Theo PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong tương tác kinh tế song phương giữa các nước, việc chỉ nhập siêu hoặc xuất siêu là điều rất không thuận lợi cho nền kinh tế.

VN xuất siêu sang Mỹ 29,4 tỉ USD: Đáng mừng nhưng đừng vội vỗ tay

Trí Lâm | 14/01/2017, 06:00

Theo PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong tương tác kinh tế song phương giữa các nước, việc chỉ nhập siêu hoặc xuất siêu là điều rất không thuận lợi cho nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỉ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu hàng Việt nhiều nhất là Mỹ. Hiện nay, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ đạt 29,4 tỉ USD, tăng 14,8% so với năm 2015.

Cụ thể, năm 2016 xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 38,1 tỉ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ đạt 8,7 tỉ USD. Cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ xuất siêu 29,4 tỉ USD. Những sản phẩm chủ lực xuất sang Mỹ gồm dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, mũ, ô dù, thủy sản...

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về thành thích xuất siêu của Việt Nam với thị trường Mỹ trong nhiều năm qua, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ngày càng tăng có nghĩa Việt Nam không khai thác được nhiều hàng từ Mỹ để nhập về. Trong khi đó, ở Mỹ có rất nhiều hàng hóa công nghệ cao, công nghệ nguồn để phục vụ cho sản xuất.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017 Việt Nam xuất siêu khoảng hơn 29 tỉ USD sang Mỹ. Ông nhìn nhận điều này là đáng mừng hay đáng buồn của kinh tế Việt Nam? Vì sao?

PGS.TS Trần Kim Chung:Phải khẳng định có được kết quả xuất siêu vào Mỹ là đáng mừng bởi vì thị trường Mỹ có những tiêu chuẩn rất khắt khe và mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Hàng hóa muốn vào được thị trường này phải đáp ứng được về xuất xứ, chất lượng và cạnh tranh tốt về giá cả.

Việt Nam xuất sang Mỹ được 38,1 tỉ USD nói lên rằng, hàng hóa Việt Nam có khả năng bán được ở thị trường Mỹ. Khi đã bán được ở Mỹ thì có thể bán được ở rất nhiều thị trường khác. Hơn nữa, Việt Nam bán được một số lượng hàng tương đối lớn chứng tỏ hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, xem xét một cách toàn diện trong tầm nhìn dài hạn thì đểxuất siêu sang thị trường Mỹ càng ngày càng nhiều có nghĩa rằng Việt Nam không khai thác được nhiều hàng từ Mỹ để nhập về. Trong khi đó, ở Mỹ có rất nhiều hàng hóa công nghệ cao, công nghệ nguồn để phục vụ cho sản xuất. Qua đó, cần phải xem xét lại năng lực thâm nhập, khai thác hàng hóa từ Mỹ của Việt Nam.

Về mặt nguyên tắc, kinh doanh phải luôn có 2 mặt: một là mang hàng đi bán và mua hàng hóa đem về. Nếu đem hàng đi bán rồi chỉ đem tiền về thì rất lãng phí về cơ hội và cả về nhân tài, vật lực.

Hơn nữa, trong tương tác quan hệ 2 chiều song phương giữa các nước, việc chỉ nhập siêu hoặc xuất siêu là điều rất không thuận lợi cho nền kinh tế. Mặc dù nước ta xuất siêu chưa nhiều vào Mỹ nhưng đến chừng mực nào đó, cứ tăng dần lên qua các năm thì sẽ đến lúc họ phản ứng.

Những quốc gia như Nga, Trung Quốc… khi xuất khẩu vào Mỹđều mua hàng công nghệ cao đem về nước. Trong khi đó, Việt Nam có rất ít mặt hàng công nghệ nhập từ Mỹ, mà chủ yếu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn, chất lượng thấp hơn nhiều. Theo ông, điều này có tác hại như thế nào?

Việc nhập khẩu ít hàng hóa có công nghệ cao, công nghệ nguồn từ Mỹ, lại nhập nhiều hàng hóa có chất lượng công nghệ không cao từ Trung Quốc thì phải xem xét trên nhiều bình diện.

Thứ nhất, trong quan hệ tương tác giữa 2 quốc gia thì bao giờ cũng phải tối đa hóa lợi thế cạnh tranh. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối ở các mặt hàng như nông sản, dệt may, lương thực… thì xuất được vào Mỹ. Tuy nhiên, cùng với quá trình này, Việt Nam phải cố gắng nhập hàng chất lượng cao về, đặc biệt là hàng hóa phục vụ cho sản xuất.

