Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, cho biết công ty ô tô điện này đã tăng lương cho các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) khi phải đối mặt với cuộc chiến giành nhân tài, đặc biệt là từ OpenAI.
Thế giới số

Elon Musk: Tesla tăng lương cho kỹ sư AI vì cảnh giác với OpenAI, cuộc chiến giành nhân tài AI thật điên rồ

Sơn Vân 04/04/2024 14:24

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, cho biết công ty ô tô điện này đã tăng lương cho các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) khi phải đối mặt với cuộc chiến giành nhân tài, đặc biệt là từ OpenAI.

“Tesla đang tăng mức lương (dựa trên các cột mốc thành tích) cho đội ngũ kỹ sư AI của chúng tôi”, Elon Musk viết trên mạng xã hội X.

Ông cho biết: “OpenAI tích cực tuyển dụng các kỹ sư Tesla với mức lương thưởng lớn và thật không may đã thành công trong một số trường hợp”.

Elon Musk trả lời một bài viết của trang The Information về việc Ethan Knight (nhà khoa học AI của Tesla) rời hãng ô tô điện để gia nhập công ty khởi nghiệp xAI của ông. "Ethan định gia nhập OpenAI, vì vậy chỉ có thể là xAI hoặc họ", tỷ phú công nghệ viết.

Elon Musk là đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 nhưng rời hội đồng quản trị công ty hồi năm 2018 do bất đồng quản điểm với các lãnh đạo khác. Hiện tại, ông đang thực hiện chiến lược đa hướng với AI, phát triển công nghệ này cả bên trong Tesla (AI đang được sử dụng để phát triển các tính năng tự lái) và cả xAI.

Ông viết trên X: “Có hơn 200 kỹ sư xuất sắc trong nhóm AI/Autonomy (tự động hóa) của Tesla. Tốc độ tiến bộ trong lĩnh vực tự lái của Tesla đang tăng tốc. Cuộc chiến nhân tài AI là cuộc chiến nhân tài điên rồ nhất mà tôi từng thấy!”.

elon-musk-tesla-tang-luong-cho-ky-su-ai-vi-canh-giac-voi-openai-cuoc-chien-gianh-nhan-tai-ai-that-dien-ro.jpg
Elon Musk cho biết OpenAI đã giành được một số nhân tài AI từ Tesla - Ảnh: Internet

Cuộc tìm kiếm nhân tài AI đang trở nên nóng hơn khi các lãnh đạo Meta Platforms, Google tự viết email tuyển dụng hoặc trực tiếp gọi điện lôi kéo người giỏi.

Theo trang The Information, Mark Zuckerberg đã soạn email mời từng người có chuyên môn AI về làm cho Meta Platforms (công ty mẹ Facebook). Ông đã gửi thư tới các nhà nghiên cứu AI của Google DeepMind, nêu tầm quan trọng của AI với Meta Platforms và hy vọng họ sẽ gia nhập công ty mạng xã hội này.

Các nguồn tin cho biết Meta Platforms sẵn sàng đưa chuyên gia AI vào làm việc lập tức, không cần thông qua bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Năm ngoái, khi sa thải hơn 20.000 nhân viên, Meta Platforms đã thắt chặt chi tiêu nhưng nhân sự AI vẫn được ưu đãi về lương thưởng.

Google cũng đang tích cực tìm kiếm nhân viên trong lĩnh vực AI và hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google, đã gọi điện cho một nhân viên đang cân nhắc rời đi để gia nhập OpenAI, thuyết phục người này ở lại, hứa hẹn về vị trí và mức thu nhập mới.

So với cách làm trước đây là thâu tóm công ty nhỏ, các hãng công nghệ lớn đang có xu hướng lôi kéo nhân tài và "bỏ lại các startup phía sau".

Hôm 19.3, Microsoft khiến giới công nghệ bất ngờ khi tuyên bố tuyển dụng hầu hết trong số 70 nhân viên của Inflection AI, gồm cả hai nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman và Karen Simonyan.

