Netflix nổi tiếng với việc trả nhiều tiền nhất để có được những người giỏi nhất và đòi hỏi một lượng công việc lớn từ nhân viên của mình.
Thế giới số

Gói trợ cấp thôi việc hậu hĩnh cho nhân viên trung bình và 4 bí quyết thành công của Netflix

Sơn Vân 23:14 06/04/2024

Netflix nổi tiếng với việc trả nhiều tiền nhất để có được những người giỏi nhất và đòi hỏi một lượng công việc lớn từ nhân viên của mình.

Reed Hastings, người đồng sáng lập và Chủ tịch Netflix, đã điểm qua 5 yếu tố chính trong văn hóa doanh nghiệp của gã khổng lồ phát trực tuyến này.

Reed Hastings, tỷ phú công nghệ từ chức Giám đốc điều hành chung của Netflix đầu năm ngoái, đã thảo luận về việc đặt ra các tiêu chuẩn cao ngất ngưởng, loại bỏ những người có hiệu suất trung bình, xác minh thông tin về ứng viên thông qua việc liên hệ với các nguồn tham khảo và đòi hỏi mọi người phải lên tiếng.

goi-tro-cap-thoi-viec-hau-hinh-cho-nhan-vien-trung-binh-va-4-bi-quyet-thanh-cong-cua-netflix.jpg
Reed Hastings, người đồng sáng lập và Chủ tịch Netflix - Ảnh: Getty Images

Dưới đây là 5 chủ đề mà Reed Hastings đề cập:

1. Đồng đội chứ không phải gia đình

Reed Hastings cho biết Netflix được điều hành giống như một đội thể thao hàng đầu nhằm mục đích lấp đầy từng vị trí bằng người giỏi nhất và cũng là thành viên của đội.

Việc tập hợp đội hình với những người có thành tích xuất sắc sẽ tối đa hóa cơ hội thành công của Netflix, đồng thời cũng thúc đẩy và thu hút nhiều tài năng hơn nữa.

Reed Hastings nói: “Đó là động lực thúc đẩy bởi mọi người xung quanh bạn đều tuyệt vời. Bạn học được rất nhiều điều và thu hút được những người tuyệt vời khác”.

2. Gói trợ cấp thôi việc hậu hĩnh cho nhân viên trung bình

Netflix cố gắng loại bỏ tận gốc sự tầm thường, nhưng kết hợp nhu cầu về sự xuất sắc theo học thuyết của Darwin (chỉ những cá nhân mạnh mẽ và thành công nhất mới được chọn lọc và tiếp tục tồn tại) với mức độ nhân văn nào đó.

Reed Hastings nói: “Phần thưởng cho thành tích ở mức vừa đủ là một gói trợ cấp thôi việc hậu hĩnh. Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy như thế này: Tôi đang cố gắng hết sức và sẽ cống hiến hết mình. Nếu mọi việc không suôn sẻ, tôi vẫn có một chiếc dù".

Netflix cung cấp mức trợ cấp thôi việc tối thiểu là 4 tháng lương tại Mỹ và các gói cao hơn mức trung bình ở các quốc gia khác. Chính sách này giúp cho việc loại bỏ những nhân viên có thành tích tầm thường trở nên bớt khó khăn hơn với các nhà quản lý.

Reed Hastings lý giải: “Thực tế là có một gói trợ cấp thôi việc lớn giúp người quản lý dễ dàng cắt giảm nhân viên và cố gắng tìm một người khác sẽ trở thành ngôi sao nhạc rock trong vai trò đó”.

3. Săn lùng tài liệu tham khảo về ứng cử viên

Netflix đảm bảo tuyển dụng được những người giỏi nhất bằng cách không chỉ gọi điện cho những người giới thiệu mà còn tìm những người khác biết về ứng cử viên tiềm năng.

Reed Hastings thường bắt đầu bằng cách tìm kiếm trên LinkedIn những mối quan hệ chung gần gũi với ông hơn là ứng viên tiềm năng để họ tiết lộ thẳng thắn hơn. Reed Hastings thích nói chuyện với họ qua video vì một lý do chính: “Khi ai đó ở trên Zoom, họ sẽ ít có khả năng nói dối tôi hơn. Tôi có thể đặt một vài câu hỏi và họ không cảm thấy như đang bị ghi hình, do đó tạo ra sự thân mật thích hợp nhưng cũng có phần ẩn danh".

4. Giữ hay buông

Netflix khuyến khích các nhà quản lý của mình thực hiện bài kiểm tra nhân viên muốn giữ lại mỗi quý một lần, Reed Hastings cho biết.

Với mỗi nhân viên, các nhà quản lý tự hỏi rằng liệu người đó có định nghỉ việc để đến một nơi khác làm việc hay không. Liệu các nhà quản lý có cố gắng thay đổi suy nghĩ của nhân viên và chiến đấu để giữ họ ở lại hay để ra đi.

Reed Hastings nói: “Nếu không đấu tranh để giữ ai đó, chúng ta nên chủ động đưa cho họ một gói trợ cấp thôi việc hậu hĩnh và cố gắng tìm một người mà chúng ta có thể đấu tranh để giữ lại”.

5. Cởi mở và trung thực

Reed Hastings nói: “Không đồng tình trong im lặng là không trung thành”.

Ông giải thích rằng hầu hết mọi người đều được dạy dỗ để trở nên lịch sự và dễ chịu, chủ yếu nhằm mục đích làm hài lòng người quản lý và tuân theo các quyết định của họ.

