Từ ngày 1.6, quảng cáo Facebook tại Việt Nam sẽ phải chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Meta - Công ty mẹ Facebook vừa cho biết, từ ngày 1.6, quảng cáo Facebook tại Việt Nam sẽ phải chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT). Điều này sẽ ảnh hưởng đến những nhà quảng cáo đặt Việt Nam là quốc gia mục tiêu trên địa chỉ doanh nghiệp hoặc địa chỉ cá nhân.
Việc cộng thêm 5% thuế sẽ được áp dụng cho mọi quảng cáo của nền tảng, hướng tới khách hàng tại Việt Nam, không phân biệt nhà quảng cáo doanh nghiệp hoặc cá nhân.
"Công ty không yêu cầu thêm mã số thuế vào phần cài đặt thanh toán. Tuy nhiên, các nhà quảng cáo nên thực hiện để nhận đầy đủ hóa đơn từ Facebook. Khi đó, họ sẽ có thể thực hiện yêu cầu hoàn thuế với cơ quan thuế", đại diện Facebook Việt Nam cho hay.
Theo Facebook, việc thu thuế VAT sẽ được áp dụng theo hai cách. Với tùy chọn thanh toán tự động, khoản thuế 5% sẽ được tính trước khi quảng cáo thực hiện. Do đó, người dùng sẽ phải trả thêm tiền cho một kế hoạch quảng cáo trên nền tảng. Nếu nhà quảng cáo chọn thanh toán thủ công, khoản VAT được tính dựa trên tỷ giá thực tế, phụ thuộc vào số dư trong tài khoản quảng cáo, Facebook cho biết.
Được biết, trước khi phải nộp thuế VAT, Facebook đã thu phí chuyển đổi ngoại tệ 1-3% với các giao dịch bằng VNĐ.
Trước đó, công ty mẹ của Facebook đã khẳng định sẽ đăng ký, kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài ở Việt Nam. Cụ thể, Meta đã có cuộc gặp và trao đổi với Tổng cục Thuế vào tháng 4.2022 vừa qua để làm rõ việc triển khai Thông tư 80 (về cơ chế đăng ký, kê khai và nộp thuế cho các nhà thầu nước ngoài) tại Việt Nam.
Meta cam kết sẽ đăng ký, kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định của Thông tư. Đơn vị này cũng sẽ làm việc và cung cấp những thông tin cần thiết tới các nhà quảng cáo và khách hàng của mình để đảm bảo thực hiện việc kê khai và nộp thuế theo quy định một cách suôn sẻ.
Trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc thu thuế bán hàng trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngành thuế đã thu gần 5.000 tỉ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Ví dụ, các doanh nghiệp như Facebook là 1.694 tỉ đồng, Google là 1.618 tỉ đồng, Microsoft 576 tỉ đồng và thương mại xuyên biên giới 1.317 tỉ đồng...