Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết trong chỉ thị 17 không chỉ rõ nhưng Sở đã đề xuất thành phố cấm lực lượng shipper hoạt động, nhằm bảo đảm phòng chống dịch trong thời gian thực hiện chỉ thị.
Ngày 24.7, Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, về tình hình tổ chức lại giao thông trên địa bàn đã xác định 3 đối tượng được ưu tiên đi lại, đó là: Xe tải chở hàng hóa đảm bảo nguồn cung hàng hóa đi qua thành phố trên luồng xanh Quốc gia; xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ công trình, cơ sở sản xuất của Hà Nội; xe chở người và phương tiện phục vụ các phục vụ công tác chống dịch… và các phương tiện vận tải hành khách khác được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Thành phố cũng thực hiện việc cấp giấy phép mã QR trên luồng xanh Quốc gia được đẩy nhanh, thực hiện trên mạng và hướng dẫn các phương tiện dán mã trên xe; với phương tiện có hàng hóa dễ hỏng được cấp thêm mã hàng hóa dễ hỏng.
Ngoài ra, để thực hiện thêm các chốt theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND Thành phố, sẽ có 30 chốt của Công an Thành phố và các lực lượng liên ngành và 26 chốt trực của quận, huyện, thị xã. Hiện các chốt có hiện tượng ùn tắc giao thông đang được tổ chức lại thành nhiều lớp, tránh ùn tắc, vừa bảo đảm kiểm soát chặt 100% phương tiện ra vào Thành phố.
Liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng shipper, ông Vũ Văn Viện cho biết, trong chỉ thị 17/CT-UBND không chỉ rõ nhưng Sở đã đề xuất Thành phố thống nhất cấm lực lượng shipper hoạt động nhằm bảo đảm phòng chống dịch trong thời gian thực hiện chỉ thị. Ngay sau cuộc họp, Sở sẽ có văn bản chính thức gửi tới các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối, bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần chỉ thị 17.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với việc bảo đảm hàng hóa, Sở Công Thương đã được giao triển khai từ đầu năm 2020, hiện đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỉ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu.
Hiện nay, nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo Thành phố, lượng dự trữ đang tăng từ 30%-50% được bố trí trong kho hàng tại nội đô và một số tỉnh lân cận.
Từ khi có Công điện 15 của Hà Nội, các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hằng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng online.
Theo bà Phương Lan, vào sáng nay lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15%-30%, tuy nhiên hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường; tại các chợ dân sinh, nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.
Hà Nội cũng đang triển khai phương án để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt lưu thông hàng hóa. Thành phố đã có chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt nhất cho người dân.
Tại cuộc họp, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết TP. Hà Nội đã tham khảo ý kiến cơ quan Trung ương, đánh giá thực tiễn của Thủ đô để quyết định ban hành Chỉ thị số 17 để Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ 6 giờ sáng 24.7.
Việc ban hành Chỉ thị căn cứ vào diễn biến thực tế trên địa bàn Hà Nội, từ 27.4 đến nay có 675 ca mắc bệnh, có tới 275 ca cộng đồng, nhiều ca F0 ko có dấu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cao nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Hà Nội nếu không bảo đảm được công tác chống dịch sẽ có tác động lớn đến cả nước".
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ dịch đã được Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị.
Khẳng định người dân yên tâm vào công tác chống dịch của Hà Nôi, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nêu từ kinh nghiệm của năm 2020 và một số địa phương, Hà Nội đã rất chủ động trong chuẩn bị các nguồn hàng. Đồng thời đã có kế hoạch cho lưu thông, phân phối các nguồn hàng, có kế hoạch kiểm tra, giám sát bảo đảm cung cấp hàng hóa không có chuyện tăng giá.
"Hàng hóa bảo đảm cung cấp cho người dân không chỉ trong các ngày thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND mà còn đủ cung cấp trong thời gian dài tiếp theo", ông Nguyễn Văn Phong cho biết.
Về công tác vận tải, phân luồng giao thông, Hà Nội đã cùng Bộ Giao thông vận tải thống nhất thường xuyên có sự điều chỉnh cho phù hợp tình hình ở từng địa điểm ở từng thời điểm, quan điểm chung là lưu thông hàng hóa, bảo đảm không ách tắc không chỉ Hà Nội mà còn các tỉnh thành phía Bắc.
Khi thực hiện giãn cách sẽ có tác động người dân, nhóm yếu thế, thành phố đã có kế hoạch cụ thể để bảo đảm người dân có nhu cầu tối thiểu được đáp ứng. Từng xã, phường, thôn đã có phương án cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, căn cứ tình hình thực tiễn để có chính sách riêng hỗ trợ ngoài chính sách của Trung ương.
"Trên tinh thần chống dịch như chống giặc, lấy sức khỏe, tính mạng, sự an toàn của người dân là mục tiêu số một, Thành phố mong muốn người dân sự nghiêm túc, chấp hành các nội dung trong Chỉ thị 17/CT-UBND đã ban hành", Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị.