Giáp Tết, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng khi giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều nơi chỉ còn khoảng 25.000 đến 30.000/kg và có thể vẫn tiếp tục xuống giá. Nguyên nhân được cho là cung vượt quá cầu, cộng với việc Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập lợn Việt Nam qua các đường tiểu ngạch.

Giá lợn hơi giảm mạnh trước Tết, nông dân điêu đứng

Trí Lâm | 15/01/2017, 15:26

Giáp Tết, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng khi giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều nơi chỉ còn khoảng 25.000 đến 30.000/kg và có thể vẫn tiếp tục xuống giá. Nguyên nhân được cho là cung vượt quá cầu, cộng với việc Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập lợn Việt Nam qua các đường tiểu ngạch.

Đây được xem là mức giá thu mua lợn hơi thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Với mức giá này, người chăn nuôi rơi vào tình trạng lỗ nặng, ước tính mỗi ki-lô-gam lợn hơi lỗ khoảng 10.000 đồng.

Trao đổivới báo điện tử Một Thế Giới về tình trạng này, ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, nguyên nhân giá lợn rớt thảm hại do số lượng đàn lợn rất lớn trong khi thị trường đang bị bó hẹp.

“Hiện nay có tới 29,1 triệu con, trong khi năm ngoái con số này chỉ khoảng hơn 27 triệu con. Khi số lượng đàn lợn gia tăng mà phía Trung Quốc lại đang tăng cường kiểm soát việc nhập lợn từ Việt Nam khiến việc tiêu thụ khó khăn hơn, dẫn đến giá giảm mạnh” – ông Trúc nói.

Trong năm qua, giá mua lợn hơi có nhiều biến động. Đầu năm, Trung Quốc tăng nhập khẩu đẩy nhập hàng nên giá lợn hơi tăng mạnh, kéo theo giá thịt lợnnội địa cũng tăng. Khoảng giữa tháng 5, Trung Quốc đột ngột ngừng nhập lợnhơi qua đường tiểu ngạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa, khiến giá lợn hơi tại Việt Nam thường xuyên theo chiều đi xuống, kéo dài cho đến tận thời điểm này.

Hơn nữa, lợi dụng việc này, thương lái cũng bắt đầu ép giá khiến người dân buộc phải bán lợn với mức giá rẻ và chịu lỗ.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, hiện nay người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi theo lối tư duy cũ mà chưa có sự liên kết theo chuỗi bền vững. Người chăn nuôi vẫn rất bị động trong vấn đề thị trường đầu ra.

Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cũng vừa có công văn số 11205/BNN-CN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi lợn.

“Hiện nay giá lợn hơi đang xuống rất thấp, có nơi xuống dưới 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại, gâythiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và thức ăn chăn nuôi hoàn toàn từ bên ngoài” – công văn nêu rõ.

Bộ NN-PTNT nhận định, thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi lợn "quá nóng" đang tạo nên sự mất cân đối cung - cầu, gây hệ lụy không nhỏ đối với lĩnh vực chăn nuôi. Đặc biệt, do suất đầu tư của chăn nuôi lợn rất cao, vòng đời dài (bình quân 20 - 30 triệu đồng/lợn nái ngoại, thời gian khai thác khoảng 3 năm).

Vấn đề này, Bộ đã cảnh báo các địa phương chỉ đạo không tăng quy mô đàn bằng mọi giá ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng cao (trên 50.000 đồng/kg), mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường lợn của Việt Nam.

Nhằm giảm thiểu áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương.

Bộ này cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần chọn hình thức hỗ trợ các chính sách phát triển thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, coi điều kiện để các hộ chăn nuôi được thụ hưởng các chính sách phải tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất; xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bộ NN-PTNT cho rằng, việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái. Cần khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro.

“Đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ, thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ nước ta” – Bộ nhấn mạnh.

Theo Bộ NN-PTNT, thịt lợn hiện nay về cơ bản là tiêu thụ nội địa, thay thế hàng nhập khẩu và từng bước mở rộng xuất khẩu sang các nước, chứ không phụ thuộc một quốc gia nào. Theo đó cần thông tin kịp thời, đầy đủ về giá lợn hơi và giá thịt lợn của thị trường để người chăn nuôi không bị thương lái ép giá.

Đáng nói, dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các chợ vẫn không hề giảm và còn có chiều hướng gia tăng trong những ngày giáp Tết.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá lợn hơi giảm mạnh trước Tết, nông dân điêu đứng