Đằng sau kỳ vọng kinh tế, vấn đề quản lý chất thải đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết bởi hầu hết các khu công nghiệp ven biển đều “có vấn đề” về môi trường.

Formosa và những lỗ hổng pháp lý

Trí Lâm | 05/07/2016, 04:53

Đằng sau kỳ vọng kinh tế, vấn đề quản lý chất thải đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết bởi hầu hết các khu công nghiệp ven biển đều “có vấn đề” về môi trường.

Cần phải xây hồ lắng

Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, kinh tế biển trên cả nước đóng góp từ 53%-55% GDP quốc gia và 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam, trong đó có các khu kinh tế ven biển. Tuy nhiên, đằng sau kỳ vọng kinh tế, vấn đề quản lý chất thải đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết bởi hầu hết các khu kinh tế - công nghiệp ven biển đều “có vấn đề” về môi trường.

Sau sự cố xả thải làmcá chết hàng loại, hủy hoại hệ sinh thái biển suốt hàng trăm kilomet biển miền Trung của nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc cần rà soát và thắt chặt quản lý vấn đề xả thải tại các khu kinh tế-công nghiệp ven biển.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi –Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển cho biết, nhiều khu kinh tế - công nghiệp ven biển vẫn chưa đề cao ý thức bảo vệ môi trường và xả thải có hàm lượng độc tố vượt tiêu chuẩn ra biển.

Theo ông Hồi, những dự án trong các khu kinh tế lớn ven biển, như Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Dung Quất (Quảng Ngãi),Chu Lai (Quảng Nam), Nghi Sơn (Thanh Hóa) cần phải có sự đánh giá và kiểm tra kỹ lưỡng về các tác động môi trường, tránh để đến khi ô nhiễm rồi mới vào cuộc khắc phục thì cũng đã muộn. Được biết, hiện nay, Khu kinh tế Nghi Sơn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó để đầu tư vào hạng mục này cần nguồn vốn lớn, theo ước tính khoảng 102 triệu USD.

Nói về bài học Formosa, theo ông Hồi, quy định của pháp luật không cho phép chôn ống xả thải ngầm ra biển, phải đi nổi trên bề mặt. Các dự án sau này cần phải tuân thủ điều này. Hơn nữa, trước khi thải ra biển cũng cần phải qua một ‘hồ lắng’ để các cơ quan quản lý môi trường có thể kiểm soát được chất lượngthải.

“Hồ này phải được xây dựng nằm ngoài khu vực doanh nghiệp, để cơ quan chức năng có thể chủ động và thường xuyên giám sát và kiểm tra chất lượng nước thải. Nếu hồ lắng đặt bên trong khu công nghiệp thì việc kiểm tra thường xuyên sẽ bị hạn chế, phiền hà” – ông Hồi cho biết.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi –Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam

Ông Hồi cho biết, trong các hệ thống quan trắc chất thải hiện nay còn có lỗ hổng. Hệ thống quan trắc biển có 22 thông số, nhưng những thông số liên quan đến ô nhiễm thì chỉ có 6 thông số, tập trung vào một số kim loại nặng và thuốc trừ sâu. Hệ thống quan trắc đó chủ yếu chỉ quan trắc môi trường nền, chưa phải hệ thống quan trắc tác động. Tất nhiên môi trường nền cũng có tác dụng cảnh báo, nhưng hệ thống đó không phản ánh đúng các nguồn thải đặc thù, nên cần rà soát trong thời gian tới.

Đồng thời, theo ông Hồi, để hạn chế ô nhiễm cần thiết phải lưu ý đến giai đoạn ‘sàng lọc đầu tư’ với các chế tài và quy trình giám sát chặt chẽ. Nếu xem xét thấy dự án nào "có vấn đề"thì cần thẳng thừng từ chối. Các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trong việc này, vì khi sàng lọc đầu tư không chỉ có vấn đề môi trường mà còn cả khía cạnh an ninh quốc gia nữa.

Lỗ hồng trong giám sát

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, về mặt quy chuẩn, theo Quy chuẩn quốc gia truyền thống thì có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở mức chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát.

“Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số”- Bộ trưởng Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, trong lượng nước thải ra, bao gồm cả nước thải từ Cảng, dầu mỡ... thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng. Ở đây có một mặt hạn chế về Quy chuẩn 52, mặt khác là cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của FHS. Đây là một vấn đề.

Vấn đề thứ hai, về việc giám sát, trên thực tế giai đoạn vận hành, nguồn ta giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc. Nguồn đó bao gồm: cyanua, phenol và các kim loại nặng và nguồn này cần có hệ thống giám sát đạt tiêu chuẩn của Quy chuẩn 52 trước khi thải vào hệ thống chung.

Tuy nhiên, trên thực tế mới trên giai đoạn thử nên ở khâu vận hành, chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến.

“Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Nguồn từ các trạm xử lý nước thải sinh hóa phải đáp ứng Quy chuẩn 52 thì mới được đưa vào nguồn nước thải chung” – ông Hà nhấn mạnh.

Hơn nữa, về hệ thống giám sát tự động, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được.

“Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm” – Bộ trưởng Hà cho hay.

Mới đây, khi thăm Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các nhà máy chỉ được vận hành sau khi đã hoàn thiện các công trình xử lý chất thải (rác thải, nước thải, khí thải). Chất thải sau khi xử lý phải được kiểm tra, đảm bảo các yêu cầu môi trường, đáp ứng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế trước khi xả ra môi trường

“Từ bài học của Formosa, phải luôn cảnh giác, luôn có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong từng nhà máy, tuỳ theo mức độ xả thải, phải có hệ thống xử lý nước thải phù hợp. Trong từng KCN, phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc việc giám sát môi trường, xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất có xả thải ra môi trường theo đúng các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, phải nghiệm thu kết quả xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Formosa và những lỗ hổng pháp lý