Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, của mỗi người, đặc biệt là của nhà báo, nhà giáo, nhà văn.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" (1966-2016), sáng 5.11 tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại hội thảo. Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong bài phát biểu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế là ngoài xã hội, trên diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa, có ngày càng nhiều những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển và làm mới tiếng Việt.
“Có thể rất dễ thấy hiện tượng lạm dụng ngôn từ và cách nói từ tiếng nước ngoài. Điều đáng báo động là không có nhiều, không có đủ những phân tích, phê phán và nhắc nhở về những biểu hiện đó”, Phó thủ tướng nhận xét.
Nhắc lại tư tưởng rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu đi đôi với phát triển, làm mới, làm giàu tiếng Việt một cách chọn lọc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng trong tiếng Việt. Tôi luôn nhớ yêu cầu là phải trong trẻo, không có tạp chất, phải trung thành, sáng tỏ được ý muốn viết, muốn nói. Tôi nghĩ rằng các nhà báo càng phải thấm thía, phải rèn các kỹ năng để thực hiện những yêu cầu này, mỗi phát ngôn, câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội và lan tỏa rất nhanh trong môi trường mạng”.
Lấy ví dụ về một số từ vựng mới được bổ sung vào tiếng Việt nhưng chưa được nghiên cứu và quy định theo quy tắc, Phó thủ tướng mong muốn ngoài những tham luận có tính khoa học sâu sắc, các cơ quan nghiên cứu về ngôn ngữ, cơ quan quản lý nhà nước về ngôn ngữ, về khoa học, về giáo dục và về thông tin, tuyên truyền sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị đối với Nhà nước và xã hội để công việc giữ gìn tiếng Việt trong sáng ngày càng được thực hiện tốt hơn.
Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ nhận xét trong quá trình hội nhập, giao lưu, đi vào kinh tế thị trường, dường như việc sử dụng tiếng Việt có nhiều vấn đề nổi cộm từ biểu hiện không giữ gìn đến xô bồ, lệch lạc trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài, cách biểu đạt lai căng gây bất bình trong dư luận. Bởi vậy, đã đến lúc phải đánh giá, nhìn nhận lại việc sử dụng tiếng Việt, cái gì tốt thì phát huy, nâng lên; cái gì sai, lệch lạc phải điều chỉnh. Đặc biệt, việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện báo chí và truyền thông rất cần sự nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc, từ đó chấn chỉnh những sai sót, yếu kém.
Diễn ra trong 1 ngày, hơn 240 tham luận gửi đến hội thảo tập trung vào chủ đề chính: Những vấn đề chung; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo viết.
Các báo cáo và bài viết mang tính khoa học cao, có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện sự nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá công phu, nghiêm túc về việc sử dụng tiếng Việt, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng những năm gần đây. Cùng với đó là những kiến nghị và đề xuất giải pháp nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó thúc đẩy công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành, mọi giới, mọi người.
Theo VGP News