Nếu chúng ta không làm được việc đó thì hệ lụy là công nghệ, đầu vào chất lượng thấp dẫn đến sản phẩm sẽ không cao. Nếu chất lượng hàng hóa không cao thì năng lực cạnh tranh của hàng hóa chu kỳsau cũng thấp, khiến năng lực cạnh tranh của quốc gia giảm.

Thứ hai là việc nhập khẩu hàng hóa cũng tùy thuộc vào năng lực và mong muốn của nhà nhập khẩu. Nếu không có khả năng thanh toán đối với những hàng chất lượng cao thì bắt buộc phải nhập hàng hóa, công nghệ chất lượng không cao. Điều này được quyết định bởi khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Do đó cần có chính sách thúc đẩy sự phát triển, nâng cao tiềm lực, khả năng thanh toán cho các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước.

Một lý do nữa là định hướng tiêu dùng, hành vi tiêu dùng cũng quyết định hành vi của nhà nhập khẩu. Nếu người tiêu dùng chỉ cần dùng hàng hóa rẻ tiền, mau hỏng, chất lượng không cao thì không cần công nghệ hiện đại làm gì. Hàng hóa chất lượng thấp thì buộc phải mua sắm nhiều lần. Điều này làm cho chất lượng cuộc sống không thể cao được và phải thường xuyên mua sắm.

Một quốc gia cũng như một doanh nghiệp, gia đình, một con người cụ thể, nhu cầu từng bước sẽ tăng lên theo thời gian. Đây là quá trình tất yếu. Ai cũng mong muốn dùng hàng chất lượng tốt nhưng khả năng thanh toán chỉ ở mức thấp thì cũng phải chịu.

Cho nên rất cần thiết phải xây dựng thói quen, hành vi tiêu dùng hướng tới những sản phẩm có chất lượng ngày một cao hơn. Phải hình thành tâm lý, nhu cầu cũng như mong muốn tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Các nhà xuất nhập khẩu phải xây dựng định hướng nâng cao chất lượng hàng hóa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tác động đến thi trường nội địa. Nhà nước cũng phải có chính sách định hướng trong những vấn đề này.

Năm 2017, ông có dự đoán gì về việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp sửa nhậm chức?

Đến ngày 20.1.2017, Tổng thống đắc cửDonald Trump chính thức điều hành nước Mỹ, dự đoán sẽ có tác động đến 2 vấn đề trước mắt có liên quan đến Việt Nam.

Đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam – Mỹ. Hiện tại thì cũng chưa thể nói chắc chắnviệc có ảnh hưởng hay không bởi vì TPP đang rất khó khăn, số phận hiệp định này vẫn đang để ngỏ. Một số người lạc quan thì cho rằng TPP vẫn không mất hẳn, chỉ là chậm lại, hoặc đàm phán lại. Nhưng những người bi quan thì cho rằng TPP khó có thể được thông qua. Bên cạnh đó, một số ứng xử của chính quyền mới đối với các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Mỹ có những thay đổi cũng tạo nên tâm lý lo ngại. Tuy nhiên, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ chưa lớn, các nhà đầu tư Mỹ hiện diện ở Việt Nam cũng chưa nhiều.

FTA Việt Nam – Mỹ cũng không có gì đáng lo ngại lắm nênchúng ta có thể tạm yên tâm ở những điều này. Cái đáng lo ngại là hàng rào thuế quan. Nếu phía Mỹ nâng cao điều này thì những mặt hàng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng trên diện rộng, không tác động đến tất cả các hàng hóa nhưng sẽ ảnh hưởng mạnh đến một nhóm hàng hóa nào đó của Việt Nam như dệt may, cà phê… Những sản phẩm này bị ảnh hưởng thì lại ảnh hướng đến rất nhiều đối tượng của Việt Nam.

Về tổng thể thì trong ngắn hạn chưa xảy ra vấn đề gì. Còn trong trung và dài hạn sẽtùy thuộc quan hệ và ứng xử của các bên liên quan mà Việt Nam và Mỹ cũng chỉ là 2 trong số rất nhiều các mối tương tác, quan hệ, ứng xử.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm(thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VN xuất siêu sang Mỹ 29,4 tỉ USD: Đáng mừng nhưng đừng vội vỗ tay