Thế nhưng khi một nhân viên thấy công ty đang làm sai điều gì đó, việc giữ im lặng để tránh đối đầu hoặc chọc giận cấp trên có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn, nghiêm trọng hơn và làm trì hoãn sự tiến bộ của doanh nghiệp.

Netflix cố gắng tránh vấn đề đó bằng cách khuyến khích "sự trung thực quyết liệt" trong toàn bộ lực lượng lao động của mình và thúc đẩy các nhà quản lý tìm kiếm ý kiến trái ngược với quan điểm của họ. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc đa dạng ý kiến, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển.

Reed Hastings cho hay: “Đôi khi tôi phải sẵn sàng tranh luận với người quản lý của mình để giúp họ phát triển thì điều đó không sao cả”.

Hành trình trở thành tỷ phú của Reed Hastings

Reed Hastings sinh ngày 8.10.1960 tại thành phố Boston, Mỹ. Ông đã nảy ra ý tưởng sáng lập Netflix sau khi có trải nghiệm tệ với cửa hàng cho thuê phim. Sau 37 năm, Reed Hastings trở thành tỷ phú nhờ vào sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu Netflix.

Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì tiếp tục theo học đại học ngay sau đó, Reed Hastings đã trì hoãn lại việc học để đi làm nhân viên bán máy hút bụi trong một năm trước khi theo đuổi chuyên ngành toán học tại Đại học Stanford.

Tốt nghiệp đại học và đi làm một vài năm, Reed Hastings cùng với 2 người bạn của mình là Raymond Peck và Mark Box đã thành lập công ty Pure Software (cung cấp công cụ gỡ lỗi cho các kỹ sư) vào năm ông 31 tuổi.

Về trải nghiệm của mình khi điều hành Pure Software, Reed Hastings cho biết: "Khi chèo thuyền kayak, nếu bạn chỉ tập trung vào những vấn đề tiêu cực và nhìn chằm chằm vào chúng, có khả năng bạn sẽ đối mặt với nguy hiểm. Vì vậy, tôi luôn tập trung vào những điều tôi hướng đến và làm mọi cách để đạt được nó. Tôi không để ý đến hoài nghi của người khác và không để chúng làm phiền tâm trí của mình".

Doanh nghiệp đầu tiên của Reed Hastings đã đạt được thành công ngoài mong đợi, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng.

2 năm sau đó, Rational Software đã mua lại Pure Software với giá 750 triệu USD. Thương vụ này đã tạo ra cơ hội cho Reed Hastings đặt nền móng để bắt đầu hành trình với Netflix.

Ý tưởng dẫn Reed Hastings đến với mô hình kinh doanh dịch vụ Netflix là khi ông có một trải nghiệm tồi tệ với cửa hàng cho thuê phim truyền thống. Trong một lần trên đường đi đến phòng tập gym, trong đầu ông đã nảy ra một mô hình kinh doanh cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến mà người dùng chỉ cần chi trả khoảng 30 - 40 USD một tháng để xem lượng video tùy thích.

Năm 1997, Netflix ra đời dưới sự quản lý của Reed Hastings và doanh nhân Marc Randolph. Tuy nhiên, Marc Randolph đã rời khỏi công ty sau 5 năm giữ vị trí lãnh đạo.

Chỉ trong năm đầu tiên, Netflix đã thu hút 239.000 người đăng ký. Phương thức hoạt động của Netflix vào thời điểm đó là cho người dùng liệt kê danh sách toàn bộ đĩa DVD mà họ muốn xem trên trang Netflix.com, sau đó công ty sẽ gửi từng đĩa vào trong các phong bì màu đỏ. Người đăng ký có thể giữ phim bất kỳ thời gian nào mà không phải lo lắng về phí trễ hạn.

Tuy nhiên sau đó, Reed Hastings lại tách gói đăng ký DVD truyền thống của Netflix và phân loại mảng kinh doanh phát trực tuyến còn non trẻ thành các dịch vụ riêng biệt với các mức phí khác nhau. Hành động này đã đẩy công ty vào một cuộc khủng hoảng lớn.

Khách hàng của Netflix đã trải qua cảm giác không hài lòng, thậm chí phẫn nộ khi phải đối mặt với các tùy chọn đăng ký mới. Điều này khiến giá cổ phiếu Netflix giảm đến 75% vào cuối năm 2011.

Sau những thách thức, Netflix dần khôi phục lại danh tiếng của mình nhờ vào đánh giá cao về nội dung từ các nhà phê bình. Hiện Netflix như ông lớn trong ngành giải trí với 230,75 triệu thành viên trả phí trên toàn cầu.

Trong quý 4/2023, Trung Đông và châu Phi là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của Netflix với hơn 5 triệu tài khoản được mở mới. Đây cũng là khu vực đóng góp đến 2,78 tỉ USD trong tổng số 8,83 tỉ USD doanh thu của công ty trong quý đó.

Bài liên quan
Netflix có thể tăng giá đăng ký dịch vụ sau khi kiểm soát chia sẻ mật khẩu thành công
Việc Netflix tăng cường kiểm soát việc chia sẻ mật khẩu có khả năng đã giúp tăng số người đăng ký thêm khoảng 6 triệu người trong quý 3/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gói trợ cấp thôi việc hậu hĩnh cho nhân viên trung bình và 4 bí quyết thành công của Netflix