Thuế GTGT giảm sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ, tiếp sức cho nhà sản xuất.
Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp do giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) về 8% góp phần giảm giá bán, giảm trực tiếp chi phí của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Còn doanh nghiệp sẽ giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho rằng chính sách giảm thuế GTGT 2% cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, qua đó doanh nghiệp có thêm "hơi thở" mới.
Trao đổi với Một Thế Giới, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã nêu dẫn chứng cụ thể về tác động của việc giảm thuế GTGT. Cụ thể, khi giảm 2% thuế, doanh nghiệp này sẽ được giảm khoảng 500 triệu đồng tiền thuế. Còn với người tiêu dùng, khi mua 1 sản phẩm có giá khoảng 2 triệu đồng của doanh nghiệp này cũng sẽ được giảm giá 40 nghìn đồng. Như vậy, có thể thấy việc giảm thuế GTGT là điều kiện để khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng.
Việc giảm thuế GTGT cho các hàng hóa sẽ hỗ trợ đến thị trường trong nước như thế nào, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết thị trường trong nước thời gian qua phát triển khá tốt, nhất là trong bối cảnh thị trường nước ngoài hết sức khó khăn. Thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, qua đó hỗ trợ phát triển nền kinh tế của đất nước.
4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam tăng 12,8 %, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%, đây là chỉ số được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu người. Hiện nay theo đánh giá, sức mua của thị trường trong nước đã tăng, nhưng mức tăng chưa cao... Đây cũng là một trong những lý do mà Bộ Công Thương cùng với các bộ ngành đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước.
"Thuế GTGT giảm sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ. Tiêu dùng trong nước phát triển sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trong nước và tạo ra công ăn việc làm, cũng như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023", bà Nguyễn Thúy Hiền phân tích.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận giảm 2% thuế GTGT có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, đặc biệt tác động lan tỏa của giải pháp này rất lớn, đem đến sự phục hồi nhanh hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tìm kiếm thị trường đầu ra khi tổng cầu trong nước, tổng cầu thế giới suy giảm trong thời gian qua.
Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, nợ đọng vốn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện phương án giảm từ 10% xuống 8% thuế GTGT sẽ giảm thu ngân sách 5.800 tỉ đồng mỗi tháng và 35.000 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023, bằng 2,1% trong dự toán tổng thu cân đối ngân sách và bằng 2,6% trong dự toán thu nội địa năm 2023.
Mặc dù ngân sách nhà nước hụt thu do cắt giảm 2% thuế GTGT, nhưng theo TS Nguyễn Bích Lâm, việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, sẽ góp phần làm giảm bớt áp lực từ ngân sách chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người dân nói chung và người lao động nói riêng.
Hiệu quả của giải pháp giảm 2% thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng, đồng thời tác động lan tỏa đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8%.
Tuy vậy, để giải pháp giảm 2% thuế GTGT đối với hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 10% phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế, ông Lâm cho rằng cần có môi trường vĩ mô ổn định, giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt kiểm soát tốt lạm phát. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng chi tiêu, doanh nghiệp mới phục hồi và phát triển sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi nói về đề xuất giảm thuế GTGT cũng cho biết đây là một trong các giải pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết khó khăn hiện nay. Việc giảm thuế nhằm mục tiêu chính là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.