Việc làm tại Apple nằm trong số những công việc được săn đón nhiều nhất ở Mỹ. Chỉ có Netflix, Amazon và Microsoft thu hút nhiều ứng viên hơn Apple.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, nói rằng công ty "rất cân nhắc trong việc tuyển dụng" để tránh kiểu sa thải hàng loạt mà các hãng công nghệ khác đã nhiều lần thực hiện. Tuy nhiên, Tim Cook vẫn đang tuyển dụng và bản tin mới từ Apple Insider cho biết Apple luôn thu hút được số lượng người đăng ký xin việc lớn.
Công ty Resume.io đã sử dụng tiện ích của LinkedIn để hiển thị số lượng người đã nộp đơn xin việc cho một vai trò cụ thể. Resume.io cho biết trong bài đăng trên blog: "Tất nhiên, việc thấy số lượng lớn ứng viên cho một công việc được đăng tải chỉ cách đây hai ngày có thể khiến bạn choáng ngợp. Thế nhưng, đó là một tính năng có thể vẽ ra bức tranh rõ ràng về những công ty nào có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất khi xin việc và những hãng nào không được ưa chuộng như vậy".
Nhìn chung, các hãng công nghệ lớn (Big Tech) đứng đầu danh sách số người xin việc ở Mỹ, trong đó Apple thu hút trung bình 53,7 đơn xin việc mỗi ngày cho một công việc cụ thể.
Tuy nhiên, Netflix đứng đầu bảng xếp hạng với trung bình 84,87 người đăng ký xin việc mỗi ngày cho một công việc cụ thể. Công ty phổ biến nhất tiếp theo là Amazon với con số 73,25. Ngay trước Apple là Microsoft với 57,9 người đăng ký xin việc mỗi ngày cho một công việc cụ thể.
Các Big Tech chiếm 7 vị trí hàng đầu ngoài Netflix, Amazon, Microsoft, Apple thì còn có Meta Platforms, Oracle và Tesla. Alphabet và IBM lần lượt ở vị trí thứ 18 và 19. Phần còn lại của top 20 chủ yếu là các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng và bán lẻ.
Báo cáo của Resume.io cho biết: “Ở xa sau các công ty lớn như Apple (53.74 ứng viên) và Oracle (49.22 ứng viên) là Intel (12.07 ứng viên). Đây là hãng công nghệ lớn ít cạnh tranh nhất khi xin việc. Intel được cho là đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí chủ chốt do thiếu lao động lành nghề”.
Dưới sự dẫn dắt của Giám đốc điều hành Pat Gelsinger, Intel đang cố gắng xoay chuyển tình hình kinh doanh bằng cách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mà công ty hy vọng sẽ mang lại lợi thế trong lĩnh vực sản xuất chip và cho phép họ cạnh tranh với TSMC (nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan) để giành lấy các khách hàng. Sau khi đảm bảo được ba khách hàng giấu tên cho đơn vị sản xuất chip theo hợp đồng, Pat Gelsinger nói với Reuters hôm rằng ông dự kiến sẽ chốt được thỏa thuận với khách hàng thứ tư trước cuối năm nay.
Intel cũng dự báo doanh thu và tỷ suất lợi nhuận quý 4/2023 cao hơn ước tính của Phố Wall, sau khi hãng này báo cáo mức sụt giảm nhỏ hơn dự đoán ở phân khúc PC trong quý 3.
Cuộc khảo sát của Resume.io kết luận rằng chuỗi nhà hàng Zaxby's và Applebee's được xếp hạng là ông ty Mỹ kém cạnh tranh nhất để ứng tuyển, với danh sách việc làm trung bình cho mỗi công ty nhận được 0,01 người nộp đơn mỗi ngày.
Tất nhiên, LinkedIn không phải là lựa chọn duy nhất mà các ứng viên xin việc sử dụng, vì vậy điều này chỉ có tính chất minh họa. Tuy nhiên, Apple đã sa thải 100 nhà tuyển dụng của mình vào năm 2022, đồng nghĩa với việc sẽ có ít trường hợp được mời làm việc hơn ứng tuyển trực tiếp.
Bí quyết giúp Apple tránh sa thải nhân viên hàng loạt như các hãng khác
Có một lý do giúp Apple chịu ít áp lực phải cắt giảm việc làm vào thời kỳ suy thoái hiện nay so với các hãng công nghệ khác: Tuyển dụng hiệu quả hơn ngay từ đầu.
Trong thời kỳ bùng nổ tuyển dụng của ngành do đại dịch, Apple đã bổ sung ít nhân viên hơn so với các hãng công nghệ lớn khác. Trên hết, Apple đã tạo ra doanh thu trên mỗi lần tuyển dụng mới cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành, theo dữ liệu do trang Bloomberg tổng hợp.
Cách tiếp cận thận trọng hơn đó đang được đền đáp. Dù đã đóng băng việc tuyển dụng ở một số khu vực và hạn chế chi tiêu, đặc biệt là ngoài việc nghiên cứu và phát triển, Apple vẫn chưa dùng đến biện pháp sa thải hàng loạt như đang diễn ra tại Amazon, Google của Alphabet, Meta Platforms và những gã khổng lồ công nghệ khác.
Chuyên gia Peter Garnry của Saxo Bank (ngân hàng Đan Mạch chuyên kinh doanh và đầu tư trực tuyến) cho biết: “Điều này báo hiệu chất lượng quản lý tốt hơn ở Apple so với các hãng công nghệ khác vốn đã đọc sai các tín hiệu trong đại dịch một cách rõ ràng”.
Nhiều hãng công nghệ thừa nhận đã tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch, đánh cược rằng những thay đổi trong lối sống, bao gồm làm việc từ xa, chi tiêu cho thương mại điện tử và thói quen chơi game, sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Bây giờ, họ phải giải quyết hậu quả.
Trong khi đó, Apple tỏ ra thận trọng hơn. Số lượng nhân viên Apple chỉ tăng 20% từ năm 2020 đến 2022, so với mức tăng 60% tại Alphabet và gần gấp đôi tại Amazon.
Apple cũng tạo ra nhiều doanh thu hơn trên mỗi nhân viên bổ sung trong những năm xảy ra đại dịch so với khoảng thời gian 3 năm trước đó. Đó là một sự tương phản rõ nét so với hầu hết các hãng công nghệ khác.
Tuy nhiên, số lượng nhân viên không thể giải thích đầy đủ lợi thế của Apple so với các đối thủ cạnh tranh. Nhà sản xuất iPhone cũng tạo ra một số doanh thu cao nhất trên mỗi mét vuông, dấu hiệu cho thấy hiệu quả của nó vượt xa chính sách tuyển dụng.
Nhà phân tích Shannon Cross của Credit Suisse Group AG (ngân hàng đầu tư toàn cầu và công ty dịch vụ tài chính Thụy Sĩ) cho biết: “Bản chất của Apple là tiết kiệm. Điều này phụ thuộc vào sự quản lý của ban quản lý với tiền của cổ đông và sự tập trung chặt chẽ vào những cơ hội tăng trưởng để đầu tư”.