còn mang những ý nghĩa cốt lõi ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu như câu chuyện bảo hộ của ngành thép trước sự lấn sân của thép Trung Quốc có ý nghĩa báo động về khả năng dựng các rào cản thương mại của Việt Nam vẫn còn quá yếu trong bối cảnh hội nhập toàn diện đã ở rất gần; thì câu chuyện của Dung Quất lại mang một ý nghĩa khác. Đó là câu chuyện nền kinh tế Việt Nam đang tự trói tay khả năng cạnh tranh của chính mình khi mức thuế suất áp lên các doanh nghiệp trong nước vẫn còn quá cao và quá bất hợp lý.
Việc nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do kinh doanh thiếu hiệu quả và ngày càng sụt giảm được các phương tiện truyền thông xem như một vấn đề lớn trong tuần vừa qua. Cụ thể là, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị đang quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đã gửi văn bản lên Chính phủ và Bộ Tài chính để thông báo về tình hình hoạt động và tồn kho lớn của nhà máy này. Theo đó, hoạt động kinh doanh của Dung Quất đã giảm hẳn hiệu quả và dẫn đến tình trạng tồn kho ngày càng gia tăng, chủ yếu là do các đối tác đã giảm lượng xăng dầu mua của Dung Quất để chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do hàng loạt thuế đánh vào xăng dầu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2016. Cụ thể, từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước ASEAN đã giảm từ 20% xuống còn 10%, đồng thời thuế nhập khẩu diesel cũng giảm về 0% theo lộ trình định sẵn. Chưa kể, xăng nhập từ Hàn Quốc cũng có mức thuế suất được đưa về chỉ còn 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc. Trong khi đó, sản phẩm xăng dầu của Dung Quất bán ra thị trường nội địa lại đang phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung lên tới 20%.
Điều này có nghĩa là, xăng dầu Dung Quất sản xuất và bán cho thị trường trong nước lại đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc. Nên không khó hiểu khi các đối tác truyền thống trong nước của Dung Quất như Petrolimex lại giảm hẳn lượng xăng dầu mua từ nhà máy lọc dầu này, từ mức 120.000 m3/tháng xuống còn 80.000 m3/tháng, để chuyển sang mua các loại xăng dầu nhập khẩu có giá thành rẻ hơn do mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn. Vì thế, văn bản kêu cứu của Dung Quất gửi lên Bộ Tài chính và Chính phủ trên thực tế mang ý nghĩa cầu cứu, với đề xuất xin được giảm mức thuế suất có phần vô lý mà đơn vị này đang phải gánh chịu khiến cho hiệu quả kinh doanh bị giảm sút nặng nề. Dù ngay lập tức Bộ Tài chính đã điều chỉnh lại mức thuế suất hợp lý cho Dung Quất bằng thuế suất áp dụng cho các nước ASEAN và Hàn Quốc để giải quyết sự nghịch lý trên thì câu chuyện thuế suất của Dung Quất cũng có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Trước hết là vấn đề điều chỉnh mức thuế suất cho thị trường của các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn còn khá chậm chạp và chưa thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Dung Quất cầu cứu Bộ Tài chính và Chính phủ về mức thuế suất bất hợp lý, và đây cũng không phải là lần đầu tiên thị trường xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam giảm thuế cho xăng dầu nhập khẩu từ bên ngoài. Cụ thể là vào đầu năm 2015, thuế nhập khẩu xăng ở mức 35% đã được Bộ Tài chính điều chỉnh xuống còn 20% theo lộ trình giảm dần mức thuế suất cho các thị trường được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Cũng vào đầu năm 2015 thì thuế nhập khẩu dầu diesel cũng được giảm từ 30% xuống còn 5%. Và theo lộ trình thì mức thuế nhập khẩu xăng và diesel sẽ giảm xuống chỉ còn 10% và 0% vào đầu năm 2016.
Và ngay từ lần giảm thuế nhập khẩu xăng và diesel đầu tiên vào đầu năm 2015, Dung Quất đã xin giảm mức điều tiết thuế nhập khẩu của mình ngang bằng với mức áp dụng cho các nước ASEAN để tránh sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Và lẽ ra, khi lần giảm thứ hai cho thuế nhập khẩu xăng và diesel vào đầu năm 2016 theo lộ trình diễn ra, thì Bộ Tài chính cần linh hoạt hạ mức điều tiết thuế nhập khẩu của Dung Quất cho ngang bằng với mức áp dụng cho các nước ASEAN và Hàn Quốc để thuận tiện cho quá trình kinh doanh. Nhưng, phải đến khi Dung Quất rơi vào tình trạng sa sút hoạt động do chênh lệch quá cao về thuế suất và phải có văn bản cầu cứu, thì Bộ Tài chính mới vào cuộc.
Trên thực tế, câu chuyện về mức thuế suất thiếu hợp lý trong trường hợp của Dung Quất cũng đang là tình trạng chung mà hầu hết các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp phải. Chủ yếu là do mức thuế suất và các loại chi phí mà các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh đang quá bất hợp lý so với các doanh nghiệp nước ngoài, và khiến cho năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn ở ngay tại thị trường trong nước.
Theo báo cáo của Viện kinh tế Việt Nam, các DN và người tiêu dùng Việt Nam đang phải gánh một mức thuế phí cao hơn nhiều so với mức trung bình trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ thuế phí/GDP của Việt Nam cao gấp 1,4-3 lần so với các nước trong khu vực. Trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ thuế và phí của Việt Nam là 21,6% GDP, trong khi của Trung Quốc là 17,3%, của Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1%, Ấn Độ là 7,8%. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ở thời điểm hiện tại các DN Việt Nam phải đóng tới 40,6% lợi nhuận cho các loại thuế phí.
Việc phải gánh quá nhiều các loại thuế phí với mức cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực đang khiến sức cạnh tranh của các DN Việt Nam ngày càng thua kém so với các DN nước ngoài, thậm chí là ở ngay thị trường nội địa chứ chưa nói gì đến tại thị trường nước ngoài. Trường hợp của nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm hiệu quả kinh doanh do thuế suất bất hợp lý dẫu sao cũng là quá rõ ràng khi mức thuế suất đánh thẳng vào hiệu quả kinh doanh, và Dung Quất vẫn được xem là một doanh nghiệp con cưng của Bộ Tài chính và Chính phủ, nên ngay lập tức được giải quyết vấn đề thuế suất bất hợp lý. Nó khác với hàng trăm ngàn DN Việt Nam hiện nay vẫn đang phải chịu một mức lãi suất vay vốn quá cao, thường là trên 10%, đồng thời gánh nặng thuế phí đến 40% lợi nhuận và vẫn chưa được tháo gỡ để tăng cường sức cạnh tranh.
Xét về yếu tố thị trường thì sự bất hợp lý của mức thuế suất mà Dung Quất gặp phải, làm giảm sút kinh doanh của nhà máy này sẽ chỉ khiến cho xăng dầu ngoại tràn vào và đè bẹp xăng dầu nội địa ngay trên thị trường nội địa Việt Nam mà thôi. Còn khi mà gánh nặng thuế suất và thuế phí vẫn đang đè nặng lên hầu hết các DN Việt Nam trong mọi lĩnh vực, thì sẽ dẫn đến tình trạng hàng nhập khẩu nước ngoài sẽ tràn vào thị trường trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ có một mình xăng dầu như trường hợp của Dung Quất.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Kinhtevadubao)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dung Quất có nguy cơ đóng cửa và câu chuyện thuế phí ở Việt Nam