Mustafa Suleyman (nhà đồng sáng lập DeepMind vài năm 2014) sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo bộ phận AI tiêu dùng của Microsoft, quản lý chatbot Copilot, công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge.

Karen Simonyan và Reid Hoffman (thành viên hội đồng quản trị Microsoft) sẽ tham gia Microsoft AI với vai trò trưởng nhóm khoa học.

Inflection AI đã nổi lên như một trong những cái tên thành công nhất trong cuộc đua AI tạo sinh sau khi huy động được 1,3 tỉ USD từ Microsoft và Nvidia, với định giá 4 tỉ USD vào tháng 6.2023.

Mustafa Suleyman là nhân tài đáng giá, có tiếng nói trong ngành nhưng cũng gây tranh cãi. Năm 2019, Mustafa Suleyman rời DeepMind sau khi hứng chịu cáo buộc bắt nạt và quấy rối.

Ông bày tỏ vui mừng khi đầu quân cho Microsoft, khẳng định tầm nhìn đem đến một mô hình AI cá nhân đáng tin cậy, giúp người dùng làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Mustafa Suleyman chuyên về phát triển sản phẩm và chính sách hơn là nghiên cứu.

Với Karen Simonyan, Microsoft đã có được một trong những nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới. Từng giữ vị trí trưởng nhóm khoa học tại DeepMind, ông đi tiên phong bằng mô hình AlphaZero. Sau này tại Inflection AI, Karen Simonyan cũng xây dựng nên đội ngũ nghiên cứu ấn tượng.

Theo Reuters, Microsoft đã đồng ý trả khoảng 650 USD tiền mặt cho Inflection AI trong một thỏa thuận bất thường, cho phép họ sử dụng các mô hình AI và thuê hầu hết nhân viên của công ty khởi nghiệp này, gồm cả các nhà sáng lập, .

Các mô hình AI của Inflection AI sẽ có sẵn trên dịch vụ đám mây Microsoft Azure, gồm cả Inflection-2.5.

Việc các hãng công nghệ lớn chạy đua lôi kéo nhân viên AI khiến các công ty nhỏ hơn gặp khó, đặc biệt là thách thức về mức lương trong tuyển dụng.

"Tài năng AI được trả lương cao nhất trong thị trường việc làm hiện nay. Nhìn chung, các công ty lớn và lâu đời có xu hướng đưa ra số tiền lớn để chiêu mộ họ", theo Alex Libre, nhà đồng sáng lập công ty tuyển dụng Einstellen Talent.

OpenAI, DeepMind và Anthropic sẵn sàng đáp ứng thu nhập 7 con số từ ứng viên. Nhiều kỹ sư AI cao cấp có thể kiếm 10 triệu USD mỗi năm. "Đó là tin xấu đối với doanh nghiệp nhỏ, sức mạnh tài chính yếu", Alex Libre nói.

"Đang có một cuộc chiến lớn để giành nhân tài AI", Jordan Jacobs, lãnh đạo công ty đầu tư Radical Ventures, nhận xét.

Dù vậy, không phải ai cũng muốn đầu quân cho hãng công nghệ lớn Mỹ như Amazon, Apple, Google, Meta Platforms, Microsoft. Đơn vị nghiên cứu Zeki (chuyên theo dõi 140.000 nhà khoa học và kỹ sư AI hàng đầu tại 20.000 doanh nghiệp thuộc hơn 90 quốc gia) nhận thấy mong muốn làm việc bên ngoài nước Mỹ ngày càng tăng.

UAE, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc cùng vài nước Bắc Âu đẩy mạnh “nhập khẩu” nhà khoa học AI. Trong đó, hãng Siemens (Đức), Samsung (Hàn Quốc), ASML (Hà Lan) chiêu mộ thành công lượng lớn kỹ sư AI nổi tiếng.

