Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nếu tính quy mô toàn địa bàn TP.HCM thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm trên 50%. Do đó, vẫn còn khoảng hơn một nửa thực phẩm đang tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM là chưa an toàn.
Tại phiên họp chiều 5.7 kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã lắng nghe kết quả giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong 2 năm 2015 và 2016.
Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan
Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 240 chợ truyền thống, siêu thị và hơn 19.000 cửa hàng ăn uống đường phố. Đánh giá của HĐND TP.HCM cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập từ khâu sản xuất đến vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
Theo kết quả kiểm tra các chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh ăn uống, tỷ lệ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, vì vậy người dân chưa yên tâm với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Phương Ninh cho rằng trong thời gian qua, TP có nhiều chương trình để nâng cao quản lý an toàn thực phẩm, thế nhưng các giải pháp chưa đủ để người dân sử dụng được thực phẩm an toàn.
“Lâu nay, chúng ta hay kêu gọi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, nhưng trên thực tế, rất khó để người tiêu dùng bằng mắt phân biệt được chất lượng sản phẩm. Chúng ta chưa có giải pháp căn cơ để cho nhà sản xuất tự giác làm tốt chất lượng của mình. Vì vậy, nếu nhà sản xuất không làm tốt chất lượng sản phẩm của mình thì việc kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn sẽ còn khó khăn”, đại biểu Đặng Thị Phương Ninh nhận định.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Nga đánh giá những tồn tại hạn chế trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm trên đại bàn TP vẫn tập trung chủ yếu từ khâu sản xuất, khâu vận chuyển, lưu thông đến khâu chế biến.
Trong khâu sản xuất, thực phẩm, hiện tại vẫn còn dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khâu vận chuyển lưu thông, việc sử dụng các chất bảo quản, chất cấm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Còn khâu chế biến thì việc sử dụng chất phụ gia, hương liệu vẫn còn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng nói rằng vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đóng góp rất lớn cho sự phát triển bền vững của TP. Do đó, TP phải có sự đầu tư đồng bộ phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng thực phẩm, vì hóa chất trong thực phẩm còn nguy hiểm hơn cả ung thư.
Theo đại biểu Trần Quang Thắng, TP nên khuyến khích kiểm tra nhanh trong kiểm soát an toàn thực phẩm. “Với độ chính xác có thể đạt tầm 80%, kiểm tra nhanh nên được ưu tiên sử dung vì giá rẻ, nhanh, giảm thiểu được rủi ro”.
Một nửa thực phẩm lưu thông tại TP.HCM chưa an toàn
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - thừa nhận vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm hiện vẫn còn khó khăn. Việc xử phạt vẫn còn khiêm tốn và còn nhiều cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố nhỏ lẻ, chưa đăng ký, chưa thể xử phạt vi phạm…
Theo ông Bỉnh, trong 2 năm 2015 và 2016, đoàn thanh tra liên ngành 3 sở gồm Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra 98.000 cơ sở thực phẩm, phát hiện 15.000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 11.000 cơ sở. Nếu tính quy mô toàn địa bàn TP thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên 50%. Do đó, vẫn còn khoảng một nửa thực phẩm đang tiêu thụ trên địa bàn là chưa an toàn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí nói rằng kết quả khảo sát này khiến ông cùng người dân cực kỳ hoang mang. Bởi lẽ, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, khâu nào người dân cũng không thấy yên tâm 100%.
Chưa kể, một số đại biểu còn lo ngại tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi và hơn 50% cửa hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố vẫn chưa kiểm soát được. Đặc biệt, trong khi chờ kiểm nghiệm thì thực phẩm đã được tiêu thụ hết cũng là vấn đề khiến các đại biểu lo ngại.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM, thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống còn rất nhiều mà khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm thấp, chỉ khoảng 50%. Trong khi đó, ở các chợ đầu mối, các chủ hàng lại thường tự kê khai mặt hàng vào sổ của Ban quản lý, lô hàng chờ kiểm định thì đưa đi tiêu thụ ở chợ lẻ. Vì vậy, nếu kết quả không đảm bảo thì cũng đã tiêu thụ rồi.Thế nên vấn đề là chúng ta giải quyết việc này như thế nào?
“Quan trọng là biện pháp chứ lực lượng, phương tiện, điều kiện kỹ thuật để kiểm soát an toàn thực phẩm của TP không thiếu. Đó là nhiệm vụ của các sở ngành và đặc biệt là các địa phương”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho biết để kiểm soát vệ sinh an toan thực phẩm trên địa bàn TP, ngoài việc duy trì lấy mẫu kiểm tra thì còn phải tổ chức liên kết thành chuỗi cung ứng và hình thành liên kết vùng. Bởi lẽ, 85% nguồn cung cấp thực phẩm cho TP đến từ các tỉnh, thành.
“Hiện nay, ngành công thương đang quản lý và phân cấp trong việc quản lý chợ và siêu thị. Trong đó, ngành công thương quản lý hệ thống phân phối hiện đại 3 chợ đầu mối và 240 chợ truyền thống phân cấp cho các quận huyện quản lý. Riêng với 3 chợ đầu mối, Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành điều chỉnh lại và trình UBND TP sửa lại nội quy chợ, trong nội quy chợ nâng cao trách nhiệm của đơn vị kinh doanh”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nói thêm.
Phan Diệu