Elon Musk công bố mã nguồn chatbot Grok của xAI sau khi kiện OpenAI

Giữa tháng 3, Elon Musk cho biết xAI sẽ công bố mã nguồn chatbot Grok, không lâu sau khi ông kiện OpenAI cuối tháng 2 với cáo buộc từ bỏ sứ mệnh ban đầu để chuyển sang mô hình vì lợi nhuận.

Đáp lại, OpenAI đã công khai các email cho thấy Elon Musk ký vào quyết định để công ty này trở thành doanh nghiệp vì lợi nhuận và muốn nó sáp nhập với Tesla.

xAI đã định vị Grok như một giải pháp thay thế sắc sảo hơn cho ChatGPT của OpenAI và các dịch vụ AI khác. Công ty khởi nghiệp này từng thông báo Grok sẽ “trả lời những câu hỏi hóc búa mà hầu hết hệ thống AI khác từ chối”. Grok được đào tạo bằng cách sử dụng dữ liệu do X thu thập, điều này sẽ khiến chatbot của xAI trở nên cập nhật hơn với thông tin mới.

Động thái của Elon Musk có thể cung cấp cho công chúng quyền truy cập miễn phí để thử nghiệm mã đằng sau công nghệ và đưa xAI vào hàng ngũ các công ty như Meta Platforms và Mistral AI, cả hai đều có mô hình AI nguồn mở.

Các nhà đầu tư công nghệ, gồm cả Vinod Khosla (rót tiền vào OpenAI lúc đầu) và Marc Andreessen (đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz), đã tranh luận về nguồn mở trong AI kể từ khi Elon Musk đệ đơn kiện OpenAI.

Trong khi công nghệ nguồn mở có thể giúp tăng tốc độ đổi mới, một số chuyên gia đã cảnh báo rằng các mô hình AI nguồn mở có thể bị bọn khủng bố sử dụng để tạo ra vũ khí hóa học hoặc thậm chí phát triển AI siêu trí tuệ có ý thức ngoài tầm kiểm soát của con người.

Năm ngoái, Elon Musk nói tại Hội nghị thượng đỉnh an toàn AI ở Anh rằng ông muốn tạo ra “trọng tài bên thứ ba” có thể giám sát các công ty phát triển AI và đưa ra cảnh báo nếu có sự lo ngại.

Muốn cạnh tranh với OpenAI và Google, Elon Musk đã ra mắt xAI vào tháng 7.2023 để tạo ra thứ mà ông gọi là “AI tìm kiếm sự thật tối đa”. Tháng 12.2023, công ty khởi nghiệp này đã triển khai Grok dành cho những người đăng ký dịch vụ Premium+ trên X.

Trong một tập podcast với nhà khoa học máy tính Lex Fridman, Elon Musk gợi ý rằng ông ủng hộ khái niệm AI nguồn mở.

Ông chủ X nói: “Từ open trong OpenAI, mang ý nghĩa mã nguồn mở. Nó đã được tạo ra như một tổ chức phi lợi nhuận mã nguồn mở. Bây giờ, nó là mã nguồn đóng để kiếm lợi nhuận tối đa”.

Hôm 6.3, Elon Musk cho biết sẽ rút đơn kiện OpenAI nếu công ty này đồng ý đổi tên thành ClosedAI.

"Đổi tên của thành ClosedAI và tôi sẽ hủy vụ kiện", Elon Musk phản hồi một nội dung do OpenAI đăng trên X.

Bài liên quan
Bài học kinh doanh đau đớn của Apple và Tesla ở Trung Quốc
Đã từng có thời các giám đốc điều hành Mỹ coi Trung Quốc là vùng đất đầy cơ hội. Thời kỳ đó có thể đã qua đi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Elon Musk: Tesla tăng lương cho kỹ sư AI vì cảnh giác với OpenAI, cuộc chiến giành nhân tài AI thật điên rồ